Sân khấu cho trẻ em: Vừng ơi, bao giờ… mở cửa?

24/05/2010 09:42 GMT+7

(TNTT>) Không biết bao giờ, sân chơi thiếu nhi đã trở thành điều xa xỉ. Không chỉ Hà Nội, TP.HCM sân chơi cho các em còn bị thu hẹp nhiều tỉnh thành trên cả nước. Và ước mơ khám phá sự bí ẩn qua những sân khấu tuổi thơ càng khác gì chàng Alibaba, đọc mãi câu thần chú "vừng ơi" vẫn chưa thấy cửa mở... >> Sân nhiều nhưng không phải để chơi \ Sân chơi nào cho trẻ em?

Người ta cứ đổ cho sữa hộp,  phim ảnh, cho nhiều sự tác động của xã hội khác nhau đã làm trẻ con thời nay trở nên già nhanh hơn so với tuổi. Nhưng thực tế trẻ con thì dù trong hoàn cảnh và môi trường nào vẫn là trẻ con! Chúng vẫn đầy ngơ ngác, bỡ ngỡ và thích thú khi nhìn thấy bầy gà con, chú nhái bén, lẫn đâu đó tiếng nói của loài cỏ, tiếng hát của loài cây… Đó là thế giới ấu thơ tươi đẹp của  các em mà người lớn phải có trách nhiệm tạo nên...

Bói  sâu khấu cho trẻ con?

Sân khấu nào dành riêng cho trẻ em? Chưa thấy và tìm không thấy. Cuối tuần các ông bố bà mẹ phải nghĩ nát óc xem dẫn con mình đi đâu. Có những sân khấu mà trẻ con rất thích là: múa rối nước. Nhưng ở miền Nam nói riêng, từ trước khi nhà hát rối nước Rồng Vàng ra đời  (2007), chưa có một sân khấu rối nước nào được xây dựng thành nhà hát.

Không ai lấy mơ làm thực. Nhưng trẻ em và nghệ sĩ cùng một tính ngây thơ rất dễ biến thực thành mơ... để thấu cho hết lý tình của cái thực

Nguyễn Khắc Viện

Ngay cả đội rối nước thuộc Đoàn rối TP.HCM, gần như là đơn vị chuyên nghiệp duy nhất trong khu vực, nơi biểu diễn thường xuyên cho khách du lịch, cũng chỉ là một sân khấu tạm nằm trong khuôn viên Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Cho đến khi ông Huỳnh Anh Tuấn, chủ nhiệm sân khấu kịch Idecaf, đã đầu tư 750 triệu đồng cải tạo sân khấu Tao Đàn thuộc cung văn hóa Lao động TP.HCM thành một nhà hát biểu diễn rối nước chuyên nghiệp là nhà hát rối nước Rồng Vàng. Từ khán phòng, ghế ngồi, sàn diễn cảnh trí, hồ nước sâu… được thiết kế và trang trí  theo đúng kiểu sân khấu thủy đình của loại hình rối nước mang đậm nét dân gian Việt Nam.

Bao nhiêu người mừng rỡ vì từ nay có một địa chỉ tuyệt vời để dẫn trẻ con đi xem. Nhưng nhà hát rối nước Rồng Vàng được các bậc phụ huynh cho là đắt. Tại cung văn hóa Lao động, nhà hát múa rối nước Rồng Vàng mỗi ngày 2 suất thường kín người, nhưng số lượng khán giả Việt chỉ chiếm khoảng 5%. 

Một sân chơi khác cũng rất thu hút trẻ con là múa rối nước ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nằm bên trong khuôn viên của bảo tàng Lịch sử TP.HCM tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1. Vì thế, ở đây muốn xem múa rối nước phải mua qua cổng bảo tàng rồi vào trong tiếp tục mua vé xem múa rối nước. Nhưng có những em  vì quá bé, chúng chưa thể cảm nhận, hiểu hết được ý nghĩa trong bảo tàng lịch sử nhưng vẫn đành phải mua vé vào bảo tàng để xem rối nước.

Sân khấu cho trẻ em chỉ mang tính định kỳ

Chưa bao giờ sân khấu dành cho trẻ em lại cần thiết và trở nên khan hiếm đến vậy. Đến rạp chiếu phim thì 99% là phim dành cho người lớn. Về nhà bật ti-vi thì toàn là các bộ phim ướt át tình cảm. Dẫn trẻ ra công viên thì những đồ chơi hầu như bị hoen rỉ không được bảo dưỡng, không gian bị chiếm dụng để buôn bán. Các sân khấu kịch thỉnh thoảng cũng mới có một vở dành cho trẻ con nhưng chủ yếu vào những dịp lễ tết mang tính định kỳ.

Một buổi tối ở Hà Nội, cô bé lên 8 tuổi ríu rít: “Mẹ ơi hôm nay con được điểm 10, ăn cơm xong mẹ cho con đi siêu thị nhé!”. Đến cô bé chưa đầy 3 tuổi, chưa biết chữ, nhìn vào tờ quảng cáo mua sắm của siêu thị Big C cũng ngô nghê “Big C này mẹ ơi”. Hóa ra vì không biết dẫn con đi đâu, bà mẹ trẻ thường dẫn con đến siêu thị chơi. Và hầu hết trẻ con ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hiện nay thích đến siêu thị.

Cách đây khoảng hơn 2 năm, nhà hát Tuổi trẻ cùng tổ chức của Thụy Điển dàn dựng nhiều vở kịch dành cho trẻ thơ. Đó là những vở kịch đồng thoại mang tính giáo dục cao được phục vụ miễn phí. Cứ nghĩ từ dự án “Tiếng nói trẻ thơ” ấy, đến các dự án như “Sân khấu học đường”, xây dựng mô hình “Nhà hát bệnh viện”, “Ngôi nhà của bé”... sẽ là cánh cửa mở ra những hoạt động sân khấu dành cho thiếu nhi khác. Như câu chuyện trẻ con ngày xửa ngày xưa “vừng ơi…” nhưng mãi cửa không mở ra. Chẳng lẽ sân khấu dành cho trẻ em cũng sẽ trở thành câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” của những người lớn. 

Khập khiễng sân khấu dành cho trẻ em và người lớn

Đối với người lớn chỉ cần nhắm mắt cũng có thể kể những nơi có thể thư giãn giải trí với sân khấu kịch, mỗi năm đều có hàng chục, hàng trăm vở diễn chính luận, hài kịch. Đến rạp chiếu phim bất kỳ lúc nào cũng có những bộ phim hay, kể cả là 23 giờ. Chán đi xem kịch, xem phim thì xem ca nhạc, đi spa, cà phê, hoặc về nhà bật ti-vi lên lựa chọn cả gần 100 kênh khác nhau.

Nhớ lại hồi đầu những năm 90, trên VTV cứ đến 7 giờ kém 15 phút trẻ con lại háo hức chờ xem chương trình Những bông hoa nhỏ. Mở chương trình này là hai nhân vật hoạt họa chạy ra ghép tay vào nhau tung hoa lên xếp thành chữ "những bông hoa nhỏ". Cả cái nhạc nền vui nhộn cũng trở thành quen thuộc với các bé. Nhưng đến nay, chương trình ấy không còn nữa, chính xác là từ năm 1995. Những bông hoa nhỏ đổi tên thành Chương trình thiếu nhi và từ đó những bông hoa nhỏ ấn tượng đó chỉ còn trong hồi ức đẹp đẽ của người lớn.

 Vài năm gần đây, trên VTV3 lại có chương trình Đồ rê mí cũng được đánh giá là thu hút trẻ em. Ở Hà Nội, các bé đến cả các phụ huynh đều được biết chương trình này.  Nhưng lạ thay nó là chương trình quá mơ hồ với nhiều bà mẹ ở TP.Hồ Chí Minh. Vậy nên chăng cần có sự quảng bá hơn nữa cho sân chơi của các em?

Mắt trẻ con vẫn tròn, tiếng cười vẫn giòn tan tràn đầy thích thú khi được xem một vở rối nước, một phim hay.  Chúng vẫn tin vào câu chuyện “Vừng ơi, mở cửa ra”, bởi muôn đời, trẻ con vẫn là trẻ con! Nên chăng, đã đến lúc cần tổ chức những hội thảo, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu giáo dục, tâm lý trẻ em, các văn nghệ sĩ... để có những dự án "sân khấu trẻ em" hay những mô hình "sân khấu thiếu nhi" đúng tầm và đúng chuẩn. Bởi trong sự phát triển chung của xã hội hiện đại "trẻ em hôm nay thế giới ngày mai" đang rất cần giao lưu không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Như chàng Alibaba chuyện cổ đã  bay đến với các em trên mọi miền biên giới...  

Nghệ sĩ Thành Lộc viết trên blog: Trẻ con thời nào cũng thích hát ca,
 
cũng có trí tưởng tượng không biên giới và một sự hào phóng hồn nhiên. Chính vì thế hơn mười năm trôi qua, bên cạnh việc làm kịch cho người lớn, tôi vẫn không quên xây dựng, đầu tư những chương trình Ngày xửa ngày xưa dành cho trẻ con. Chỉ vì tôi quá yêu "lũ" vịt con, gà con, heo con, gấu con và chuột con này...”.

NSƯT Hồng Vân
: Trong những điều kiện có thể tôi đều hướng đến trẻ em. Chẳng hạn, khi mở nhà hàng Ven Sông, tôi không quên xây một mô hình nhà bóng dành cho các em. Vì hơn ai hết, tôi hiểu, nếu người lớn đi ăn, dắt các em theo, "tụi nhỏ" sẽ làm gì trong lúc đó? Với nhà bóng, chúng có thể chơi cùng bạn bè …

NSƯT Lê Chức – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:
 
Dường như trẻ em chúng ta hiện nay đang dần mất đi sự hồn nhiên vốn có của tuổi thơ. Vì thế, sân khấu cho thiếu nhi không chỉ phong phú, đa dạng, hấp dẫn mà còn phải nói được bằng ngôn ngữ của trẻ em. Không nên dùng tư duy người lớn để áp đặt cho trẻ con...

Nhà thơ Đông Trình
: Tôi còn nhớ, GS. Nguyễn Khắc Viện đã viết "Chỉ có trong mơ, chim mới biết nói, hoa mới biết cười... Trẻ em và nghệ sĩ cùng một tính ngây thơ rất dễ biến thực thành mơ để thấu cho hết lý tình của cái thực...". Thế giới sân chơi của trẻ em làm sao giữ được nét ngộ nghĩnh, hồn nhiên hư thực ấy...

Ý kiến...

(Nhân đọc loạt bài “Sân chơi nào cho trẻ em?")

* Trình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em ở TP.HCM vẫn là điều dễ thấy. Như tôi ở quận 7, muốn con đi qua khu trung tâm Sài Gòn thì quá xa mà gần nhà thì không có gì để bé chơi. Chưa nói vườn thiếu nhi bị người lớn “xâm chiếm” bừa bãi làm chỗ giữ xe, bán hàng rong và thậm chí…phóng uế (!?). Nói chung rất mất vệ sinh và thiếu văn hóa. Các phương tiện chơi thô sơ như cầu tuột, đu bay, vòng xoay… làm bằng xi măng hay sắt nay đã xuống cấp, cũ xì. Rất nguy hiểm vì khi chơi bé dễ bị đứt tay… _Lê Thị Thủy (thuy69@yahoo.com.vn )

* Trước đây vào dịp cuối tuần tôi vẫn đưa các con đi xem xiếc ở rạp thiếu nhi trên đường Đồng Khởi. Nay tôi được biết do chỉnh trang lại đô thị nên rạp đã bị dẹp bỏ. Bây giờ muốn cho con đi không biết xem ở đâu? Nếu cứ đưa bé đến Thảo Cầm viên hay công viên Đầm Sen, Tao Đàn cũng không thấy có gì mới để gợi trí tò mò và tưởng tượng cho bọn trẻ. Tôi chỉ còn cách đưa con vào Fahasa Nguyễn Huệ hay các siêu thị để cho bé tập tô tượng…Nhưng rồi nhận thấy phương tiện "học mà chơi, chơi mà học" cho các em sao đơn điệu quá… _Hoàng Lê (hoangthile@hotmail.com)

*Sân chơi cho trẻ con là điều cần thiết nếu muốn đầu tư vào tương lai-một nhà nghiên cứu giáo dục đã nói vậy.Tôi thấy lĩnh vực này cần được quan tâm nhiều hơn từ phía các nhà đầu tư. Trò chơi cho các em không chỉ nghiêng về vận động mà còn nâng cao trí tò mò, óc tưởng tượng. Thật không hình dung trẻ em mà thiếu sự tưởng tượng sẽ thế nào… _Mạc Lâm (lam74@vnn.vn)

Nga Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.