Nhàn đàm: Sách và thói quen

17/03/2019 08:23 GMT+7

1. Chủ nhật, lang thang cùng đứa em vào nhà sách tìm mua sách tặng một cô bạn người Việt làm việc ở Hàn Quốc.

Cũng lạ cho một người xa xứ lại thích món quà phải gửi từ khoảng cách xa đến thế - sách. Đứa em kể, anh bạn người yêu của cô gái cũng hay gửi sách từ VN sang xứ sở kim chi cho bạn gái. Không hẳn nói đến chuyện sách ở xứ Hàn đắt hay rẻ đối với cô bạn đang làm công việc viết phần mềm cho một trường đại học ở Hàn, đồng lương chỉ đủ trang trải cuộc sống và dành dụm vài năm về nước một lần, mà là thói quen thích đọc sách, thích được tặng sách khiến người ta dễ có cảm tình.
2. Lại nhớ chuyện về đứa em họ con cậu ở Hải Phòng học giỏi văn và rất mê đọc sách. Khổ nỗi, người mẹ lại muốn cô thi vào trường y để nối nghiệp mẹ nên bắt con tập trung học toán, hóa, sinh. Thế nên, cô bé học lớp 11 ấy phải giấu mẹ mỗi khi đi mua sách văn học, mua về lại len lén đọc. Cô bé còn gia nhập một nhóm fan của một cây viết sinh năm 1987 ở Hà Nội, sách nào của tác giả này xuất bản cô đều tìm mua. Một lần, không mua được cuốn sách cần tìm của cây bút này, lại nhân dịp một cô bạn khác được ra Hà Nội, thế là cô bé gửi mua ngay. Khổ nỗi, cô bạn mua cũng chẳng được, nghĩ sao lại tìm đến tận nhà tác giả, thế là bỗng dưng được chủ nhân tặng hẳn cuốn sách có kèm cả chữ ký.
3. Nhắc lại hai câu chuyện trên, bỗng nhớ tới thói quen đọc sách xưa kia của mình. Hồi ấy, mới lớp 5 - 6 đã say mê Thủy hử, Tam quốc chí, Kim Bình Mai, Tây du ký…, những bộ truyện toàn chữ, dày cộp, giấy xỉn màu chứ chẳng trắng tinh như bây giờ. Hết đọc truyện ở nhà lại ra tiệm thuê, được cái tiệm đối diện với trường học nên cũng tiện. Lại lắm khi lấy cả sách giáo khoa văn học của anh trai hơn mình mấy lớp mà đọc trước. Lên cấp 3 thì chuyển sang tiểu thuyết tình cảm. Đến thời sinh viên và vài năm sau đó, dường như không có sách là không chịu được. Hồi ấy, tôi làm hai cái thẻ thư viện, một của trường, một của Thư viện Tổng hợp thành phố, mỗi lần mượn dăm bảy cuốn, hết rồi lại trả - mượn, cứ thế cả 4 năm học đại học. Có lúc còn đạp xe đến các tiệm sách cũ mua sách. Thích nhất là các hội sách, cả đám bạn cùng rủ nhau đi, khi về mỗi đứa ôm cả chồng sách. Còn nhớ, có lần chủ nhà nơi tôi trọ dọn đống sách báo cũ, bắt gặp bộ Ván bài lật ngửa không trọn vẹn vì thiếu 2 tập cũng xin giữ lại đọc. Ra trường rồi, về quê Nha Trang, mấy năm đầu mỗi khi có dịp vào Sài Gòn tôi vẫn tìm đến nhà một người thầy dạy đại học để mượn sách, dịp sau lại vào trả, có khi đến cả năm, vậy mà thầy cũng không chút tần ngần. Cũng nhờ đó mà tôi đọc được nhiều cuốn hay.
4. Giờ thì thói quen ấy của mình, mà có lẽ là của rất nhiều người nữa đã thưa dần trong cái văn hóa mạng. Thích đọc thì lại tẩn mẩn mở smartphone hay máy tính bảng ra lướt các trang để cập nhật thế giới văn chương. Ngẫm ra văn chương mạng cũng có cái hay và tiện, thích bài nào thì cứ bấm add favorite (thêm vào ưa thích) hay share để lưu lại, lâu lâu mở ra đọc lại. Từ Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, tùy bút của Băng Sơn, Ván bài lật ngửa, hay những cuốn viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ…
Ai nói mình bây giờ lười cầm cuốn sách, điều đó là thật. Nhưng không phải cứ cầm cuốn sách lên mới là đọc, mà có nhiều cách để đọc và cũng là để học, bởi kiến thức, tri thức bây giờ có thể được tiếp cận bằng rất nhiều nguồn. Vấn đề là tùy cách nhìn nhận ở mỗi người và việc ta đã chắt lọc được những gì từ những trang chữ đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.