Sắp có Trung tâm giám định mỹ thuật đầu tiên

08/01/2010 00:18 GMT+7

Như một giải pháp tháo gỡ hiện trạng xô bồ, thật giả lẫn lộn trên thị trường mỹ thuật, Trung tâm giám định mỹ thuật sẽ chính thức hoạt động từ giữa năm 2010.

Thanh Niên đã trao đổi với ông Vi Kiến Thành - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Cục phó Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, một trong những người khởi xướng ý tưởng thành lập trung tâm trực thuộc bảo tàng. 

* Thưa ông, sự ra đời của Trung tâm giám định sẽ đem lại những lợi ích cụ thể nào - về cả trước mắt lẫn lâu dài - cho đời sống mỹ thuật nội địa?

- Trong tình trạng nhập nhèm hiện nay, sự ra đời của một trọng tài - một trung tâm giám định (thật - giả) vẫn là rất cần thiết để góp phần làm lành mạnh đời sống mỹ thuật. Tác phẩm được giám định nếu là bản thật thì sẽ được cấp giấy chứng nhận và đây sẽ là căn cứ pháp lý cho thị trường đấu giá tranh, giúp nhà đấu giá, người mua an tâm về nguồn gốc tác phẩm và giữ uy tín cho người sáng tác.

 
Ông Vi Kiến Thành - Ảnh: Y.N

* Quyết định thành lập trung tâm đã có từ năm 2006, nhưng vì sao đến bây giờ, bảo tàng mới chuẩn bị những bước khởi động đầu tiên?

- Biến mong ước thành hiện thực là điều rất khó. Khách sạn Daewoo vừa có lời mời Bảo tàng giám định toàn bộ tranh treo trong khách sạn vì họ không biết cái nào là thật, cái nào là giả, thế nhưng chúng tôi cũng chưa dám nhận lời. Bởi hiện tại, chúng tôi mới đang xây dựng dự thảo quy chế làm việc của Hội đồng giám định mỹ thuật trực thuộc trung tâm để từ giữa năm 2010 có thể tiếp nhận các hợp đồng song hành với việc mua các trang thiết bị máy móc phục vụ giám định.

Tuy nhiên, cái khó là chúng tôi chưa thể cử cán bộ đi học về giám định tranh, vì trên thế giới, chưa có trường lớp nào chuyên dạy giám định mỹ thuật. Không ít nhà đấu giá nước ngoài cũng mua nhầm tranh giả, còn nhà thẩm định của họ thì nhiều khi cũng không phân biệt được tranh thật, tranh giả.

* Vậy, việc giám định tác phẩm mỹ thuật sẽ dựa trên cơ sở khoa học nào khi mà theo ông, Việt Nam chưa có chuyên gia và cũng khó có thể đào tạo được đội ngũ này?

- Máy móc có thể giúp chúng ta biết được tuổi thọ của một tấm toan, biết được cái tranh này có bao nhiêu lớp màu sắc, nhưng không thể giúp chúng ta biết được nhiều hơn về nội dung và phong cách nghệ thuật của tác phẩm. Muốn giám định phong cách nghệ thuật để biết tác phẩm đó có đích thực là của họa sĩ đó hay không thì chỉ có thể bằng kinh nghiệm, sự nghiên cứu, hiểu biết của người giám định. Thế giới cũng vậy, họ cũng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người giám định.

Ở Việt Nam, tuy không có chuyên gia về giám định mỹ thuật và có thể giám định được bất kỳ mọi tác phẩm, mọi tác giả nội địa, nhưng lại có những chuyên gia am hiểu trong từng vụ việc, từng tác giả. Vì thế, có thể trông cậy vào những chuyên gia vụ việc. Về tính chính xác, không thể đòi hỏi các chuyên gia không được mắc bất kỳ sai sót nào, bởi thẩm định một tác phẩm nghệ thuật không giống như giải một bài toán.

* Nhưng thưa ông, cũng phải có quy định cho phép giới hạn sự sai sót ở mức nào để có thể tạm chấp nhận được và ràng buộc trách nhiệm của các thành viên hội đồng giám định? Nếu hội đồng đưa ra kết quả giám định sai, dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho người mua và uy tín của tác giả thì sao?

- Để tránh sai sót trong việc giám định, điều quan trọng là phải chọn đúng người giám định. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, đánh giá về năng lực của một chuyên gia giám định là việc không dễ dàng, và phải trải qua thực tiễn sàng lọc thì mới biết. Các chuyên gia giám định có chức năng tư vấn cho giám đốc bảo tàng, do đó, nếu kết luận giám định sai, gây thiệt hại kinh tế thì Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự. Còn các chuyên gia được mời giám định, nếu làm sai thì chỉ bị ảnh hưởng về uy tín nghề nghiệp.

* Ngay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đang treo… tranh giả mà còn không biết thì kết quả giám định của trung tâm liệu có đủ sức thuyết phục, thưa ông?

- Thật ra, số tranh giả treo trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không nhiều như dư luận đồn thổi, mà chỉ có một vài bức đang trong tình trạng nghi vấn. Sắp tới, trung tâm sẽ thẩm định lại những bức đang bị nghi vấn này.

Y Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.