Cô giáo trẻ với tấm lòng nhân ái

02/08/2021 07:00 GMT+7

Mỗi người đều tìm cho mình một con đường riêng trong cuộc sống, và với cô gái 9X Nguyễn Diệu Linh, cô đã chọn gắn kết với âm nhạc cổ điển cùng những dự án nhân ái lan tỏa yêu thương.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Yên Bái, trong những dịp nghỉ hè, Diệu Linh phải đi 50km lên TP. Yên Bái để học đàn, và một tuần chỉ học được có hai buổi.
Lớn hơn, Linh quyết tâm thi vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. May mắn mỉm cười với Linh, cô thi đỗ và được các thầy các cô dạy bảo tận tình, cùng với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, dù cũng có lúc tưởng chừng như sắp bỏ cuộc. Nhưng Linh lại nghĩ đến niềm đam mê của mình và đã vượt qua mọi áp lực.
Linh ra trường đạt số điểm cao nhất và vinh dự hơn, cái tên Nguyễn Diệu Linh nằm trong danh sách thủ khoa xuất sắc của TP. Hà Nội. Cũng chính vì vậy mà Linh đã nhận được quyết định chính thức từ ban giám hiệu ở lại trường để nối tiếp công việc giảng dạy của các thầy cô. Và có lẽ, cái nghiệp cô giáo đã bắt đầu từ đó. Cũng từ đó, cô giáo Diệu Linh luôn có tâm niệm rằng: “Phải truyền đạt âm nhạc cổ điển đúng nghĩa hơn với học trò của mình để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc nói chung, cũng như cách hiểu về bộ môn piano nói riêng. Và hơn nữa, âm nhạc cổ điển sẽ là nền tảng văn hóa vững chắc cho các em nhỏ. Để rồi chính âm nhạc sẽ hàn gắn mọi thô cứng trong tâm hồn để những điều đẹp đẽ nhất cứ thế lan tỏa ra cộng đồng và xã hội”.
Không chỉ giảng dạy ở trường, được gợi ý từ chương trình hòa nhạc “Ấm áp mùa đông” - chương trình hòa nhạc từ thiện của các bạn trẻ chuyên và không chuyên do nhà giáo Trịnh Hồng Trang (cô giáo của Linh) đứng ra tổ chức, Linh mở lớp dạy piano nghiệp dư tại nhà dành cho các em từ 5 - 18 tuổi. Linh tâm sự: “Qua mỗi bản nhạc Linh có thể thấy được niềm vui, nỗi buồn hay thậm chí là cả thiên nhiên trong những bản nhạc đó. Rồi khi Linh mở lớp dạy, Linh càng thấy sự cần thiết của nhạc cổ điển đối với cuộc sống, vì ở lớp mà Linh dạy có những em bé bị tăng động và có cả những em tự kỷ không thích giao tiếp với bạn bè, tuy vậy sau một thời gian học tập qua tác động của âm nhạc thì các em thực sự khác trước rất nhiều”.

Ngôi trường tại xã Cốc Rế, huyện Xín Mần, Hà Giang được xây từ quỹ Khăn ấm cho em

Ảnh: TGCC

Từ hòa nhạc ‘Khăn ấm cho em’ đến chiến dịch ‘Vì một triệu cây tre Việt Nam’

Khi tham gia và đến tận nơi trao quà cho các em nhỏ còn chịu nhiều thiệt thòi của chương trình hòa nhạc “Ấm áp mùa đông”, hơn ai hết chính Linh cũng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất còn có nhiều khó khăn, nên cô càng thấu cảm. Diệu Linh tự nhủ với bản thân rằng mình sẽ tổ chức một chương trình hòa nhạc từ thiện để từ đó gây quỹ trao những phần quà dù nhỏ bé nhất đến với các em bé vùng cao. Nhiều đêm cô mất ăn mất ngủ nghĩ đủ mọi cách, mọi phương án để làm sao tổ chức được một chương trình.
Bao năm miệt mài cố gắng, mơ ước của Linh cũng trở thành sự thực. Được sự khuyến khích, trợ giúp từ cô giáo Trịnh Hồng Trang và bạn bè, Linh đã tổ chức một chương trình thiện nguyện với tên “Khăn ấm cho em”. Vì Linh biết âm nhạc không chỉ là điểm tựa tinh thần, như nguồn cảm hứng cho cuộc sống mà hơn thế, âm nhạc cổ điển còn mang lại cho Linh và học trò của mình khả năng thấu cảm với mọi cung bậc của cuộc sống, thấu cảm với hạnh phúc và khổ đau của nhân gian, để lòng nhân ái luôn thường trực trong trái tim mình. Đó là thành công lớn nhất mà cô giáo trẻ Nguyễn Diệu Linh và các học trò nghiệp dư đang và sẽ tiếp tục đạt được từ chương trình hòa nhạc thiện nguyện.
“Khăn ấm cho em” không những thành công ở khía cạnh truyền đạt cảm hứng cho các em nhỏ để các em tự tin thể hiện khả năng âm nhạc của mình, mà còn thành công ở khía cạnh khác lớn hơn. Đó là gây quỹ từ thiện và để chia sẻ và trao yêu thương đến những em nhỏ đang gặp phải khó khăn trong cuộc sống. Số tiền được gây quỹ sau mỗi buổi biểu diễn lại tăng lên. Năm đầu số tiền thu được từ chương trình rất ít ỏi nhưng chỉ sau 2 năm tổ chức đã thu được hơn 100 triệu đồng. Với số tiền này, các em nhỏ của trường tiểu học Thôm Niêng, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn có bút để viết, có dép để đến trường. Có năm thì xây lớp học cho các em ở Hà Giang, Lào Cai, Sơn La.
Năm 2020, Diệu Linh có một ý tưởng táo bạo đó là dùng âm nhạc gây quỹ thực hiện chiến dịch “Vì một triệu cây tre Việt Nam” để chống biến đổi khí hậu. Đầu năm 2021, ý tưởng đó đã được triển khai thực hiện. Chiến dịch đã gây quỹ được 8.800 cây tre, hiện đang được trồng trên quỹ đất 8,16ha tại Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái.
Cô giáo trẻ Nguyễn Diệu Linh đã sử dụng âm nhạc cổ điển mà cụ thể hơn là chương trình hòa nhạc từ thiện “Khăn ấm cho em” để kết nối, lan tỏa thông điệp, nâng cao nhận thức nhằm gây quỹ cộng đồng, nhân rộng tình yêu thương và lòng nhân ái. Sống là phải biết yêu thương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.