Sống mãi với nghề xưa: Giữ nghề làm khăn xếp

03/02/2015 05:18 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Chèo ở làng nghề làm khăn xếp duy nhất tại miền Bắc, tâm sự dù biết thu nhập từ nghề gia truyền này khá thấp so với các làng nghề khác nhưng ông không bỏ nghề, bởi chiếc khăn xếp mang giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Chèo ở làng nghề làm khăn xếp duy nhất tại miền Bắc, tâm sự dù biết thu nhập từ nghề gia truyền này khá thấp so với các làng nghề khác nhưng ông không bỏ nghề, bởi chiếc khăn xếp mang giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của dân tộc.

>> Sống mãi với nghề xưa: Làng trống Đọi Tam

 
Ông Bùi Văn Hưng khẳng định quyết giữ nghề làm khăn xếp - Ảnh: H.L Ông Bùi Văn Hưng khẳng định quyết giữ nghề làm khăn xếp - Ảnh: H.L
Thăng trầm
Khăn xếp, áo the là trang phục truyền thống của VN. Đến nay, việc đội khăn xếp đã dần trở lại quen thuộc trong các dịp lễ tết, đình đám. Nhưng ít ai biết rằng khắp miền Bắc chỉ còn một nơi làm khăn xếp là thôn Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang, H.Nam Trực, Nam Định. Càng ít người biết, để giữ được nghề truyền thống mang một phần “quốc hồn”, làng nghề khăn xếp đã trải qua bao thăng trầm.
Thôn Giáp Nhất có 4 tổ dân cư với gần 200 hộ làm nghề khăn xếp, chủ yếu tập trung ở tổ 3. Người dân nơi đây không ai biết nghề này có từ bao giờ và ai là ông tổ của nghề, chỉ biết rằng nghề được truyền từ cha sang con, từ đời trước đến đời sau, chưa từng đứt đoạn. Anh Đoàn Văn Hưng (tổ 3, thôn Giáp Nhất), người được xem có tay nghề làm khăn xếp giỏi nhất làng, cho biết gia đình anh nhiều thế hệ làm khăn xếp. Từ trước năm 1947, cụ nội của anh đã học và làm nghề, sau đó truyền lại cho con cháu. Theo anh Hưng, trước đây khăn xếp Giáp Nhất được làm bằng chất liệu vải để đội đầu và chỉ có loại khăn đen chứ không có khăn nhiều màu như hiện nay. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công như quấn, khâu và dán bằng hồ gạo.
Ông Nguyễn Văn Chèo (60 tuổi, cũng ở tổ 3) nói nghề làm khăn xếp đã có từ rất lâu đời, đến những năm 1950, người làng vẫn làm và mang sản phẩm đi khắp nơi tiêu thụ. Song, từ năm 1960, sản phẩm làm ra ít tiêu thụ được nên người dân dần bỏ nghề. Giữ được nghề đến hôm nay, người dân ở Giáp Nhất đều nhớ ơn cụ Đoàn Thị Thùy. “Những năm ấy, chẳng ai hỏi mua khăn xếp nhưng bà Thùy vẫn cùng người chị tiếp tục làm và giữ nghề. Khăn làm xong xếp chồng chất, để bụi phủ nhưng bà Thùy vẫn làm khăn, vẫn bảo con phải học nghề vì có ngày mọi người sẽ dùng đến khăn xếp”, ông Chèo nhớ lại.
Đúng như bà Thùy dự đoán, từ năm 1990, rất nhiều người tìm đến làng hỏi mua khăn xếp. Những chồng khăn xếp phủ bụi, thậm chí bạc màu cũng được mua. Người dân trong làng bắt đầu quay lại với nghề. Anh Đoàn Văn Hưng, một trong những người quay lại với nghề truyền thống sớm nhất thôn, cho biết: “Do nhu cầu của khách hàng, khăn xếp Giáp Nhất không chỉ đơn thuần là khăn đen với 4 quấn, 7 nếp mà tăng lên 5 quấn, 7 nếp, rồi 6 quấn, 9 nếp, nhiều màu và mẫu mã đa dạng như khăn quang dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô, khăn tế, khăn hầu các giá đồng. Ngoài khăn xếp, người dân Giáp Nhất còn đi các nơi học mẫu để làm các loại khăn chầu, khăn cho người dân tộc, khăn thổ mường, khăn cho các rạp hát và các loại áo như áo ngự, áo hầu đồng, áo the...
Quyết giữ “quốc hồn”
Cuối năm, khắp thôn Giáp Nhất phủ kín sắc màu khăn xếp được phơi bán trong dịp Tết âm lịch năm nay. Chiếc khăn xếp hiện nay đã được cải tiến khá nhiều kể cả chất liệu và hình thức so với khăn xếp cổ.
Khăn xếp thôn Giáp Nhất Khăn xếp thôn Giáp Nhất
Ông Nguyễn Văn Viên, chủ hộ sản xuất khăn xếp cho biết khăn xếp gồm 3 loại: khăn dành cho nam, cho nữ và loại khăn cả nam, nữ đều đội được. Chất liệu để làm khăn trước đây là vải lượt, nhiễu hay vải sa tanh cũ, cốt khăn làm bằng giấy. Nay khăn được làm lớp ngoài là sa tanh bóng, phi, nhung, gấm... , bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút. Bình quân giá khăn xếp khoảng 20.000 đồng/chiếc.
Theo ông Bùi Văn Hưng, chủ một xưởng làm khăn xếp trong thôn, để làm ra một chiếc khăn xếp không hề đơn giản mà có tới 7 công đoạn như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa... Mặc dù đã đưa máy móc vào một số công đoạn và các hộ trong làng nghề đã phân chia sản xuất theo từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng suất, nhưng thu nhập từ nghề vẫn còn rất thấp. Bình quân thu nhập của nhân công ở đây từ 70.000 - 100.000 đồng/ngày, chỉ bằng non nửa thu nhập so với các làng nghề lân cận như làng hoa Báo Đáp, làng cơ khí Vân Chàng.
Người dân Giáp Nhất có niềm vui riêng khi thấy những chiếc khăn xếp mình làm ra xuất hiện ở nhiều nơi, trong các dịp lễ hội lớn của cả nước. “Hôm diễn ra Hội nghị APEC 2006, cả thôn xem tường thuật ai cũng vui khi nhìn các đại biểu đội khăn xếp đến dự hội nghị. Cả nước chỉ có thôn Giáp Nhất và ở Huế làm được khăn xếp. Mỗi lúc khó khăn, chúng tôi tự động viên nhau, làm khăn xếp là đang giữ gìn “quốc hồn” của dân tộc đấy”, ông Hưng tự hào.
Anh Đoàn Văn Thủy, một người có tay nghề cao về làm khăn xếp ở Giáp Nhất, nói khăn xếp miền Bắc vẫn giữ nguyên hình dạng vốn có từ cổ xưa, còn khăn xếp miền Trung, miền Nam thì cách tân nhiều. Trong đó, khác biệt rõ nhất là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang trong khi khăn của miền Trung, Nam thì dựng đứng. Điểm khác thứ hai là phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc quấn, xếp thành hình chữ Nhân trong khi miền Trung, Nam là hình chữ Nhất. Khác biệt nữa là búi tó (búi để buộc tóc) khăn xếp phía bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu, trong khi khăn xếp miền Trung, Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.