Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Bài thơ 'chửi trộm' đoạt giải của Báo Văn nghệ gây tranh luận

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
18/04/2021 06:00 GMT+7

Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm vừa được giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ đã gây xôn xao dư luận và những người yêu thơ vì bị cho là “không có gì hay”.

Bài thơ "chửi trộm" đoạt giải của Báo Văn nghệ gây tranh luận

Nhà thơ Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, cho biết việc trao giải cao nhất cho chùm thơ của nhà thơ Tòng Văn Hân nhận được đồng thuận cao. Trong số này có bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm đang gây xôn xao vì nhiều người cho rằng nó “chán quá”. Ông Hân là một trong hai tác giả nhận giải B (không có giải A) của cuộc thi. “Cả 4 giám khảo chung khảo đều đồng thuận trao giải cho chùm thơ của Tòng Văn Hân cả. Đó là các giám khảo Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Mậu. Phải tin vào họ chứ”, ông Thụy nói.
Trong khi đó, thành viên ban giám khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, cho biết: “Thoạt đầu tôi đề nghị không có giải nhất giải nhì, chỉ có giải ba và giải khuyến khích thôi. Nhưng sau đó mọi người chọn nói không có quả, có hoa ta mừng hoa, có nụ ta mừng nụ. Mọi người đều nhất trí trao giải nhì”. Ông Khoa nói lý do được trao giải chính là do sự nhân ái và giọng thơ riêng của bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm.
Tuy nhiên, cách giải thích quyết định trao giải cho Mẹ tôi chửi kẻ trộm vì tinh thần nhân ái, nhân văn của bài thơ vẫn không thật sự thuyết phục đối với những ý kiến chê bài thơ vì “nhân văn, nhân ái, trong sáng” không thể vượt trên các vấn đề thi pháp, ngôn ngữ... để trở thành tiêu chí đánh giá thế nào là thơ, chưa nói đến đánh giá thơ hay hoặc dở.

Ngôi miếu thường xuyên bị đập phá giữa trung tâm Đà Nẵng

Hôm 14.4, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một ngôi miếu thờ trên đường Bạch Đằng (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bị đập phá khiến nhiều người bức xúc. Người phản ánh thông tin cho biết đây là lần thứ 4 ngôi miếu này bị đập phá.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đây là nơi thờ tự tâm linh của người dân địa phương từ nhiều năm qua. Ngôi miếu 3 gian được xây dựng kiên cố. Ở mỗi gian, người dân đặt nhiều tượng Phật, trước bàn thờ chính có một bức tượng lớn đã được di chuyển đến nơi khác do bị đập phá mất phần đầu. Ngoài ra, phía trước miếu có 2 bức tượng cũng bị đập phá mất phần đầu...
Nhiều người thường xuyên đến nhang khói cho biết ngôi miếu nằm trên tuyến đường trung tâm của TP.Đà Nẵng lại liên tiếp bị đập phá, mà lần gần nhất cách đây 2 ngày, nên rất phản cảm. Nhiều người dân đã kiến nghị lãnh đạo TP.Đà Nẵng có hướng xử lý để không tái diễn tình trạng này.
Ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND P.Thạch Thang, cho biết trước đây ngôi miếu được đơn vị cảng Đà Nẵng cũ lập và quản lý, không phải là di tích. Sau nhiều lần ngôi miếu bị đập phá, lực lượng công an đã vào cuộc làm rõ việc một người bị tâm thần có liên quan đến vụ việc.

Ngôi miếu giữa trung tâm Đà Nẵng nhiều lần bị đập phá

ẢNH: HOÀNG SƠN

Bộ tem Đăng tháp bưu phiếu của Đài Loan vi phạm chủ quyền Việt Nam

Phát hiện bộ tem Đăng tháp bưu phiếu do bưu chính Đài Loan phát hành vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, CLB Viet Stamp (Hội Tem TP.HCM) vừa có công văn gửi Bộ TT-TT và cơ quan chức năng kiến nghị.
Theo đó, bộ tem Đăng tháp bưu phiếu mà bưu chính Đài Loan phát hành gồm 5 mẫu tem mang tên Đăng tháp bưu phiếu (Tem bưu chính về đèn biển), thể hiện hình ảnh 5 công trình đèn biển do Đài Loan xây dựng, trong đó có 1 công trình đèn biển do Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba Island, bị Đài Loan chiếm đóng trái phép từ năm 1956 và gọi là Thái Bình đảo/Tàipíng dǎo) - là đảo lớn nhất nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Bộ tem Đăng tháp bưu phiếu của bưu chính Đài Loan

ẢNH: HOÀNG ANH THI

Mẫu tem thứ năm trong bộ tem Đăng tháp bưu phiếu tên gọi là Thái Bình đảo đăng tháp (Đèn biển trên đảo Thái Bình), có giá cao nhất trong bộ tem là 15 tân đài tệ, thể hiện hình ảnh công trình đèn biển do Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình năm 2015, cao 13,7 mét trên mực nước biển và có tầm hoạt động 10 hải lý.
Theo ông Hoàng Anh Thi – Chủ nhiệm CLB Viet Stamp (Hội Tem TP.HCM): “Bưu chính Đài Loan đã mượn cớ phát hành tem bưu chính về đèn biển để tuyên truyền rộng rãi cho cái gọi là 'chủ quyền của Đài Loan' đối với đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Đài Loan chiếm đóng trái phép, nhằm đánh lừa dư luận trong và ngoài nước về hành động phi pháp”.
Đây là lần thứ ba bưu chính Đài Loan phát hành tem vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Câu lạc bộ Viet Stamp đề nghị Bộ TT-TT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam xem xét, chính thức có ý kiến phản đối bưu chính Đài Loan và Hội Tem Đài Loan về hành động phát hành tem bưu chính vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Trùng tu tổng thể điện Thái Hòa ở cố đô Huế

Ngày 13.4, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (Thừa Thiên- Huế) cho biết Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản thẩm định dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa (Đại nội Huế).
Tại văn bản này, Bộ VH-TT-DL đã thỏa thuận, thống nhất các nội dung: bảo quản, tu bổ bộ khung gỗ, hệ mái, nền và tường điện Thái Hòa; bảo quản, tu bổ, phục hồi các thành phần trang trí và nội thất công trình; tu bổ, gia cường, cân chỉnh sân nền khuôn viên điện (sân Đại triều nghi), lan can và hệ thống tường kè chắn đất; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Bộ VH-TT-DL đặc biệt lưu ý phải bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ; thực hiện biện pháp bảo quản đối với các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ bị hư hỏng một phần. Đồng thời, phải “hết sức thận trọng” khi bảo quản, tu bổ các mảng trang trí chạm khắc có các hoa văn, chữ viết (giữ nguyên vẹn các chi tiết này cả về màu sắc và hình dáng). Bộ VH-TT-DL cũng đề cập nội dung liên quan đến sơn son thếp vàng, ngói (ngói ống hoàng lưu ly và ngói liệt men vàng), về bờ mái và con giống khảm sành sứ, hệ thống trang trí pháp lam và tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán, đồ nội thất...

Phần mái điện Thái Hòa hư hỏng phải lợp tôn để bảo quản và chống dột

ẢNH: B.N.L

Lễ hội Miếu Bà Rá là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Miếu Bà Rá (được tổ chức vào mùng 1,2,3 tháng 3 âm lịch hằng năm) của tỉnh Bình Phước chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 13.4, UBND TX.Phước Long (Bình Phước) phối hợp với Sở VH-TT-DL Bình Phước tổ chức Lễ công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Miếu Bà Rá.

Lễ hội Miếu Bà Rá được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

ẢNH: H.G

Miếu Bà Rá với đối tượng thờ cúng là Bà Chúa xứ nương hay thường gọi là Bà Rá, được xem là tín ngưỡng thờ mẫu có ảnh hưởng đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Vào các ngày rằm, mùng 1 âm lịch hằng tháng hay các ngày lễ tết, nhân dân quanh vùng và các địa phương lân cận lại đến lễ Bà để cầu mong cho đất nước an lành, nhà nhà ấm no và gia đình may mắn. Đặc biệt, mỗi năm vào mùng 1,2,3 tháng 3 âm lịch, Lễ hội Miếu Bà Rá diễn ra, trở thành ngày hội của nhân dân địa phương trong và ngoài tỉnh.
Lễ hội Miếu Bà Rá được tổ chức hằng năm với ý nghĩa tưởng nhớ, tôn vinh những người đã hy sinh cho dân tộc, cho Tổ quốc và cầu cho quốc thái dân an. Đây là một hoạt động tín ngưỡng vừa mang tính cộng đồng dân gian, vừa gắn với di tích lịch sử địa phương.

Nomadland thắng giải Phim hay nhất tại BAFTA

Bộ phim Nomadland giành chiến thắng lớn tại giải BAFTA của Anh vào ngày 11.4 bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc – Chloé Zhao, Nữ diễn viên chính xuất sắc - Frances McDormand, Quay phim xuất sắc – James Richards.
Nomadland nhận giải thưởng Phim hay nhất của BAFTA, với diễn xuất chính của Frances McDormand (64 tuổi), trong vai một góa phụ, sau cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ, biến chiếc xe tải của mình thành ngôi nhà di động và trải qua nhiều công việc thời vụ trên đường đi.

Frances McDormand trong phim Nomadland

ẢNH: IMDB

Lễ trao giải của Học viện Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh (BAFTA) được tổ chức trong hai đêm 10 và 11.4, với các ứng cử viên tham gia trực tuyến do đại dịch Covid-19.
Phim xuất sắc của Anh được trao cho Promising Young Woman, phim cũng giành được giải Kịch bản gốc hay nhất. Diễn viên điện ảnh kỳ cựu Anthony Hopkins chiến thắng hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc trong vai người đàn ông mắc chứng mất trí nhớ trong The Father.
Hạng mục Nam/Nữ diễn viên phụ xuất sắc, Daniel Kaluuya (phim Judas and the Black Messian) và Youn Yuh Jung (phim Minari) lần lượt được xướng tên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.