Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
13/12/2020 08:00 GMT+7

Nam nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời vào chiều ngày 9.12 do đột quỵ để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và khán giả.

Hoài Linh - Việt Hương làm trưởng ban tang lễ nghệ sĩ Chí Tài ở Việt Nam

Thông tin Chí Tài qua đời gây bất ngờ với nhiều người hâm mộ nam nghệ sĩ. Bởi hôm 7.12, Chí Tài còn đến sân cổ vũ CLB Thanglong Warriors ở lượt trận thứ 3 chung kết bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA 2020). Được biết nam nghệ sĩ luôn ý thức về việc bảo vệ sức khỏe ở tuổi 62, chăm tập luyện thể dục nên tin ông qua đời khiến bạn bè, đồng nghiệp và khán giả bị sốc.
Trước khi trở thành diễn viên hài nổi tiếng, ông từng là nhạc công. Nam nghệ sĩ là bạn diễn ăn ý của nghệ sĩ Hoài Linh, từng gây ấn tượng trên sân khấu hải ngoại. Ông từng tham gia nhiều vở diễn như Lầm, Kỳ phùng địch thủ, Mộng ca sĩ... Khi về Việt Nam, nam danh hài cũng góp mặt trong các dự án phim như Nhà có năm nàng tiên, Dạ cổ hoài lang...
Năm 1987, ông kết hôn với ca sĩ Phương Loan, cũng là ca sĩ chính trong nhóm nhạc Chí Tài Brothers. Bà nghỉ hát làm hậu phương vững chắc cho chồng hoạt động nghệ thuật từ khi Chí Tài chuyển sang đóng kịch. Hơn 30 năm chung sống, đôi nghệ sĩ không có con nhưng vẫn vô cùng hạnh phúc. Phương Loan cũng thỉnh thoảng về Việt Nam thăm chồng.
Hoài Linh - Việt Hương tổ chức lễ viếng cho Chí Tài ở Việt Nam trước khi thi hài của nam nghệ sĩ được đưa sang Mỹ theo đúng nguyện vọng của gia đình. Theo cáo phó được đăng tải, nghệ sĩ Chí Tài qua đời lúc 13 giờ 35 ngày 9.12. Lễ nhập quan lúc 7 giờ 45 ngày 12.12. Cùng ngày, lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM) từ 9 - 16 giờ. Sau đó, thi hài diễn viên Nhà có năm nàng tiên được đưa đến sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục về Mỹ theo đúng nguyện vọng của gia đình. Nghệ sĩ Hoài Linh và Việt Hương, hai người em thân thiết của nghệ sĩ Chí Tài đảm nhận vai trò trưởng ban tang lễ.
Người thân nghệ sĩ Chí Tài cho biết thi thể ông được đưa về Mỹ theo tâm nguyện của vợ là ca sĩ Phương Loan. Theo chị vợ của Chí Tài, ca sĩ Phương Loan không về nước được vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lớp kiến trúc thứ nhất tại phế tích Châu Thành là kiến trúc đền thờ đá thiêng, có niên đại từ thế kỷ thứ 3

ẢNH: VĂN ĐÊ

Phát hiện di tích đền thờ đá thiêng của người Champa tại Bình Định

Ngày 10.12, tại TP.Quy Nhơn, Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích Châu Thành (P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định).
Qua khai quật gần 164,5 m2 (gồm 1 hố chính và 2 hố thám sát) tại phế tích Châu Thành đã xuất lộ 4 lớp kiến trúc của 4 thời đại khác nhau, trong đó có 3 lớp dưới thuộc văn hóa Champa và lớp trên cùng là của người Việt.
Cụ thể, nằm dưới cùng là lớp kiến trúc hoàn chỉnh, với bề mặt hình chữ nhật quay về hướng đông cho thấy đây là kiến trúc đền thờ. Chính giữa lòng lớp kiến trúc này là tảng đá cao 1,7 m, rộng 1,25 m, được xác định là tảng đá thiêng trong tục thờ cúng của người Champa. Tục thờ đá là tín ngưỡng lâu đời, phổ biến ở các dân tộc Đông Nam Á. Sự hội nhập giữa tục thờ đá và Ấn Độ giáo là điểm khởi đầu đặc sắc của văn hóa Champa. Các lớp kiến trúc thứ 2, thứ 3 và thứ 4 kế thừa lớp kiến trúc thứ nhất, được xây dựng nhiều hơn, quy mô lớn hơn và được xây dựng trong nhiều thời kỳ lịch sử.
Từ các lớp kiến trúc và hiện vật gốm, sứ, ngói, gạch… thu được, TS Lê Đình Phụng (cố vấn khoa học của Viện Khảo cổ học VN), người chủ trì đợt khai quật phế tích Châu Thành, đưa ra nhận định là phế tích này phát triển liên tục, kéo dài bởi người Champa từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 15 và sau này là người Việt vào thế kỷ thứ 18 (thời các chúa Nguyễn).
Cũng theo TS Lê Đình Phụng, qua những di tích và di vật được phát hiện tại phế tích Châu Thành và thành Cha (ở xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn) trong các đợt khảo cổ gần đây đều có niên đại sớm, cho thấy dấu ấn của người Champa trên vùng đất Bình Định xuất hiện sớm hơn và có khả năng đây là vùng đất cội nguồn khởi dựng ban đầu của nhà nước Champa.

Cảnh trong phim Mắt biếc

ẢNH: ĐPCC

Mắt biếc được gửi dự vòng sơ tuyển Oscar

Theo quyết định của Bộ VH-TT-DL, phim Mắt biếc sẽ được gửi tham dự vòng sơ tuyển hạng mục Phim truyện quốc tế của giải thưởng Oscar lần thứ 93, do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ tổ chức.
Bộ phim Mắt biếc do Victor Vũ đạo diễn, được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lấy bối cảnh thập niên 1960 - 1970, phim kể về mối tình đơn phương của Ngạn dành cho Hà Lan, cô bạn gái có đôi “mắt biếc”. Mắt biếc ra mắt vào tháng 12.2019, có sự tham gia của các diễn viên: Trần Nghĩa, Trúc Anh, Trần Phong, Đỗ Khánh Vân, Nguyễn Lâm Thảo Tâm…
Victor Vũ đã mất tới hơn 3 năm để thực hiện dự án điện ảnh này, từ lúc mua bản quyền nguyên tác năm 2016. Mắt biếc đã tạo nên hiện tượng phòng vé cuối năm 2019 khi thu về khoảng 50 tỉ đồng chỉ sau 3 ngày phát hành và 172 tỉ đồng sau khoảng 1 tháng công chiếu.

Tác phẩm Tình biển bằng đá đen (trái) do họa sĩ Nguyễn Thành Vinh sao chép, được trưng bày tại Công viên TP.Tuy Hòa và tác phẩm Tình biển bằng đá granite do họa sĩ - nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh chế tác

ẢNH: ĐỨC HUY-HUY HẠNH

Xem xét kỷ luật hội viên sao chép trái phép 2 tác phẩm điêu khắc

Hội đồng kỷ luật sẽ họp để xem xét kỷ luật đối với cá nhân đã sao chép 2 tác phẩm Tình biển, Đồng đội.
Ngày 10.12, ông Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Phú Yên, cho biết: Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Phú Yên đã ra quyết định thành lập hội đồng kỷ luật hội viên để xử lý trường hợp hội viên Nguyễn Thành Vinh (giảng viên Trường đại học Phú Yên) đã sao chép 2 tác phẩm Tình biển, Đồng đội của 2 tác giả Lê Huy Hạnh (Đà Nẵng) và Vương Hữu Tư (TP.HCM) rồi đặt tại công viên biển TP.Tuy Hòa.
Theo ông Cưỡng, việc ông Vinh sao chép trái phép 2 tác phẩm trên đã rõ, hội đồng kỷ luật sẽ họp để xem xét mức kỷ luật đối với ông Vinh. Trước đó, ông Vinh đã có đơn nhận thiếu sót và chịu mức kỷ luật khiển trách.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Ngọc Thành, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên, cho biết đối với tượng điêu khắc mà ông Vinh đã sao chép từ tác phẩm Tình biển của họa sĩ Lê Huy Hạnh đang đặt tại công viên biển TP.Tuy Hòa, thì sẽ tháo gỡ, lắp đặt một tiểu cảnh khác. Còn tượng điêu khắc mà ông Vinh đã sao chép từ tác phẩm Đồng đội của họa sĩ Vương Hữu Tư thì sẽ gắn biển tên tác giả Vương Hữu Tư vào đó.
Việc không tháo gỡ tượng điêu khắc đã sao chép từ tác phẩm Đồng đội, theo ông Thành, là do ông Vinh đã thỏa thuận được với họa sĩ Vương Hữu Tư.

Hình ảnh trong phim Mùi cỏ cháy đang được chiếu trên Netflix

ẢNH T.L

Phim Việt chiếu trên Netflix bị đề nghị thanh tra: Đơn vị nhận phát hành lên tiếng

Liên quan đến vụ việc phim Việt chiếu trên Netflix bị Cục Điện ảnh đề nghị thanh tra nguồn cung cấp phim, phía Netflix thông tin TFilm studio chính là đơn vị cung cấp bản quyền những bộ phim này cho Netflix.
Trong chiều nay, 11.12, TFilm Studio cũng phát đi thông cáo báo chí cho biết có đầy đủ tư cách pháp lý phát hành 3 bộ phim: Những người viết huyền thoại, Vũ điệu đam mê (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), Mùi cỏ cháy (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười).
Bản thông cáo báo chí này viết: “Thông qua giấy phép phổ biến phim do Cục Điện ảnh cấp, chúng tôi được biết VFS (Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, tiền thân là Hãng Phim truyện Việt Nam) là chủ sở hữu bản quyền, đồng thời là đơn vị được quyền chính thức phân phối, phát hành các bộ phim này. Do vậy, việc chúng tôi làm việc với VFS để xin cấp quyền phát hành các bộ phim này trên nền tảng Netflix là đúng với quy định của pháp luật”.
Cũng theo thông cáo, TFilm Studio cho biết đã gửi công văn đề nghị VFS có phản hồi chính thức về vụ việc vừa qua.
Trong khi đó, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, khẳng định những bộ phim được nhà nước đầu tư kinh phí như Vũ điệu đam mê, Những người viết huyền thoại hay Mùi cỏ cháy đều thuộc sở hữu nhà nước, mà cụ thể là Bộ VH-TT-DL. Bởi vậy, các bộ phim này phải nhận được sự đồng ý của Bộ mới được phép cung cấp cho nhà phát hành trong hay ngoài nước.
Ngày 10.12, Cục Điện ảnh đã có văn bản hỏa tốc gửi thanh tra Bộ VH-TT-DL, do Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành ký, nói rõ thông tin Cục nhận được hiện nay trên hệ thống dịch vụ xem video trực tuyến Netflix đang trình chiếu 3 phim điện ảnh được nhà nước đặt hàng là Vũ điệu đam mê, Mùi cỏ cháy Những người viết huyền thoại do Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất (nay là công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam).
Cục Điện ảnh đề nghị thanh tra Bộ kiểm tra, làm rõ nguồn cung cấp những phim nói trên cho Netflix.

Họa sĩ Phạm Cung bên bức tượng của chính ông

ẢNH: PHONG QUANG

Họa sĩ Phạm Cung ra đi trong sự tiếc thương của bạn văn và người hâm mộ

Họa sĩ Phạm Cung trút hơi thở cuối cùng lúc 11 giờ ngày 5.12, hưởng thọ 85 tuổi. Lễ động quan sẽ diễn ra lúc 6 giờ ngày 9.12, sau đó đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (TP.HCM).
Ngoài vẽ tranh, Phạm Cung còn làm điêu khắc, làm thơ, viết văn. Say mê hoạt động nghệ thuật từ nhỏ nhưng cuộc đời của người họa sĩ tài hoa bước sang con đường chuyên nghiệp vào năm 1955, khi ông vào Sài Gòn cùng họa sĩ Duy Liêm vẽ nhạc cho nhiều nhà xuất bản: Tinh Hoa miền Nam, Ly Tao, An Phú, Minh Phát…, rồi vẽ sơn mài cho công ty Thanh Lễ – Thủ Dầu Một. Vẽ tranh và tiếp tục trưng bày chung với các họa sĩ: Ngọc Dũng, Lương Văn Tỷ….
Tác giả Xuân Kỳ - một người quen của họa sĩ Phạm Cung tiết lộ: “Ông có lối nói chuyện hóm hỉnh duyên dáng. Xuất thân là họa sĩ tự do, không tốt nghiệp một trường hội họa nào, nhưng ông cộng tác với rất nhiều họa sĩ kỳ cựu, cùng thời với họa sĩ Duy Liêm, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Kiệt… thời liên khu V tại Quảng Ngãi và Bồng Sơn".
Nhà báo Trần Hoàng Nhân cho biết thêm: “Thực ra ông Phạm Cung chuyên điêu khắc, nhưng vì nhiều lý do khác ông mới chuyển sang nghề vẽ. Họa sĩ Phạm Cung thường đeo đôi kính cận dày cộp, một mắt cận 18 độ, mắt kia cận 21 độ. Nhiều người quen thân của Phạm Cung nói vui rằng do ông ngắm nhìn quá nhiều đàn bà và say mê vẽ họ nên mắt mới cận nặng như vậy. Cách đây 5 năm, Phạm Cung đi mổ mắt tốn gần 50 triệu đồng để thoát khỏi đôi kính cận nặng nề. Có lẽ mổ mắt để mắt sáng mà tiếp tục ngắm và vẽ đàn bà đẹp”.

Bức Sau khi tắm vừa được bán với giá 12,3 tỉ đồng, cho thấy sức hút của tranh cố họa sĩ Lê Phổ trong mắt các nhà sưu tập thế giới

ẢNH: T.L

Tranh khỏa thân Sau khi tắm của danh họa Lê Phổ bán 12,3 tỉ đồng

Trong phiên đấu trực tuyến Asian Art (2047) chiều 7.12 tại Espace Tajan (Pháp), bức Sau khi tắm (mực và bột màu trên lụa, khổ 46,5cm x 35,5cm) - được cho là của danh họa Lê Phổ đã chốt hạ với giá 440.000 euro (khoảng 12,3 tỉ đồng Việt Nam).
Được biết, bức tranh đắt giá nhất của Việt Nam trên thị trường công khai cũng thuộc về bức tranh Khỏa thân (sơn dầu, 90,5cm x 180,5cm, năm 1931) của danh họa Lê Phổ. Tác phẩm này có giá bán gần 1,4 triệu USD (32,3 tỉ đồng) tại một phiên đấu giá mang tên 20th Century & Contemporary Art - Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại tại nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông (tháng 5.2019). Bức Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ từng thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tập Mr.Tuan H. Pham (California, Mỹ). Theo dự đoán ban đầu bức tranh có mức giá từ 500.000 - 770.000 USD, nhưng sau phiên đấu giá, giá trị của bức tranh đã tăng cao hơn so với mức khởi điểm.
Trước đó ngày 2.4.2017, tại phiên đấu giá Modern and Contemporary Art của nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông, lần đầu tiên một tác phẩm của danh họa Lê Phổ được bán với giá hơn 1 triệu USD - đó là tác phẩm có tên tiếng Anh Family Life (Đời sống gia đình) với giá bán dự kiến chỉ từ 231.840 - 309.120 USD nhưng kết quả bất ngờ bán được tới 1.172.080 USD. Điều này phần nào nói lên sức hấp dẫn của tranh Lê Phổ trong mắt các nhà sưu tập của thế giới.
Họa sĩ Lê Phổ (sinh ngày 2.8.1907, mất ngày 12.12.2001). Ông là họa sĩ bậc thầy Việt Nam và trên thế giới theo trường phái hậu ấn tượng với nhiều tác phẩm đắt giá. Ông còn được nhiều người gọi là "danh họa Việt Nam trên đất Pháp". Nhiều người khác còn coi ông là "cây đại thụ" trong làng nghệ thuật tranh Việt và là một trong nhóm tứ kiệt trời Âu của hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm). Từ năm 1937, họa sĩ Lê Phổ sang Pháp định cư và đến năm 2001 thì qua đời tại Paris (Pháp).

Trái tim này có thể phù hợp với không gian khu nghỉ dưỡng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Vì sao ở hồ Gươm có “trái tim lông”?

Một trái tim phía trong bằng tre, phía ngoài có nhiều cành khô nhỏ xòe xòe, được đặt cạnh hồ Gươm (Hà Nội).
Hình ảnh này được lan truyền trên mạng xã hội. Có nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm này là một điêu khắc kỳ lạ khi đặt bên hồ Gươm. Thậm chí, có người còn gọi đây là “trái tim lông”.
Việc đặt vật thể nào vào không gian hồ Gươm cũng được mổ xẻ. Chẳng hạn, mới đây, việc đặt tác phẩm nghệ thuật đương đại vào không gian hồ Gươm mà không bảo vệ khiến tác phẩm bị biến thành nơi phóng uế.
Một tài khoản mạng xã hội Facebook cũng cho biết trái tim này cũng có thể thấy ở các khu vui chơi, resort. Du khách có thể ngồi đó nghỉ chân chụp ảnh check-in. Tuy nhiên, theo chủ nhân tài khoản này, với tính chất văn hóa lịch sử đặc biệt của mình, không thể coi hồ Gươm có vẻ giống như khu sinh thái.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết trái tim này là một sản phẩm của làng nghề. Trong chiều tối 11.12, Hà Nội tổ chức lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Sự kiện này nằm trong hoạt động của một thành phố sáng tạo. Trong đó, sẽ có sự góp mặt của 16 làng nghề với các sản phẩm của mình. “Trái tim đó là một sản phẩm của làng nghề mang lên với dự định trưng bày trong gian hàng của nghệ nhân”, ông Động nói.
Mặc dù vậy, ông Động cũng cho biết, khi mang trái tim này ra hồ Gươm trong quá trình thi công gian hàng, có ý kiến trái chiều, cho rằng nó không phù hợp. Chính vì thế, Sở VH-TT Hà Nội đã lắng nghe các phản hồi và yêu cầu dời “trái tim lông” đi.
 

Đạo diễn Kim Ki-duk

ẢNH: SINGAPORE FILM SOCIETY

Đạo diễn Kim Ki-duk qua đời vì Covid-19

Ngày 11.12, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin "quái kiệt" của điện ảnh Hàn Quốc Kim Ki-duk bất ngờ qua đời tại Latvia vì nhiễm Covid-19.
Theo tờ The Straits Times, đạo diễn mất rạng sáng nay (giờ địa phương), sau vài ngày nhập viện điều trị. Ông được cho là đến Latvia để dự một liên hoan phim, đồng thời có ý định tìm mua nhà với kế hoạch cư trú lâu dài ở một khu nghỉ dưỡng gần thủ đô Riga. Hiện bệnh viện và giới chức Latvia lẫn Hàn Quốc chưa xác nhận thông tin trên vì luật bảo vệ quyền riêng tư.
Cùng với Bong Joon-hoo, đạo diễn Parasite, và "triết gia" Hong Sang-soo, Kim Ki-duk là một trong những nhà làm phim được khán giả quốc tế biết đến nhiều nhất của Hàn Quốc. Nếu Bong kết hợp nhuần nhuyễn tính đại chúng và những tầng nghĩa ẩn sâu của điện ảnh, Hong tạo nên nhạc tính trong từng khung hình thì Kim "tra tấn" khán giả bằng thế giới quan và thủ pháp nghệ thuật dị biệt của mình. Ngoại trừ Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân (2003) - tác phẩm nổi tiếng nhất và cũng "dễ xem" nhất của ông - những bộ phim còn lại luôn tràn ngập máu và các loại "dịch cơ thể" khác như một cách tìm kiếm ý nghĩa của phận người, của tình yêu trong một vũ trụ hư vô.
Phong cách của Kim chưa bao giờ đạt được sự chú ý và yêu mến như Bong hoặc Hong ở Hàn Quốc và Mỹ nhưng lại rất được lòng giới làm phim châu Âu, vốn cũng "quái" không kém. Ông là đạo diễn hiếm hoi giành được giải thưởng tại cả ba liên hoan phim hàng đầu Cannes, Venice và Berlin với Pietà (Sư tử vàng-2012), 3-Iron (Sư tử bạc-2004), Samaritan Girl (Gấu bạc-2004) và Arirang ( Un Certain Regard-2011).
Mãi luôn là kẻ đứng bên lề tại Hàn Quốc, Kim chuyển sang sống và làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là tại Trung Á và Đông Âu, từ vài năm nay sau khi bị cáo buộc quấy rối tình dục một nữ diễn viên vào năm 2017.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.