'Tác giả Đại lễ phục triều đình An Nam không phải họa sĩ vô danh'

12/03/2014 03:20 GMT+7

Sau bài trả lời trên Thanh Niên số ra ngày 11.3 về ý kiến cho rằng bộ tranh Đại lễ phục của triều đình An Nam có những chi tiết chưa thật chuẩn xác, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tiếp tục đưa ra dẫn chứng để giải đáp những băn khoăn về bộ tranh trên.

 Chân dung vua Đồng Khánh mặc đại triều phục vẽ năm 1885 - họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ
Chân dung vua Đồng Khánh mặc đại triều phục vẽ năm 1885 - họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ

Trên Thanh Niên số ra ngày 11.3, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nhận xét thêm là họa sĩ (HS) Nhân chỉ giữ chức Ký lục cho chính quyền Pháp, đến khi gần về hưu mới xin được hàm Chánh thất phẩm nên “không có đặc quyền đi lại tự do trong cung” để “tiếp xúc với những dạng trang phục đặc thù” mà vẽ cho chuẩn xác, đúng vậy không?

Không đúng trong trường hợp của HS Nhân. Bởi lẽ chúng ta cần chú ý đến chức Ký lục hay Hàn lâm viện Biên tu của HS Nhân không phải là một chức thư ký hành chánh bình thường, mà ông là một HS có biệt tài vẽ truyền thần, đặc biệt kết hợp nghệ thuật truyền thống với những tiếp thu mới về mỹ thuật phương Tây nên đã được Tòa Khâm sứ Pháp dùng vào lĩnh vực chuyên môn đó. Cũng do biệt tài của ông nên dù thuộc hàng thất phẩm cũng có thể được tuyên triệu vào hoàng cung để thực hiện những tranh vẽ theo yêu cầu nào đó của hoàng gia. Chúng tôi có thể nêu ra đây trường hợp tuyên triệu nói trên qua bức tranh vẽ chân dung vua Đồng Khánh đang mặc đại triều phục, hai bên bức tranh có chính nét chữ của vua ghi vào, có câu: “Quần thần xưng dư dung mạo đoan nhã cổ kim hãn đắc khẩn thỉnh thiện họa chức quan thân chiêm kính cẩn cung diện thập phần cung dĩ nhã hợp” đại ý là “bề tôi ca tụng ta mặt mày đoan nhã xưa nay khó có ai có được nên khẩn thiết cho một chức quan giỏi vẽ để thân vào kính cẩn chiêm ngưỡng, tranh vẽ xong mười phần tốt đẹp hợp ý ta” - tranh đề vẽ mùa xuân tháng giêng năm 1885. Khảo sát và so sánh bức vẽ chân dung của vua Đồng Khánh với bức vẽ thiền sư Hải Toàn Linh Cơ (xem Thanh Niên số ra ngày 11.3) của HS Nhân - thì dễ nhận thấy hai bức cùng một họa pháp, sử dụng cùng một nguyên liệu để vẽ, và có thể kết luận là cùng một tác giả. Không chỉ được tuyên triệu vào cung Nguyễn mà danh tiếng của ông còn vang dội trong giới hoạt động văn hóa và mỹ thuật của người Pháp đương thời.

Một số hình vẽ vân nhạn, bạch nhạn, lộ tư của họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa
Một số hình vẽ vân nhạn, bạch nhạn, lộ tư của họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa 

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách thì cho rằng: “Nếu trường hợp đúng là HS của triều đình thì chúng ta đã phải được nghe đến danh cụ rồi”, ông nghĩ thế nào?

Chúng tôi phải khẳng định ngay rằng cụ Nguyễn Văn Nhân không phải là một HS vô danh. Bằng chứng khá thuyết phục hiện vẫn còn tài liệu rõ ràng là việc ông được học giả người Pháp nổi danh Léopold Cadière - chủ bút tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué - ca ngợi trong công trình biên soạn L’Art à Hué vào năm 1919, có câu: “L’idée première de ce travail est dans un recueil, classé méthodiquement, que celui qui signe ces lignes fit faire, par un dessinateur annamite aujourd’hui décédé, M. Nguyễn Văn Nhơn”, nghĩa là ý tưởng ban đầu của công trình văn hóa mà Cadière biên soạn liên quan đến bộ sưu tập đã được thực hiện “bởi một nhà thiết kế An Nam nay đã qua đời: ông Nguyễn Văn Nhơn (tức Nhân - GH)”. Thiết tưởng câu ấy của Cadière trong tác phẩm L’Art à Hue cũng đã xác định được tài hoa của HS Nhân và cho phép chúng ta nhận định ông đã được đưa vào Tòa Khâm sứ Pháp với ngạch Ký lục, để danh chính ngôn thuận tiến hành những hoạt động mỹ thuật cạnh người Pháp chứ không phải để làm công việc thư ký bình thường. Ngoài ra trong công trình trên của Cadière vừa được NXB Thế Giới in lại bản tiếng Pháp vào cuối năm 2013, dày 395 trang, trong đó Cadière có chọn in 13 bức tranh của HS Nguyễn Văn Nhân và cũng được chính Cadière chú thích và giải thích từng bức một trong phần ghi chú cuối sách. Chừng đó thôi cũng đủ để thấy HS Nguyễn Văn Nhân là một HS có tiếng chứ không phải như nhà nghiên cứu Trịnh Bách phát biểu.

Về một số biểu tượng trên áo cổn, hoặc bổ tử trên áo các quan trong bộ tranh của HS Nhân bị cho là không chuẩn xác, như chim trĩ lại vẽ thành hình gà trống, hoặc cọp, gấu bị vẽ thành hình con báo, thì sao?

Về các biểu tượng trên áo cổn hoặc bổ tử trên áo các quan chắc hẳn chúng ta cũng thừa biết có những con vật có thực lẫn các linh vật được vẽ theo huyền thoại. Do đó rất khó giải thích các tên gọi như hoa trùng, bạch trạch, liêu thuần mà đến nay vẫn có các ý kiến khác nhau. Ví dụ: có người dịch cẩm kê là con “gà rừng trống” với bộ lông nhiều màu - có người lại bảo là loài chim giống như chim trĩ. Trong khi hoa trùng trên áo cổn cũng dịch là chim trĩ. Vậy hoa trùng và cẩm kê khác nhau thế nào? Tôi nghĩ không nên bài bác các tiểu tiết như thế. Chẳng hạn các loài khác như gấu, cọp được xem là vẽ thành hình “con báo” thì chúng tôi mời các bạn xem trang 203 trong cuốn Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn có các hoa văn của HS cung đình Tôn Thất Sa vẽ vân nhạn, bạch nhạn, lộ tư từa tựa như dáng cò, thì có thể quy kết là HS Sa vẽ “con cò” sao? Quy kết như vậy thì chẳng khác gì quy kết HS Nhân vẽ gấu, cọp thành “con báo”.

Giao Hưởng

 >> Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: Bộ tranh đại lễ phục Việt Nam không phải do tưởng tượng
 >> Huy hoàng đại lễ phục nhà Nguyễn
 >> Ra mắt tư liệu quý về đại lễ phục thời Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.