Tài năng hay liều mạng ?

13/01/2015 04:10 GMT+7

Sự cố thí sinh Tấn Phát uống nhầm a xít trong đêm bán kết 4 Vietnam’s Got Talent hôm 11.1 không chỉ khiến người xem sợ hãi đến tức giận với người chơi và ban tổ chức, mà hơn hết là hoang mang trước những gì gọi là tài năng hay chiêu trò của truyền hình thực tế.

Sự cố thí sinh Tấn Phát uống nhầm a xít trong đêm bán kết 4 Vietnam’s Got Talent hôm 11.1 không chỉ khiến người xem sợ hãi đến tức giận với người chơi và ban tổ chức, mà hơn hết là hoang mang trước những gì gọi là tài năng hay chiêu trò của truyền hình thực tế.
Tấn Phát uống nhầm a xít - Ảnh: Ân Nguyễn
Tấn Phát uống nhầm a xít - Ảnh: Ân Nguyễn
Kịch liệt phản đối “tài năng” như thế
Trước khi biểu diễn, Tấn Phát (hay còn gọi TaPi) nhắc đi nhắc lại: mọi người không nên thử ở nhà vì đây là tiết mục cực kỳ nguy hiểm, nhiều người tham gia trò chơi này đã có kết cục không tốt đẹp... Anh cũng thừa nhận: “Tiết mục hôm nay không phải là màn ảo thuật, mà là trò chơi mang tính chất may rủi”. Rồi anh khẳng định: “Chắc chắn khi biểu diễn vòng bán kết hôm nay xong mọi người sẽ nhớ đến ảo thuật gia TaPi”.
Tôi không cho đây là tài năng... Từ nay những tiết mục có độ rủi ro cao như thế sẽ hạn chế, không nên đưa vào chương trình, vì nó không mang lại điều gì cho khán giả
Nhà báo Lại Văn Sâm
Đúng là sau đêm thi 11.1, Tấn Phát đã được nhớ đến, nhưng không phải nhờ thành công từ màn biểu diễn, mà bởi hậu quả uống nhầm a xít trong trò chơi may rủi. Đại diện ban tổ chức, Công ty BHD cho biết khi hớp vào ly a xít, Tấn Phát đã nhanh chóng phát hiện ra sơ sót của mình, lập tức phun ra khỏi miệng, rồi tiếp tục màn biểu diễn. Và việc cố gắng hoàn thành phần biểu diễn, gồng mình đứng nghe nhận xét của giám khảo đến khi MC kêu gọi bình chọn và hỏi mã số của Tấn Phát... khiến mọi người nghĩ rằng anh vẫn đang đánh lừa khán giả như điều thường thấy trong những màn ảo thuật khác. Theo ban tổ chức, cho đến khi nhận ra những biểu hiện bất thường trên mặt Tấn Phát, tiết mục đã được cắt nhanh để đưa Tấn Phát ra ngoài sơ cấp cứu, rồi đến bệnh viện...
Sau khi phần thi này được chia sẻ trên YouTube và các trang mạng khác, rất nhiều ý kiến cho rằng Tấn Phát quá liều khi chọn tiết mục dự thi này. Nhiều bình luận cho rằng: “Cái này là liều lĩnh thì đúng hơn. Vì các ảo thuật gia khi làm ảo thuật kiểu này với a xít họ luôn thủ chất trung hòa a xít để lỡ có sự cố còn lấy ra súc miệng”, “Đây là sự liều lĩnh một cách ngu ngốc khi lấy tính mạng của mình ra đùa với a xít. Tính may rủi quá lớn”, “Kịch liệt phản đối gọi cái này là tài năng”... Thậm chí, có người còn cho rằng đây là chiêu trò PR của anh và ban tổ chức, vì nếu a xít trước đó vừa làm tan chảy miếng xốp thì sau khi hớp vào đến lúc rời khỏi sân khấu là khoảng 4 phút mà môi Phát chỉ mới bị tím tái (?).
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN, nhận xét: “Việc làm xiếc, ảo thuật là điều dễ gặp những hiểm nguy ngoài ý muốn. Tuy nhiên, việc kiểm soát độ nguy hiểm thuộc về thí sinh. Và, có thể nói với sức ép luôn hấp dẫn hơn, rùng rợn hơn, gây chú ý hơn..., thí sinh phải liên tục thách thức mình. Đây là sự "cám dỗ" của biểu diễn mà nếu không tỉnh táo, người trong cuộc hoàn toàn có thể bị bẫy bởi chính mình”.
Hoàng Nhựt cho điện chạy vào người - Ảnh: Ân Nguyễn
Hoàng Nhựt cho điện chạy vào người - Ảnh: Ân Nguyễn
Không mang lại điều gì cho khán giả
Trước sự cố uống nhầm a xít, những ai theo dõi Vietnam’s Got Talent - Tìm kiếm tài năng VN đã không ít lần khiếp vía với cái gọi là “tài năng Việt”. Bởi trên sân khấu cuộc thi này, có rất nhiều màn ảo thuật thót tim của các thí sinh đang muốn chinh phục khán giả. Đó là Bảo Cường xỏ rắn lục vào mũi và kéo ra ở miệng, đóng hết cây đinh dài 12 cm vào mũi. Hoàng Nhựt với màn cắm chiếc ốc vít được nối với nguồn điện vào mũi và cho dòng điện chạy qua người. Hay tiết mục bắn ghim vào đầu của Việt Duy cũng kinh hoàng không kém... Và tất cả đều được diễn ra vào giờ rất đẹp - 20 giờ tối chủ nhật trên VTV3.
Việt Duy bắn ghim vào đầu - Ảnh: Ân Nguyễn
Việt Duy bắn ghim vào đầu - Ảnh: Ân Nguyễn
“Không thể nói là quá ít hay quá nhiều nhưng sự ảnh hưởng của nó đến khán giả trẻ là điều cần thừa nhận. Vì vậy các tiết mục có tính chất rủi ro cao và tính phổ quát không nhiều còn gây cho chính nhà tổ chức, giám khảo sự lo lắng và căng thẳng nên được kiểm soát và chọn chỗ "đáp" phù hợp”, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn nói. Ông cho rằng, dù nhà đài đã cẩn trọng chạy chữ cảnh báo không khuyến khích làm theo, không được bắt chước dưới mọi hình thức..., nhưng chương trình mang tính chất giải trí đại chúng và đa dạng khán giả, trong đó có trẻ em, mà trẻ em là đối tượng cần được tôn trọng và bảo vệ, nhất là trước những hiểm nguy từ tâm lý quan sát - bắt chước - thể hiện mình. Vì vậy, quyết định đưa những tiết mục nào ra đều phải cân nhắc kỹ.
 
Bảo Cường xỏ rắn vào mũi rút ra ở miệng - Ảnh: Ân Nguyễn
Bảo Cường xỏ rắn vào mũi rút ra ở miệng - Ảnh: Ân Nguyễn
Về vấn đề này, nhà báo Lại Văn Sâm, Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí, Đài truyền hình VN, đơn vị phối hợp sản xuất chương trình cùng BHD, nói: “Nội dung các tiết mục dự thi do BHD phụ trách, nhưng dưới sự giám sát của chúng tôi. Sự cố của Tấn Phát có thể coi là tai nạn lao động, vì trước khi lên sóng, chúng tôi luôn yêu cầu tổng duyệt. Thí sinh này thực hiện 4 - 5 lần đều an toàn”. Ông nói thêm: “Với quan điểm cá nhân, tôi không cho đây là tài năng. Do đó, chúng tôi đã trao đổi lại với BHD, từ nay những tiết mục có độ rủi ro cao như thế sẽ hạn chế, không nên đưa vào chương trình, vì nó không mang lại điều gì cho khán giả”.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Khán giả có thể thông cảm cho những áp lực của nhà tổ chức và sự không may của thí sinh. Nhưng sự cẩn trọng, bao quát và cân nhắc hướng đến độ an toàn là điều cần được chú trọng nhiều hơn khi nhìn trên bình diện con người, vì giải trí dù hấp dẫn đến đâu cũng là do và hướng đến con người”.
Thí sinh uống nhầm a xít bị bỏng độ 2
Chiều 12.1, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cung cấp thông tin với báo chí về tình hình sức khỏe của thí sinh Tấn Phát (22 tuổi).
Theo bác sĩ Trần Đoàn Đạo (Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy), do ảnh hưởng của a xít, anh Phát bị bỏng vùng miệng, vòm họng, tổn thương bỏng độ 2. Bác sĩ Đạo cho rằng cũng may anh Phát không nuốt a xít nên có thể đường tiêu hóa không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn phải nội soi đường tiêu hóa để kiểm tra, nếu chỉ tổn thương vùng miệng như chẩn đoán bước đầu, thì khoảng 10 - 14 ngày Phát sẽ được xuất viện. Anh Phát cho bác sĩ biết anh uống nhầm a xít sunfuric (H2SO4). Theo bác sĩ, loại a xít này không đậm đặc; hiện sức khỏe của anh Phát ổn định, có thể nói chuyện và ăn uống bình thường.
Lương Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.