Thanh Hằng - Đoàn Chuẩn và 'bí mật' được giữ kín

20/03/2021 19:04 GMT+7

Trong những câu chuyện về NSƯT Lê Hằng những ngày qua, được nhắc đến nhiều là chuyện khi bà còn mang tên ca sĩ Thanh Hằng, khoảng giữa thập niên 1950, đã là bóng hồng trong những tình khúc bất hủ của Đoàn Chuẩn.

NSƯT Lê Hằng, người sống trong lòng khán giả hơn nửa thế kỷ qua với bài hát nổi tiếng Trước ngày hội bắn, vừa qua đời, để lại nhiều thương tiếc. Trong những câu chuyện về NSƯT Lê Hằng những ngày qua, được nhắc đến nhiều là chuyện khi bà còn mang tên ca sĩ Thanh Hằng, khoảng giữa thập niên 1950, đã là bóng hồng trong những tình khúc bất hủ của Đoàn Chuẩn, từ đó có câu chuyện về mối tình câm lặng của Thanh Hằng với Đoàn Chuẩn đã trở thành một huyền thoại văn nghệ. Tuy nhiên, cả hai người chưa từng chính thức lên tiếng nói về cuộc tình này, dù những câu chuyện kiểu giai thoại vẫn xuất hiện suốt bao năm qua. Trong một dịp hy hữu, NSƯT Lê Hằng chia sẻ cùng tôi về bí mật ấy một cách cởi mở, chân thành…

Biết Đoàn Chuẩn yêu mình, và mình cũng có tình cảm...

Có những chuyện dù người trong cuộc cố giấu đến đâu cũng khó mà giữ được trước mắt người ngoài, nhất là chuyện tình nghệ sĩ. Khán giả có thể mơ hồ đoán già đoán non chứ nghệ sĩ với nhau thì thường chẳng giấu được chuyện gì. Người ta vẫn nói thế. Với chuyện của Đoàn Chuẩn - Thanh Hằng cũng vậy. Suốt từ giữa thập niên 1950 cho đến tận bây giờ, câu chuyện ấy đã trở thành một phần của huyền thoại phố phường Hà Nội, đủ gây tò mò cho thế hệ đi sau, nhất là trong những năm tháng này, khi các dòng nhạc xưa đang trở lại mạnh mẽ, và đi cùng với những bài hát luôn là những giai thoại mà công chúng rất muốn được biết. Nhưng điều thú vị là chưa ai được nghe chính người trong cuộc thừa nhận một cách chính thức, nhất là lại trên truyền thông, về câu chuyện của họ. Và nhiều người đã tìm mọi cách có được một câu xác nhận từ cả Đoàn Chuẩn và Thanh Hằng, đều không thành.

NSƯT Lê Hằng (Thanh Hằng) năm 1955

Ảnh: Tư liệu gia đình

Lúc trước, tôi không nghĩ mình có duyên với câu chuyện này, cho tới khi đọc cuốn sách của bạn tôi, nhà văn Nguyễn Trương Quý, có tên Một thời Hà Nội hát - một khảo cứu về văn nghệ Hà Nội lúc mới giải phóng thủ đô 1954. Cuốn sách có nhân vật trung tâm là Đoàn Chuẩn, và câu chuyện về mối tình với Thanh Hằng, với nhiều hình ảnh và tư liệu rất thuyết phục. Cuốn sách ấy khiến tôi tò mò hơn về câu chuyện của hai người. Và đặc biệt là dù Trương Quý đã gặp nghệ sĩ Lê Hằng (Thanh Hằng) nhiều lần, nói chuyện với bà rất thoải mái, vui vẻ, nhưng hễ nhắc tới chuyện với Đoàn Chuẩn là bà dè chừng, nếu cố hỏi thì bà vẫn nói mình với ông chỉ là quan hệ xã giao trong công việc mà thôi.
Lúc đó tôi đang tham gia thực hiện chương trình Người kể chuyện tình Chân dung cuộc tình cho Đài truyền hình Vĩnh Long. Tôi đề xuất mùa phát sóng đó có một số dành cho nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Ban đầu tôi cũng nghĩ chắc sẽ sử dụng các tư liệu đã được công khai và phổ biến là đủ rồi. Nhưng sau khi đọc cuốn sách nói trên, tôi khao khát được gặp bà Lê Hằng, dù không chắc có khai thác được gì từ bà hay không, nhưng cứ nghĩ bằng cách nào đó cho khán giả thấy được chân dung một bóng hồng là được rồi, nhất là với nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, không phải quá phổ biến với khán giả số đông. Nếu có câu chuyện với nhân vật thật chắc sẽ thuyết phục họ hơn.
Tôi nhờ Trương Quý và các bạn ở Hà Nội thu xếp cuộc gặp với bà Lê Hằng. Một buổi sáng mùa hè Hà Nội, tôi đến gặp bà. Lúc đó chỉ là bà nói gì cũng được, nói giảm nói tránh hay phủ nhận cũng được, miễn là có hình ảnh bà đang nói là được. Hôm ấy có các con gái bà nữa, tôi cũng hơi ngại không biết nếu mình cứ hỏi chuyện tình yêu của bà ngày xưa có bị vô duyên không. Nhưng mọi người rất ủng hộ, và nói rằng dù sao đó cũng là dấu ấn những năm tháng đẹp đẽ của cuộc đời, nếu bà kể ra được thì cũng vui.
Vì bà Lê Hằng khi ấy cũng không được khỏe, bà nói cũng không dễ dàng, nên ngay câu đầu, tôi hỏi luôn là bao năm qua người ta cứ đồn bà và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có một mối tình đã đi vào nhiều bài hát, những lời đồn ấy có đến tai bà không. Và điều không thể ngờ, điều mà bao người chờ đợi đã thành hiện thực. Bà Lê Hằng đã thoải mái kể, rằng ngày ấy bà biết ông Đoàn Chuẩn yêu mình, bà cũng có tình cảm, nhưng không thể tiến tới được, vì ông có vợ con rồi. Về các bài hát ông viết có hình ảnh bà trong đó như Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Chiếc lá cuối cùng, Bài ca bị xé (còn có tên là Vĩnh biệtVàng phai mấy lá)…, bà cũng biết đó chính là câu chuyện của hai người. Vì thế mà sau này có nhiều người đề nghị, bà cũng không hát. Bà nói rằng các bài hát ấy viết về mình, giờ mình lại hát, hóa ra mình ca ngợi chính mình à, vậy thôi cứ để người khác hát.

Những lời đề từ cho nàng thơ

Về bài hát nổi tiếng Tà áo xanh, bà Lê Hằng cũng nói đúng là mình hay mặc áo xanh, và trong một lần đến nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chúc Tết cùng nhiều nghệ sĩ khác, bà bước ra ban công nhìn xuống sân và thốt lên “Ô mùa xuân rồi mà sao lá vẫn rơi, thế là thế nào nhỉ?”. Câu này sau đó đã đi vào bài hát: “Anh còn nhớ em nói rằng, sao mùa xuân lá vẫn rơi…”

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924 - 2001)

Ảnh: Tư liệu gia đình

Bà Lê Hằng cũng lần đầu xác nhận một câu chuyện từng được coi là giai thoại, đó là việc vợ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã đến gặp bà nói chuyện về cuộc tình tay ba ấy. Bà kể lại: “Đúng là bà ấy có đến gặp tôi, bà ấy nói là giữa hai chị em mình, có một người phải hy sinh thôi. Thì tôi hy sinh, vì ông ấy có vợ rồi, tôi không thể tiến tới được”.
Câu chuyện hôm đó hóa ra kéo dài hơn tôi tưởng khi nhiều ký ức trở lại với NSƯT Lê Hằng, nhưng với hai câu chuyện được bà xác nhận đó, tôi đã thấy quá đủ cho một chương trình truyền hình. Những câu chuyện khác sẽ được giữ lại cho những dịp khác. Tôi tạm biệt bà để sang nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, ghi một số hình ảnh và mượn tư liệu. Ở đây, tôi được người thân nhạc sĩ cho xem một cuốn nhạc chép tay, do chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong thời gian sang Canada thăm người con trai, đã chép lại hầu hết các tác phẩm của mình, kèm theo những lời đề từ, tâm sự ở đầu mỗi bài hát. Và điều thú vị là những chia sẻ ấy, củng cố thêm dữ kiện về câu chuyện tình của ông và nàng thơ của mình. Lúc sinh thời, ông chưa từng nói về những chuyện này trước công chúng, nhưng may mắn ông đã kịp để lại những dòng tâm sự này, tôi xin trích ra đây một ít.
Với bài Tà áo xanh, ông viết: “Có đúng không em, người con gái có đôi môi cá vàng, những lời trao đổi giữa anh và em, và từ đó, anh đã ngoan ngoãn, lặng lẽ trôi theo dòng đời, im tiếng, lảng tránh, ân hận”.
Ở đầu bài Chiếc lá cuối cùng là: “Em còn nhớ không, chiều chia tay cuối cùng lúc tàn thu trên quãng đường Trần Hưng Đạo toả hương hoa sữa thơm lừng, và lòng chúng ta thì cay đắng vô cùng”.
Với bài Lá đổ muôn chiều, nhạc sĩ Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, cũng xác nhận rằng đây là bài được viết từ cảm xúc của Đoàn Chuẩn dành cho Lê Hằng (Thanh Hằng) khi cô đi lấy chồng. Đoàn Chuẩn viết ở đầu bài: “Viết tại 63 Lý Thường Kiệt và 46 Hàng Cót (Rạp Đại Đồng). Không kìm nổi sự xúc động và nhớ vô cùng”.
Thời điểm ra đời những bài hát ấy trùng khớp với quãng thời gian được bà Lê Hằng nhắc tới về tình cảm của hai người. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cùng có mặt trong buổi gặp gỡ hôm đó có nói là lúc ấy bà Hằng khóc đấy. Tôi không biết bà khóc vì điều gì, vì tự nhiên có người đến khơi gợi ký ức trở lại, hay đơn giản là chính những câu chuyện bà kể. Với tôi, đây là cơ duyên hy hữu hiếm có khi được nghe những câu chuyện trước giờ vẫn ở sau một màn sương bí ẩn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.