Lang thang hẻm Chợ Lớn

17/12/2019 09:00 GMT+7

Đến một thành phố lớn, tôi không mấy quan tâm tới những tòa lầu chọc trời, mà thường thẫn thờ trước các con hẻm nhỏ mơ mộng.

Nói đúng hơn, tôi si mê những nét đẹp văn hóa mà các con hẻm nhỏ chuyển tải, như một nhà khảo cổ đọc những thông tin trên mẩu xương hóa thạch phủ đầy bụi.
Người SG xưa có câu,"đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa". Vào đầu thế kỷ trước, ở Sài Gòn-Chợ Lớn (SG-CL ) có tới 40% bất động sản dưới quyền chú Hỏa(Huỳnh Văn Hoa), trong đó Hào Sỹ Phường là một tuyệt tác do Chú tự thiết kế và đặt tên, ngụ ý "hào hiệp văn sỹ". ". Ở nơi đây dường như mọi thứ trôi qua chậm hơn, người ta tận hưởng cuộc sống không vội vã, không khói bụi, không tiếng ồn, như 1 ốc đảo bình yên nằm giữa chốn đô thành huyên náo.
Mặc dù Hào Sỹ Phường chỉ 67 căn, nhưng nhìn từ xa xa có tòa tháp trắng, có cảm giác sâu hun hút (hình trên).
Hẻm 720 Nguyễn Trãi P.11 Q.5 là con hẻm cụt vô danh, mặt tiền đã bị những kiến trúc mới che khuất. Hẻm này ban đầu không tên, nhưng nhờ có Tường "giá đỗ", nên trở thành nổi tiếng.
Ông Tường, sống bằng nghề ngâm giá, mở tiệm "Hoàng Tường Ký" bán giá đỗ ngay tại đầu hẻm. Năm 1902, nhà cách mạng dân chủ TQ Tôn Trung Sơn đến VN cổ súy cách mạng trong giới Hoa kiều. Ông Tường là người dẫn đầu theo Tôn Trung Sơn, ông đã dốc hết toàn bộ 3.000 đồng bạc bán giá đỗ ủng hộ cách mạng. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn cảm thấy số tiền tích cóp từ bán giá đỗ của ông Tường còn quý hơn số tiền bạc vạn của các thương gia giàu có, nên đã ở lại nhà ông Tường. Ông Tôn Trung Sơn trước sau đã 6 lần tới VN vận động cách mạng, thì 5 lần tá túc nhà ông Tường.

Hẻm Mã xa hạng ngày nay có cả người Hoa và người Việt sinh sống

Ảnh: Vũ Phượng

Năm 1990, đoàn làm phim "Người tình"(L'Amant) của Pháp đến VN quay ngoại cảnh. Phim mô tả mối tình lãng mạn giữa cô gái Pháp và chàng trai Hoa kiều con nhà đại điền chủ miền Tây. Đạo diễn Annaud đã chọn chợ Xã Tây là nơi ươm nở tình yêu giữa 2 người. Ông chỉ cần đền bù xứng đáng rồi cho "bãi thị" 1 buổi là dễ dàng hồi phục cuộc sống sôi động người Hoa đầu thế kỷ trước, vì những ngôi nhà lợp ngói âm dương rêu phong còn y nguyên đó.
Chợ Xã Tây nằm trọn trên đường Phù Đổng Thiên Vương (PĐTV) P. 11, Q. 5, tính từ đường Trần Hưng Đạo.B và Nguyễn Trãi cắt ngang, nhỏ như một con hẻm, chiều dài không quá 200m. Hằng ngày người đi tấp nập, nhưng ít ai để ý, trên đoạn đường ngắn như vậy, có tới 3 con hẻm cũ người Hoa: Đại Khánh Lý (số 3 PĐTV), Dư Lạc Lý (23 PĐTV), Hải Nam Lý (18 PĐTV).
Vì hẻm Giá Đỗ quá chật hep, nên năm 2011, đoàn làm phim đài truyền hình TQ (CCTV) tái hiện cảnh Tường giá đỗ cặm cụi gánh nước đã phải quay ở Đại Khánh Lý, vì chỉ ở đó sót lai vòi nước công cộng duy nhất TP.
Từ trung tâm thành phố theo đường Trần Hưng Đạo về Chợ Lớn, tới đường Đồng Khánh (nay là đường Trần Hưng Đạo B) mới được coi là vào khu lõi Chợ Lớn.Trên một quãng đường ngắn thuộc đường Trần Hưng Đạo B có 2 con hẻm gần nhau: hẻm Tô Châu (số 37) và hẻm Thái Hồ (số 55 hình dưới) đều thuộc P.6 Q.5, là 2 con hẻm xưa được giữ gìn hoàn chỉnh nhất. Lối vào 2 con hẻm đều có chữ "Thái Hồ Hạng" và "Tô Châu Lý" đúc bằng xi măng, toát ra những nét cổ kính đã bị rêu phong theo dòng chảy thơi gian.
Tương truyền, ông Tô Châu là chủ của toàn bộ nhà trong hẻm này, nghe kể lại vậy chứ không ai biết mặt mũi ông ra sao. Gia đình ông đã rời đi từ trước năm 1975, nghe đâu đã "bò của chạy lấy người" về lại Đài Loan. Ông để lại cả hai dãy phố, để lại cả cái tên Tô Châu trên bảng hiệu đầu hẻm.

Tuệ Huê lý hay còn gọi là Tuệ Hoa lý (do cách phiên âm) là hẻm 714 đường Nguyễn Trãi (P.11, Q.5, TP.HCM)

Ảnh: Vũ Phượng

Ở ngay trung tâm Chợ Lớn, trên đường Trần Quý Q.11, có một “xóm không chồng” đích thực. Họ là những phụ nữ người Hoa bất hạnh vướng phải lời nguyền độc thân từ nhỏ. Họ tuổi già hiu quạnh, nên sống tụ tập thành xóm, tiện bề chăm sóc lẫn nhau, tục gọi là “bà cô”.”Bà cô” hiện chỉ còn sót lại 6 cụ, đều trên 90. Nếu tôi không kịp thời ghi lại vài dòng, họ sẽ bị quên lãng trong sự xói mòn của thời gian.
Những con hẻm cũ ở Chợ Lớn, cư dân trước đây 99% là người Hoa, nên đặt tên theo phương ngữ, không có “suyệt”. Chợ Lớn có khoảng 450 hẻm, nhiều con hẻm có tính thưởng ngoạn, sâu lắng về văn hóa, bề dầy trầm tích qua dòng thời gian.
Tôi cuối đời chỉ có 1 ước nguyện: Dành quỹ thời gian còn lại, cùng với những người chung chí hướng vận động thành lập bảo tang tư nhân Hẻm Chợ Lớn, không chỉ phục vụ dụ du lịch, còn nhằm bảo tồn Hẻm xưa, tái hiện một phần thành phố đa văn hóa.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.