Mùa hè xanh nơi xã đảo yêu thương

08/01/2020 14:00 GMT+7

Chúng tôi là chiến sĩ mùa hè xanh năm ấy - năm 2003 tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ. Bản thân tôi luôn xem chuyến đi đầy ắp những kỷ niệm đó như là một cái duyên, cái nợ với nơi này.

Lẽ ra, chúng tôi đã có tên trong danh sách sẽ hoạt động ở Trà Vinh. Tuy nhiên, đến giờ xuất quân thì nhận được thông tin, cả nhóm 7 chiến sĩ chúng tôi sẽ thay đổi mặt trận, địa điểm mới là huyện Cần Giờ.
Khi xe qua khỏi phà Bình Khánh, chúng tôi cảm nhận sự thú vị khi xuyên qua những cánh rừng đước xanh mát khổng lồ cùng niềm hân hoan hớn hở của những đứa sinh viên ở tỉnh lẻ lên thành phố học, mong ước được một lần trải nghiệm chiến dịch mùa hè xanh. Đến Cần Thạnh, chúng tôi bất ngờ nhận thêm một tin chẳng lành, rằng hành trình sẽ tiếp tục di chuyển ra đảo. Một cảm giác lo sợ tột cùng vì trước giờ, việc sinh sống ở đảo luôn gắn liền với khó khăn và khắc nghiệt. Tâm lý bắt đầu đè nặng với nhóm khi những điều bất đắc dĩ lần lượt ập đến, có bạn còn hiến kế xin được trốn mặt trận ra về, không tham gia chiến dịch nữa. May thay, anh đội trưởng sau đó đã cố gắng thuyết phục nên cả nhóm ậm ừ bước lên đò để cùng những đồng đội khác di chuyển ra đảo nhận nhiệm vụ.
Sau hành trình khoảng 45 phút, chúng tôi chạm ngõ với đảo. Đây là xã đảo duy nhất của huyện Cần Giờ - đảo Thạnh An. Không biết có phải là "phận bạc" hay không, khi mà chưa kịp định thần, tôi và hai bạn nữa được anh đội trưởng phân về ở tại nhà của một gia đình xa nhất trung tâm xã. Lần này, tôi nhanh nhảu bặm gan xin thay đổi chỗ ở nhưng nhận được cái lắc đầu vì theo anh, các chiến sĩ phải chấp hành mệnh lệnh.

Một tháng ở xã đảo là một tháng với đầy ắp hoạt động tại nơi đảo này

Ảnh: Phương Vũ

Đó là gia đình ở cuối con đường độc đạo trên đảo. Anh làm nghề đánh cá, còn chị nội trợ và chăm sóc hai đứa con gái. Những tưởng một tháng tới đây, chúng tôi sẽ có nhiều nỗi buồn và dễ chán nản khi mọi hoạt động với riêng chúng tôi luôn cực khổ, khó khăn hơn nhiều so với những nhóm khác. Nhưng mọi suy nghĩ nhanh tan biến chỉ sau vài ngày làm quen cũng như tham gia những hoạt động cộng đồng. Chính sự thân thương của bà con cô bác, của những đứa trẻ thơ ngây trên đảo đã làm nhóm tôi thay đổi. Chúng tôi yêu từng hoạt động của mình và hơn thế, bản thân cảm thấy thân thiết khi được chung sống trong gia đình anh chị.
Chúng tôi nhớ nhất là luôn mong ngóng được ăn buổi tối cùng anh chị. Vì đều đặn mỗi ngày, sau khi anh đánh cá về, chị dành lại những con tôm tích tươi ngon nhất tàu cá để chiêu đãi cho mấy đứa trong nhà. Chị nấu món tôm tích nấu măng chua ngon tuyệt. Chị thì luôn miệng ngại rằng, do gia cảnh khó khăn nên chị chỉ nấu đãi duy nhất món này - mấy đứa cố gắng ăn ngon, cho nhiều, có sức mà tham gia mấy hoạt động. Có lẽ, chị không ngờ rằng, món mà chị nấu, chị nghĩ nó đạm bạc, thực tế là nó ngon đến chừng nào. Chúng tôi xì xụp húp sạch boong tô và luôn là người ăn cuối cùng. Trước lúc được phân công về ở với các gia đình nuôi chiến sĩ, chúng tôi đã được đội trưởng nhắc nhở phải cố gắng hạn chế làm phiền gia chủ. Thế nhưng, chúng tôi cứ luôn mãi phạm quy tắc này vì cứ thiệt tình, bao giờ cũng ăn hết cả nồi cơm chị nấu!

Hôm cuối cùng rời nhà, chúng tôi có để lại thư …, hứa khi nào về quê có việc làm ổn định, có dịp sẽ trở lại thăm anh chị

Ảnh: Phương Vũ

Một tháng ở xã đảo là một tháng với đầy ắp hoạt động tại nơi đảo này. Một tháng thấm thoát trôi qua, cũng đến lúc chúng tôi nói chia tay gia đình anh chị. Trước đêm tiễn biệt, nhóm chúng tôi thuyết phục chị giữ lại số tiền mà nhóm đóng góp để hỗ trợ gia đình đã nuôi cơm cùng điện nước... nhưng chị nhất định không nhận. Chị nói, chị thương mấy đứa như những đứa em trong nhà nên không nề hà tính toán. Hôm cuối cùng rời nhà, chúng tôi có để lại thư và kèm tiền với cả những tình cảm thân thương nhất của mình, hứa khi nào về quê có việc làm ổn định, có dịp sẽ trở lại thăm anh chị.
Hai tháng sau, chị phát hiện ra thư xếp trên tủ, chị gửi thư trách mắng những đứa em không nghe lời chị. Dịp đó, tôi cũng có thư lại, năn nỉ cùng lời hẹn nếu có dịp sẽ nhờ chị nấu lại món măng chua tôm tích cho đã thèm...
Đã hơn mười năm, sau khi tốt nghiệp, chúng tôi chia tay về quê và quên đi lời hứa của mình. Bẵng đến năm trước, khi cơn bão số 9 đổ bộ, truyền thông có thông tin về việc di dân ở xã đảo Thạnh An. Tôi sực nhớ rằng mình còn nợ, nợ một lời hứa. Tôi vội điện ngay với đứa bạn ở chung nhà năm ấy, hẹn cố gắng thu xếp để trở lại Thạnh An. Nhưng rồi, công việc và cuộc sống tiếp tục đan xen, chúng tôi nuốt lời hẹn ấy...
Khi viết những dòng này, tôi tiếp tục háo hức và quyết tâm muốn thực hiện ngay chuyến quay trở lại xã đảo này trong năm nay. Nhưng, lại sợ một lần nữa...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.