Tôi vẽ thành phố thân yêu

30/09/2019 08:00 GMT+7

Năm 1981, tôi - chàng học sinh miền Tây- cùng mớ hành trang và tờ giấy báo trúng tuyển đi xe đò đến Xa cảng miền Tây rồi lên tiếp chuyến xe lam đi về Bà Chiểu…

Bến xe lam Bà Chiểu ngày ấy nằm cạnh lăng Lê Văn Duyệt. Sau đó tôi cuốc bộ hơn 300m, để đến nơi làm thủ tục nhập học - Trường CĐ Mỹ thuật TP.HCM (đến cuối tháng 9.1981 trường được đổi tên là Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM), số 5 Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Với tôi khoá học 5 năm ở thành phố này đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Vào những buổi chiều nhóm sinh viên tỉnh lẻ chúng tôi hay ngồi bên khung cửa sổ trên lầu 1 của ký túc xá để ngắm dòng người và xe cộ ngược xuôi trên đường. Do ngôi trường nằm ở ngay ngã ba, nên từ đây chúng tôi có thể phóng tầm nhìn về phía trước với con đường Nơ Trang Long dài hun hút có rạp chiếu phim Đại Đồng, còn liếc sang trái là hướng đi Phú Nhuận, Tân Bình, bên phải là đi chợ Bà Chiểu, ngã tư Hàng Xanh…
Ngôi “Trường vẽ Gia Định” như bà con xung quanh thường gọi, đã tạo điều kiện cho tôi có dịp vẽ nhiều về con người và cảnh vật của thành phố. Nếu mẫu là người thì do nhà trường thuê, có nam, có nữ lẫn người già, còn chọn vẽ đề tài công nhân thì có thể xin giấy giới thiệu của trường vào các công ty, xí nghiệp như xưởng sửa chữa, đóng tàu Caric, Ba Son, nhà máy giấy, nhà máy dệt,…Tôi còn nhớ có lần cùng bạn bè rủ nhau đi vẽ phong cảnh ở rạch Cầu Bông và dọc theo kênh Nhiêu Lộc, đó là nơi có dòng kênh nước đen ngòm và những dãy nhà sàn lụp xụp, tối tăm.

Dãy nhà sàn lụp xụp - một ký ức khó quên

Tranh: Trần Thắng

Phải nói ngồi vẽ phong cảnh ở rạch Cầu Bông là ấn tượng nhất vì phải làm quen với mùi nước tanh tanh, mùi xú uế hòa lẫn trong không khí, nhưng bù lại những bức tranh vẽ những căn nhà sàn lụp xụp soi trên bóng nước có mấy đám rau nhút, rau muống…khi vào trong tranh gam màu rất đẹp. Tôi còn nhớ thầy Hoàng Trầm có nói: Hãy chịu khó đi và vẽ thật nhiều những căn nhà sàn lụp xụp, những xóm nghèo lao động ở thành phố vì mai này có thể chúng sẽ chẳng còn!
Quả chẳng sai, ngày nay những căn nhà sàn dọc bờ kênh Nhiêu Lộc đã biến mất cùng dòng nước đen ngòm, tanh tưởi, thay vào đó là dòng kênh nước bớt ô nhiễm, những dãy nhà sàn lụp xụp được thay bằng bờ kè, cây xanh, đường nhựa cùng những khu nhà cao tầng soi bóng xuống dòng kênh.
Sống ở thành phố những năm tháng ấy kinh tế rất khó khăn, nhưng đi học có nhà nước bao cấp không thu học phí, còn cung cấp họa phẩm, gạo, nhu yếu phẩm. Chúng tôi biết thế nào là vị bo bo và gạo trước khi nấu phải chịu khó giúp chị nuôi lựa bông cỏ, nhưng xem ra lựa chẳng xuể. Để cải thiện đời sống nhà trường còn nhận gia công đóng két đựng bia, ngày nghỉ sinh viên nào muốn kiếm thêm thu nhập thì đăng ký nhận đinh, búa cùng những thanh gỗ cắt sẵn để đóng thành sản phẩm.
Buồn nhất là những tối cúp điện luân phiên theo ngày chẵn, lẻ mà trong túi lại chẳng còn tiền. Vào một đêm cúp điện như vậy, cả ký túc xá lặng yên để nghe giọng hát cao vút của nữ họa sĩ, ca sĩ Nguyễn Lệ Thu, người quê gốc Vĩnh Long ngân vang trên tầng lầu của ký túc xá.

Trường vẽ Gia Định ngày xưa và Trường Đại học Mỹ thuật bây giờ

Ảnh tư liệu tác giả cung cấp

Nhiều sinh viên “trường vẽ” chúng tôi bận rộn khi sắp đến những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn như chiến thắng 30.4, ngày Quốc khánh, tết nguyên đán, vì những dịp như vậy sinh viên “trường vẽ” dễ kiếm tiền. Ai có tay nghề vững và mối quen thì đi lãnh trang trí hội chợ, vẽ panô, khẩu hiệu, trang hoàng quán xá…Vui nhất là khi công việc hoàn thành vừa có chút tiền công, vừa ngắm thành quả lao động của mình đã góp phần đem lại sắc màu tươi tắn làm đẹp cho thành phố đón xuân sang.
Có dịp trở lại Sài Gòn, thành phố một thời tôi đã sống và học tập để trưởng thành, thấy thành phố bây giờ đổi thay nhiều quá, có những công trình vượt qua sức tưởng tượng như đường hầm Thủ Thiêm, công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc, những tòa nhà chọc trời như Landmark 81, tháp tài chính Bitexco… Ngôi trường cũ hàng trăm năm tuổi bây giờ đã bị phá bỏ để xây dựng trường mới khang trang, hiện đại nhưng vẫn còn có ý kiến chê thiết kế giống… chung cư, còn đời sống người dân giờ đây được nâng lên, nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng phát triển, nhiều họa sĩ không còn nghèo mà sống vững với nghề, tác phẩm được đem triển lãm giới thiệu trong và ngoài nước, tranh được bán giá cao…
Đối với tôi và lớp bạn bè “trường vẽ”, dù thời gian đã điểm trắng lên mái đầu, kẻ còn, người mất, kẻ nên danh phận, người thì còn lo toan với cơm áo, gạo tiền… nhưng vẫn còn mãi trong lòng những kỷ niệm đẹp về ngôi trường cũ, những gam màu khó phai về mảnh đất và con người của thành phố thân yêu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.