Thi hào Tagore đến Sài Gòn năm 1929

10/07/2016 05:33 GMT+7

Ngày 21.6.1929, từ chiếc tàu Angers, thi hào Tagore đặt chân lên Sài Gòn giữa tiếng hò reo nồng nhiệt của giới trí thức và quần chúng. Thay mặt ban tổ chức, nhà báo Diệp Văn Kỳ đã đọc bài diễn văn chào mừng, Tagore có đáp từ.

Đi xa để được mãi mãi tái sinh trên quê hương
Năm 1913, với tập Thơ dâng, thi hào R.Tagore (1861 - 1941) được trao giải Văn chương Nobel. Năm 1919, khi thực dân Anh tàn sát phong trào nông dân ở Amritsar (Ấn Độ), Tagore đã trả lại chính quyền Anh huân chương và tước hiệp sĩ mà họ đã trao cho ông. Từ đó, ông bắt đầu chương trình du lịch thế giới với mục đích như ông nói: “Tôi đi xa để được mãi mãi tái sinh trên quê hương Ấn Độ. Ấn Độ nghèo khổ, đau thương nhưng tôi vẫn yêu Ấn Độ nhất”. Cuối tháng 2.1924, Tagore đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Lập tức báo chí nước ta, nhất là Nam Phong tạp chí đã có những bài viết giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Tagore và loan tin ông sẽ đến VN.
Chân dung thi hào Tagore trên báo chí Sài Gòn xưa Ảnh: T.L
Sau này, nhớ lại sự kiện trên, nhà thơ Đông Hồ nhận định: Dân Sài Gòn đón tiếp Tagore rất long trọng vì: “Họ không được công khai đón tiếp Phan Sào Nam, Nguyễn Thượng Hiền thì họ đón tiếp Tagore cho hả hơi vậy”. Không rõ thời gian này, Tagore lưu lại Sài Gòn bao nhiêu ngày, nhưng chắc chắn ông đã nghỉ tại khách sạn Continental trên đại lộ Catinat (nay là đường Đồng Khởi, Q.1).
Tagore đã từng mở tịnh xá Santiniketan để dạy thanh niên cái đạo giải phóng tinh thần, sống gần gũi với thiên nhiên mà theo ông: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”. Lời dạy này đã hằn sâu trong ý thức của nhà thơ Đông Hồ, vì lẽ đó, ngày 30.10.1926 Đông Hồ đã mở Trí Đức học xá tại Hà Tiên theo mô hình của Tagore. Và cũng trong năm 1926 này, sau khi đọc tập Thơ dâng, Đông Hồ đã viết bài thơ Đề tặng Gitanjali tuyệt bút. Không những thế, ông còn dịch hai bài thơ trong tập Thơ dâng.
Nhắc lại những chi tiết trên vì nó còn liên quan đến chuyện của 30 năm sau: ngày 10.4.1959, Hàn lâm viện Ấn Độ do ông thư ký K.E.Kripalani dẫn đầu đã sang Sài Gòn để thu thập, tìm kiếm tài liệu liên quan đến Tagore. Nha Văn hóa của chế độ Sài Gòn giới thiệu họ đến tìm gặp nhà thơ Đông Hồ. Tiếp đón phái đoàn Ấn Độ tại nhà riêng, nhà thơ Đông Hồ rất cảm kích: “Nhất là cần tỏ cho người bạn láng giềng cùng cảnh ngộ với mình thấy rằng: VN cũng như Ấn Độ. Tuy đã ngót một thế kỷ bị văn hóa Pháp xâm lấn, tiếng Pháp đã thống trị đè nén, mà VN vẫn giữ được nguyên vẹn văn hóa cố hữu và tiếng Việt mạnh mẽ tiến lên, vừa chống trả, vừa giành lấy vị trí chủ nhân ông”.
Trong câu chuyện với khách quý, nhà thơ Đông Hồ đã kể lại câu chuyện mà tôi vừa nêu trên. Ông còn cho biết, muốn tìm lại tài liệu về sự kiện năm 1929 liên quan đến Tagore tại Sài Gòn, ngoài phần báo chí nên tìm thêm ở các ấn phẩm của Hội Khuyến học Nam kỳ, Hội Trí Đức thể dục...
Lúc chia tay, thay mặt giới văn hóa miền Nam, Đông Hồ đã đọc bài “nghinh từ”, trong đó có câu: “Chiều hôm nay, Ngài đến với chúng tôi, cũng như chiều hôm xưa, cách đây vừa đúng 30 năm, thi hào Tagore đã đến với chúng tôi. Ngài đã noi theo dòng nước nọ mà đến đây. Chẳng lạ lùng, chẳng bỡ ngỡ, chúng ta tiếp xúc nhau như đã quen thuộc tự bao đời”. Ngoài bài “nghinh từ” chép tay trên giấy quý, đóng thành tập, bìa kim bảng, Đông Hồ còn chép tặng khách quý bài thơ Quê hương nhân loại trên giấy dó long phượng, bài thơ Lời cầu nguyện trên chiếc quạt giấy. Cả hai bài thơ này đều của Tagore, Đông Hồ dịch ra tiếng Việt theo thể thơ song thất bát.
Trang báo có in bài của ký giả Nguyễn Đức Nhuận
Tagore và chiếc áo dài Việt
Điều thú vị: Tagore rất thích áo dài. Lập tức, ban tổ chức buổi tiếp đón đã đưa ông đến một hiệu may để cắt may ngay một chiếc áo dài bằng gấm. Về chiếc áo dài bằng gấm mà người thợ may Sài Gòn tặng thi hào Tagore, làm sao ngày nay có thể nhìn thấy hình ảnh đó? May quá, khi tìm đọc Văn nghệ tập san số 4 (tháng 8.1955) do ông Nguyễn Đăng Thục là chủ bút, ấn hành tại Sài Gòn, tôi nhìn thấy có in lại bức ảnh đó với lời chú thích: “Tagore trong y phục Việt Nam”. Ngày 23.6.1929, Tagore ghé thăm Báo Phụ nữ Tân văn và Nha Thương cuộc. Những người làm Báo Phụ nữ Tân văn có đưa cho Tagore xem số báo viết về Tagore đăng hình ông. Ký giả Nguyễn Đức Nhuận đã viết trên Phụ nữ Tân văn số ra ngày 4.7.1929: “Chiều ông sai người đến mua 2 cái khăn đóng. Hỏi thăm mới biết là ông có đặt may 1 cái áo dài Annam, thợ làm suốt 1 ngày đã xong. Thì ra nhà thi hào Ấn Độ ưng ý với lối quốc phục của mình, cho nên sắm 1 bộ y phục Annam để mặc và làm kỷ niệm”.
Từ sự kiện liên quan đến Tagore tại Sài Gòn năm 1929, có lẽ đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về lối ứng xử văn hóa của nhân dân Ấn Độ dành cho thi hào của dân tộc họ. Tôi sực nhớ đến thi hào Nguyễn Du năm 1813 thăng chức Cần Chánh điện đại học sĩ và cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, nhưng đến nay, mấy ai lưu tâm?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.