Thi làm mới ca dao, tục ngữ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/02/2020 07:15 GMT+7

Cuộc thi sửa ca dao, tục ngữ do Plan International (một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền trẻ em) tổ chức, có thể lệ khá đơn giản.

Cuộc thi dựa trên việc nhiều lời bảo ban của ông cha gắn với ca dao, tục ngữ đã không còn đúng với hiện tại, do định kiến giới ẩn trong đó. Người dự thi chọn câu ca dao, tục ngữ mình thấy mang định kiến giới rồi sửa, thêm bình luận. “Cuộc thi được mở ra nhằm khuyến khích các bạn viết để nêu lên quan điểm của mình về những vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, tập trung chủ yếu vào ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam”, Plan International cho biết.
Khi giảng viên Lư Thị Thanh Lê (Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ thông tin về cuộc thi, nhiều sinh viên đã rất thích và quyết định tham gia ngay.
Sau khi thể lệ được công bố, trang Facebook của Plan International có một diễn đàn công khai. Nhiều nhất vẫn là những đoạn bình luận, “điểm danh” những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trọng nam khinh nữ. Tài khoản Phạm Mạnh Khang liệt kê rất nhiều câu như “Thân em như miếng cau khô/Người thanh chuộng mỏng, người khô tham dày”, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”... Sau đó, bạn chia sẻ: “Kiến tạo phong cách mới, tôi tin rằng Cây xanh thì lá cũng xanh/Nữ nam bình đẳng nên danh đạo đời”.
Có ý kiến không chỉ bênh vực nữ giới mà còn bênh cả những người giới tính thứ ba. Tài khoản Quang Trần phản đối câu “Đàn ông xây nhà/Đàn bà xây tổ ấm”. Theo anh: “Trong giới tự nhiên, đâu phải chỉ có đàn ông và đàn bà. Chẳng nhẽ họ không cần/không được xây nhà và xây tổ ấm?”, Quang Trần chia sẻ và sửa câu trên thành: “Ai cũng cần xây nhà/Ai cũng cần xây tổ ấm”.
Câu thành ngữ “Con hư tại mẹ/Cháu hư tại bà” cũng được mổ xẻ trong một bài thi. “Một biểu hiện của văn hóa đổ lỗi không thể chấp nhận trong thời buổi ngày nay và mang đậm định kiến giới. Cũng bởi sự phân công nhiệm vụ mang tính định kiến trong gia đình mà khi con/cháu không ngoan là lập tức lỗi được gán cho người phụ nữ. Mỗi thành viên trong gia đình đều có sự ảnh hưởng nhất định đến nhân cách con trẻ, đặc biệt là bố và mẹ”, bài thi phân tích, đồng thời đề nghị sửa thành “Con hư chưa hẳn tại mẹ/Cháu hư chưa hẳn tại bà/Tại nỗi cả ông cả bà/Chưa có phương pháp để mà dạy con”.
Giảng viên Lư Thị Thanh Lê cho biết nhóm sinh viên thuộc ban điều hành CLB Văn hóa dân gian Trường ĐH KHXH-NV (Folklore Club USSH) còn chia sẻ thông tin về cuộc thi này trước cô. Nữ giảng viên cũng rất thích ý tưởng của ban tổ chức. “Cuộc thi thôi thúc các bạn trẻ huy động trí nhớ về những câu tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam liên quan đến bình đẳng/bất bình đẳng giới, suy ngẫm một cách sâu sắc về những câu nói đó”, cô chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.