Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ vẽ… nước và đậu tương

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/04/2021 10:32 GMT+7

Thầy Thích Chân Pháp Khâm, học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh , nói: “Đối với Phật giáo, nước với đậu nành là trí tuệ và tình thương, là hiểu và thương”.

Triển lãm thư pháp và sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh có gần 100 bức thư pháp (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh tiếng Pháp), 145 cuốn sách trong đó có nhiều cuốn bestseller như An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Giận, Bụt ngàn đời. Trưng bày này sẽ kéo dài từ nay đến 26.4 tại nhà triển lãm Trường ĐH Mỹ thuật VN, 42 Yết Kiêu (Hà Nội). Thanh Niên đã trò chuyện với thầy Thích Chân Pháp Khâm, một học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh về triển lãm. Ông hiện là Viện trưởng Viện Phật học ứng dụng châu Á tại Hongkong.
* Chỉ một câu thôi nhiều khi phải mất rất nhiều năm để hiểu, để thực hành. Như câu “Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương” chẳng hạn. Vậy mà có tới gần 100 bức thư pháp với những thông điệp như vậy trong triển lãm của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Làm sao người xem có thể hiểu được, ngộ được, thưa thầy?
- Thầy Pháp Khâm, Viện trưởng Viện Phật học ứng dụng châu Á tại Hongkong: Chính ra như mình ăn chay ấy, thường thường mình hay gặp đậu hũ, hay sữa đậu nành, hay là tầu hũ ky. Nhưng tất cả tàu hũ ky với sữa đậu nành với đậu hũ nó đều là đậu tương với nước thôi. Vậy thì nội dung của những bức thư pháp đều có căn bản hết. Mình đi vô tiệm ăn mình có thể thấy tiệm ăn đặt tên món này là trúc tím, món kia là mây vàng. Nhưng thực ra nó là đậu hũ, là đậu nành với nước.
Vậy khi nhìn những tác phẩm của sư ông Thích Nhất Hạnh, trước hết mình đừng vội tìm hiểu. Hãy dừng lại nhìn thôi. Mình không vội tìm hiểu thì cái đó lại hiện ra. Đó là bí quyết xem thư pháp. Giống như thầy Thích Nhất Hạnh nói: “Thở đi con”, hay “Uống trà đi”, đều giống nhau hết. Là cứ từ từ, dừng lại đi, thưởng thức cuộc sống.

Góc trưng bày với những bức thư pháp về hòa bình, sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết cho độc giả trẻ

Ảnh Trinh Nguyễn

* Vậy trong Phật giáo, trong những bức thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh, cái gì là nước cái gì là đậu tương vậy thưa thầy?
- Đối với Phật giáo, nước với đậu nành đó là trí tuệ và tình thương, là hiểu và thương. Còn nói về thực tập, thiền tập thì đó là bước chân và hơi thở. Qua hơi thở và sự dừng lại mình sẽ tiếp xúc được những thứ khác.
* Nhiều người đang hình dung việc tu tập là khổ hạnh, gò bó, là khuôn khổ. Có thật như thế không thưa thầy?
- Đi tu có những giới luật, có những điều mình buộc phải làm theo. Nhưng những điều mình phải làm theo nó không bó buộc mình, nó lại làm mình có tự do hơn. Ví dụ mình lái xe đi, lái xe thì có luật giao thông. Nhờ mọi người theo luật giao thông nên sự lái xe thành nề nếp. Đèn xanh chạy, đèn đỏ dừng. Chứ nếu đèn xanh mà dừng, đèn đỏ lại chạy thì tai nạn dễ xảy ra. Nên luật đó không làm cho mình bị trói buộc mà làm mình tự do hơn. Giới luật là bước thảnh thơi.

Bức thư pháp viết một câu thơ trong truyện Kiều. Câu thơ nhắc luôn giữ gìn lời nói hay lời hứa của mình với người khác cho trọn vẹn

Ảnh Trinh Nguyễn

* Thiền sư Thích Nhất Hạnh có biết các học trò của mình đang tổ chức một triển lãm ở đây không.
- Sư ông có biết. Sư ông dù bị đột quỵ, ngồi trên xe lăn nhưng sư ông còn rất tỉnh. Hôm trước triển lãm ở TP.HCM cũng có live stream cho sư ông xem. Sư ông xem từ đầu đến cuối luôn. Triển lãm ở Hà Nội cũng thế.
* Khi học trò làm triển lãm, thầy có dặn gì không. Chẳng hạn, thầy có cho biết ở không gian nhỏ của trưng bày, ban tổ chức vẫn thu xếp một góc uống trà nhỏ phù hợp với văn hóa của đồng bằng Bắc bộ. Đó có phải điều sư ông Thích Nhất Hạnh dặn dò không?
- Thực ra ngay trong đạo Phật, Phật dạy đi tới địa phương nào thì thích hợp cho địa phương đó. Để như vậy thì Phật giáo mới bắt rễ được. Ví dụ như ngay cả việc tụng kinh, sư ông cũng khuyến khích các thầy các sư cô, nếu ở miền Bắc thì nên học lối tụng kinh chầu văn. Hay sư ông nói cuốn Nhật tụng thiền môn phải có từ thích hợp cho từng miền. Tức là cũng có tiếng địa phương trong các bài giảng pháp.

Triển lãm cũng giới thiệu cuốn sách mới của thiền sư Thích Nhất Hạnh, cuốn Hương thơm quê mẹ, dày hơn 200 trang song ngữ Anh- Việt

Ảnh Trinh Nguyễn

* Thầy có nghĩ là sẽ có những người chưa từng tìm hiểu về đạo Phật cũng đến đây không?
- Một điều lạ là triển lãm ở TP.HCM có hơn một nửa người xem là người trẻ. Có những em bé học trò lớp 3 được cô giáo dắt cả lớp đi luôn. Tới đó, các em đọc thư pháp thờ ơ thơ hỏi thở, đờ i đi. Thở đi con. Rất dễ thương. Môi trường đó vui và có sự bình an. Các cô giáo cũng vui khi dắt các con, mấy em mấy cháu đi.
Cũng ở triển lãm tại TP.HCM, có một cụ bà đã 95 tuổi được 3 cô con gái dắt đi. Cụ bà đã đọc nhiều sách của sư ông Thích Nhất Hạnh. Bà cụ đi tới thư pháp, đọc hết chữ ghi chú như vậy. Dành 1 ngày đi hết triển lãm. Rồi cụ đi chụp hình, chắp tay chụp với hình sư ông.
Thông điệp trong những bức thư pháp cũng có kết nối người trẻ nhiều. Các thông điệp "Uống trà đi, Drink your tea" rồi "Thở đi bạn đang còn sống", nó rất hợp với người trẻ. Sư ông còn có một câu thư pháp là "Thở đi, con đang trực tuyến đó". Thì câu này hợp với người trẻ lắm. Đi tham dự thế này thấy một sự sống rất đầy trong phật giáo. Triển lãm mở ra chắc chắn sẽ có nhiều người trẻ. Hình sư ông Thích Nhất Hạnh chắc chắn sẽ có nhiều người check in.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.