Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 6: Du ngoạn bằng khinh khí cầu

11/10/2014 03:00 GMT+7

Chúng tôi là những người may mắn khi đi qua hầu hết những nơi đẹp như cổ tích của Thổ Nhĩ Kỳ, từ lòng đất cho đến bầu trời, thế mà vẫn trông chờ để khám phá vùng Cappadocia - ngôi sao sáng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

>> Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 5: Có hai con ngựa thành Troy
>> Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 4: Đền đài, thư viện và nhà thổ
>> Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 3: Đền cổ chữa bệnh
>> Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 2: Bán hàng theo kiểu... Thổ Nhĩ Kỳ
>> Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 1: Thủ đô của thế giới

 Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 6: Du ngoạn bằng khinh khí cầu
Bay khinh khí cầu ngắm cao nguyên huyền thoại - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh

Đọc truyện cổ tích từ không trung

Chúng tôi đến địa điểm tập kết ở Cappadocia vào lúc chưa rõ mặt người để tham gia chuyến du ngoạn bằng khinh khí cầu ngắm bình minh vùng đất trung tâm cao nguyên Anatolia huyền thoại. Cô Sisi, hướng dẫn viên và người trực tiếp điều khiển chuyến bay trên độ cao 600 m làm động tác thị phạm cho mọi người từ cách lên, cách đứng, cách làm sao để an toàn khi khinh khí cầu hạ xuống mặt đất rồi thông báo mỗi hành khách đã được bảo hiểm trị giá 1 triệu USD. Nghe rất “nghiêm trọng”.

Nhìn quanh một lượt, thấy cao nguyên lấp loáng nhiều đốm lửa, đó là khi người của 60 công ty khai thác dịch vụ này bắt đầu mở, đốt khí gas “bơm” hàng trăm chiếc khinh khí cầu chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên trong ngày. 18 người trên cùng chuyến bay phân ra hai nửa, đứng vào hai ô, ở giữa là người điều khiển.

Mặt trời ló dạng. Trên bầu trời cao nguyên hàng trăm khinh khí cầu rực rỡ sắc màu cùng bay lên, đẹp như trong mơ. Từ trên cao nhìn xuống, cảm xúc dâng trào. Người điều khiển thiện nghệ khi cho nó bay cao, khi hạ thấp lượn trong thung lũng giữa hai vách núi, lúc chuyển hướng cho mọi người chụp ảnh khỏi phải ngược sáng.

Có cảm giác như chúng tôi đang đọc truyện cổ tích từ trên… trời. Vì thế, 60 phút trôi qua quá nhanh. Chiếc khinh khí cầu đáp xuống mặt đất nhẹ nhàng khiến ai nấy đều luyến tiếc bàn nhau móc hầu bao mỗi người 250 USD để bay thêm lần nữa. Nhưng sự quyến rũ của mặt đất cao nguyên nổi danh này đang chờ đợi với một sức hấp dẫn khác. Sau khi được nhân viên của Tập đoàn Dorak mở sâm banh mừng, chúng tôi được nhận mỗi người một bằng chứng nhận là đã có chuyến bay thành công, rất thú vị.

Cappadocia xuất hiện trên bản đồ văn minh từ thời Hittite (1800 - 1200 TCN), tiếp tục phát triển dưới sự kiểm soát của người Ba Tư rồi La Mã.

Người ta nói, có 3 thứ ở Cappadocia khiến ai cũng phải ao ước được một lần đặt chân đến đây: thiên nhiên độc nhất vô nhị, bề dày lịch sử kinh điển và văn hóa sống cực kỳ độc đáo. Ngay từ thập niên 1980, Cappadocia đã trở thành một vùng du lịch nổi tiếng.

Phong cảnh cao nguyên Anatolia huyền ảo như vậy là do hàng triệu năm trước, núi lửa phun trào tạo thành lớp macma nhiều tầng. Các ngọn núi vì thế có nhiều lớp với vô vàn màu sắc khác nhau, trong đó lớp trên cùng cứng nhất, ít bị tác động, lớp giữa và bên dưới mềm hơn. Mưa, gió và nước đã bào mòn các ngọn núi tạo thành những kiệt tác thiên nhiên với tầng tầng lớp lớp ngọn núi tạo vô vàn hình thù kỳ ảo, khi thì như ngôi nhà cao tầng, khi thì giống cây nấm khổng lồ, khi lại giống con lạc đà, khi lại như những con sư tử.

Nằm ở đáy thấp nhất trong tất cả các thung lũng bao quanh, Goreme là một quần thể rất nhiều cột đá khổng lồ mà người ta gọi là fairy chimney (ống khói xứ thần tiên). Ở bất cứ ngôi làng nào vùng Cappadocia, người dân địa phương đều tận dụng tối đa lợi ích từ việc khoét các lỗ hổng ở các cột đá để chế tạo thành nhà ở, nay được cải tạo để thành khách sạn hoặc nhà nghỉ.   

Lòng đất kỳ bí

Bầu trời khoáng đãng, cao nguyên huyễn hoặc và bây giờ là lòng đất huyền bí. Thành phố ngầm Kaymakli nằm ở phía nam thành phố Nevsehir - thủ phủ tỉnh Nevsehir, cùng với Derinkuyu là hai thành phố ngầm lớn nhất ở vùng Cappadocia. 

Người hướng dẫn khuyến cáo chúng tôi nếu ai bị bệnh về xương khớp hay cột sống thì không nên vào vì các đường đi lại rất thấp, phải cúi lom khom. Thành phố được đào trong lòng đá núi lửa gồm nhiều tầng ngầm với các công trình như phòng ngủ, nhà bếp, nhà thờ, hầm mộ, kho chứa, bể làm rượu nho… được tạo tác vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 10, có diện tích rộng tới 2,5 km2. Đó là nơi tử thủ của người dân trong cuộc chiến mà người theo Thiên Chúa giáo bị quân La Mã truy sát.

Thành phố trong lòng đất này có 7 tầng nhưng hiện chỉ có 4 tầng ngầm mở cửa đón khách tham quan. Người ta đã khéo léo lắp các bóng điện vừa đủ sáng để không mất đi không gian thật của những người từng sinh sống ở đây.

Trong thành phố có nhiều căn hộ tương tự và nối với nhau bằng những lối đi là những đường hầm thấp cỡ 1,5 m. Các tầng thông với nhau bằng một lối như thang máy. Đây cũng chính là lối để người ta vận chuyển các thứ từ bên ngoài vào cũng như đưa chất thải từ trong ra. Lối chính của các tầng được lắp một cánh cửa bằng đá cứng hình tròn được thiết kế chỉ có bên trong mới mở được chứ người ngoài không thể nào xoay chuyển.

Đến các thành cổ của Thổ Nhĩ Kỳ, thấy lịch sử vùng đất này gắn với những cuộc chiến tranh liên miên của thời trung cổ, và nhận ra một điều, con người thời đó đã không bao giờ chịu khuất phục, nhiều thành quách bị phá hủy nhiều lần và người ta đã xây dựng lại nhiều lần, lần sau hoành tráng hơn lần trước; nhiều cuộc truy sát đẫm máu và để tồn tại người thời đó đã đục đá, xây cả một thành phố ngầm dưới lòng đất. Câu nói của cô Sisi “thời đó chẳng có gì, chỉ có sức người” khiến tôi suy nghĩ mãi không thôi.

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.