Thư viện có được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/07/2019 06:22 GMT+7

Sáng 25.7 tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa , Giáo dục , Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức tham vấn các chuyên gia về dự luật Thư viện .

Tại hội nghị, Giám đốc Thư viện TP.Cần Thơ Phan Thị Thùy Giang nêu ý kiến: “Hiện nay, kho thông tin tư liệu các thư viện đã thu thập rất lớn, nhưng việc số hóa tài liệu đang vướng mắc do liên quan đến sở hữu trí tuệ, nếu không đưa vào luật được thì phải có hướng dẫn để tạo điều kiện cho thư viện số hóa hoạt động hiệu quả”. Một số ý kiến còn nêu, điều 4 của dự luật Thư viện quy định: “Nhà nước đầu tư cho một số thư viện trọng điểm có tính công cộng” là chưa rõ ràng. Vì thư viện như thế nào thì mới được gọi là trọng điểm và “danh hiệu” này do ai xếp hạng.
Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM Bùi Xuân Đức làm “nóng” hội nghị với câu chuyện thư viện có thể đứng ra đề nghị công nhận bảo vật quốc gia hay không. Ông Đức cho rằng: “Theo luật Di sản thì công việc này do bảo tàng tiến hành lập hồ sơ. Vì vậy, một số thư viện có nhiều hiện vật quý thì có làm hồ sơ được không, hay phải thông qua bảo tàng theo luật Di sản.
Rồi khi được công nhận bảo vật quốc gia có thêm được chế độ, chính sách bảo quản, trưng bày… mà lúc công nhận xong thì phải đưa qua cho bảo tàng quản lý thì ai dám làm. Trên thực tế, những thư viện lớn hiện nay có nhiều hiện vật, tư liệu độc đáo nhưng không có ai thẩm định, định giá để mua bán, trao đổi cũng là điều trăn trở, cần đặt ra trong dự luật Thư viện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.