Bên ghét, bên yêu

26/11/2020 10:00 GMT+7

Thế là đã tròn 30 năm mẹ xa quê, ra đi trong nước mắt và tủi hờn…

Người phụ nữ quen sống theo lề lối gia phong, đến lấy chồng cũng theo ý ngoại, quanh năm lẩn quẩn xó bếp và ruộng nương, lại tủi hờn đến độ dám một mình bỏ xứ, vào tận Sài Gòn. Người phụ nữ ấy quên bẵng căn bệnh tiền đình, ngồi tàu suốt một ngày đường vẫn đăm đăm suy nghĩ về những chuyện đã qua, không chút hoang mang, do dự. Đến bây giờ, khi nghĩ lại, mẹ vẫn không thể lý giải nổi vì sao lúc đó, mình lại có nhiều dũng khí đến vậy. Năm đấy mẹ vừa 20 tuổi.
Miền đất mẹ từng gắn bó cả thanh xuân, vì một người đàn ông mà trở nên xa lạ. Mẹ không muốn nhắc tới, cũng chẳng định tìm về. Mẹ cặm cụi làm việc, vật lộn với cuộc sống mưu sinh xứ người, để đứa con yêu dấu được tận hưởng những ngày tháng ấu thơ yên bình, ở nơi gọi là “quê hương”.
Nơi đó cũng như bao làng quê khác, có non xanh, nước biếc, có đàn trâu, có nương dâu. Nhưng trong trí óc non dại của lũ trẻ lên 3, nó lại nhuốm màu huyền bí, không thua kém xứ sở thần tiên của Alice, hay thế giới ẩn hiện đầy mê hoặc của Totoro. Trên mảnh đất khô cằn, chỉ toàn sỏi cát, những người miền Trung kỹ tính, chăm chỉ, cần mẫn cắt tỉa từng bụi cây quanh nhà, tạo thành những đoạn hàng rào vuông vức, nối đuôi nhau, lắt léo tựa mê cung. Lũ trẻ mải miết, thỏa thích đuổi bắt nhau qua những đoạn mê cung ấy và chinh phục những “ốc đảo” kỳ bí.
Thật ra làm gì có ốc đảo nào. Đó chỉ là những ngôi nhà khang trang được tích cóp từ đôi bàn tay lam lũ của người xa quê gửi về gia đình. Để đối phó với vài trận lũ “ghé chơi” hằng năm, ai nấy cũng cố gắng xây nền nhà thật cao, cao tới mức một đứa trẻ lên 3 phải dùng hết sức bình sinh mới leo lên nổi. Căn phòng nhỏ thó, lấp ló cuối nhà chứa đầy lúa thóc, khoai ngô rất được đám nhỏ ưa thích, đặt tên là “kho báu”. Người lớn thường bịa ra mấy câu chuyện rùng rợn, ma mị quanh căn phòng ấy để trị những đứa nhóc quậy phá, ảo tưởng, cứ lăm le “kho báu” nhà mình. Nhưng, họ đã sai. Những câu chuyện đó chỉ càng kích thích trí tò mò của tụi nó mà thôi.
Mỗi “ốc đảo” lại nối với nhau bằng nhiều lối đi tắt bí mật. Có khi là bụi chuối, có khi là rừng tre, có khi là cánh đồng hoa dại. Chỉ những hàng xóm thân thuộc mới biết rõ đường đi nước bước, mới qua lọt được ánh mắt thăm dò của bầy chó giữ nhà tinh ranh. Sau buổi đốt đồng chiều tà, người lớn thường í ới gọi nhau, rồi dắt đám trẻ qua lối đi bí mật ấy, tụ tập dùng chung bữa cơm, chia nhau quả mít chín cây vừa hái, kể nhau nghe chuyện ông A bà B trên thành phố.
Tuổi thơ cứ thế trôi qua thật trọn vẹn khi mỗi sáng sớm được thức dậy dưới vùng trời đỏ rực của nắng mai, những buổi trưa luồn lách quanh ruộng khoai mì rình bắt chuồn chuồn, chiều chiều rủ nhau ngửi mùi khói lam, tối ngắm trăng to vật vã treo đầu cành tre. Bầu trời quê không chút bụi mù, giúp ta thấy rõ từng vì sao nhấp nháy tựa ánh kim cương cùng dải ngân hà đầy sắc màu, trải dài, chiếu sáng cả con đường làng. Cảnh tượng kỳ diệu ấy tôi không còn thấy nữa. Tôi rời quê, về vòng tay mẹ khi vừa lên 4.
Những tưởng hai tiếng “quê hương” đã được gói ghém gọn ghẽ trong ký ức của cô gái nhỏ, để chuyên tâm hòa nhập vào cuộc sống bộn bề chốn thị thành. Những tưởng hai từ “xứ Quảng” đã là dĩ vãng, tránh nhắc tới để không khơi dậy nỗi đau quá khứ của một người mẹ trẻ. Nhưng, đến độ tuổi nào đó, người ta bỗng khoan dung hơn với sự buồn tủi, bỗng nhìn về những người xưa cũ với lòng vị tha. Càng về trung niên, mẹ càng nhắc tới quê nhiều hơn. Mẹ không ngại lặn lội hàng chục cây số, chạy ra ngã tư Bốn Xã, tìm mua cho được bó hẹ sẻ, chùm tỏi cô đơn, vài con cá chuồn cồ, vài xấp bánh tráng gạo mè về nấu bữa ăn cho đúng vị quê nhà. Mẹ mạnh dạn hỏi thăm về hàng xóm cũ. Mẹ không ngừng mơ tưởng về những ngày được cùng các bạn lên núi lượm củi, nằm chợp mắt bên gốc cây đại thụ trong rừng, hay những chiều vừa nhặt phân bò vừa hát đồng dao.
Còn tôi, tôi cũng đang ở độ tuổi rất kỳ lạ. Độ tuổi của sự chấp nhận. Chấp nhận rằng sẽ không có một cánh cửa Doraemon nào đưa ta về đúng cái thời điểm vui nhất của cuộc đời. Chấp nhận rằng cảnh xưa, người cũ còn đó, nhưng “ốc đảo”, “kho báu” và lũ “hải tặc” lên 3 đã tan biến theo sự trưởng thành. Chấp nhận giống như mẹ, yêu quê hương bằng hoài niệm, bằng cách miên man nhớ về tuổi thơ tươi đẹp của mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.