Canh lưỡi rồng làng Cát

20/08/2020 08:00 GMT+7

Bạt ngàn ven biển miền Trung xưa là những trảng, lùm, bụi xương rồng đứng chôn chân dưới cái nắng chang chang trên các triền cát cháy.

Họ xương rồng đa phần “dữ tợn” bởi mình tua tủa đầy gai; những chiếc gai độc đâm vào thịt da sẽ khiến tấy sưng, nhức buốt. Giống xương rồng tai thỏ (có thân phẳng, dẹp thành từng bản hình e-líp nối nhau giống tai con thỏ) cũng không ngoại lệ. Người đất Phú gọi nó là cây bàn chải bởi hai mặt dẹp của nó đều tua tủa gai giống hệt một cây bàn chải cọ nhà!
Vậy nhưng có một “phiên bản” của giống xương rồng này lại khá dễ thương bởi thân nhìn giống hệt; nhưng mình mẩy lại trụi trơn không (hoặc có rất ít) gai. Lạ lùng hơn, chúng còn có thể dùng để… ăn. Ngon không ngon lắm nhưng tốt cho sức khỏe. Và lại thay thế được món rau xanh vốn hơi khan hiếm nơi làng biển giữa những ngày hè trời chang chang nắng. Giống ấy được gọi là cây lưỡi long, tức lưỡi rồng…
Ấu thơ tôi chạy loạn từ quê ra ngụ cư làng Cát. Ngôi làng có nhà nhà “phân ranh” với nhau bởi những hàng bàn chải gai chông chơm chởm. Nhưng ấy chỉ là phần “hậu” - tức phía sau nhà - để giữ an ninh. Mặt trước nhà cây bàn chải được trồng thay bằng cây lưỡi rồng - vẫn cái hàng rào thẫm xanh nhưng thân thiện hơn nhiều bởi tấm thân trơn trụi mượt mà không gai góc. “Rào” nào cũng có dăm ba cái lỗ do lũ nhỏ khoét, chui từ lúc lưỡi rồng còn nhỏ. Chui riết mòn luôn thành lối tắt: những cây lưỡi rồng trưởng thành vươn cao vẫn ý tứ mọc né mình, chừa “khoảng trống thiên thần” cho các cô/ cậu chủ nhỏ ngày ngày còn có chỗ chui qua chui lại mà… giao lưu. Chưa hết đâu; trò chơi bày hàng của mấy cô cậu còn lén bẻ thân lưỡi rồng non đem băm vằm làm “món ăn” lên đĩa lên mâm. Lén thôi; chứ mẹ biết thể nào cũng bị mắng hoặc ăn đòn chắc cú!
Sở dĩ mẹ cấm phá lưỡi rồng non bởi đó chính là nguồn rau xanh tự nhiên không phải mất công tìm xa cho dân nghèo làng Cát. Bữa cơm chỉ cần có ít tôm hoặc cá; ra rào bẻ thêm năm bảy miếng lưỡi rồng non đem lạng (hớt) sạch mấy ụ gai cho khỏi nhám, xắt nhỏ, phơi héo sơ cho bớt nhớt là có thể đem nấu canh cùng tôm hoặc cá được rồi. Canh lưỡi rồng ăn lần đầu chưa quen có thể khó chịu vì vị chua nhơn nhớt; nhưng quen rồi lại hóa ra… dễ nuốt; nhất là với người già, con nít - khả năng nhai thường bị hạn chế. Vậy nên người già làng Cát thích ăn canh lưỡi rồng.
Giờ thì đã xa, xa lắm giấc mơ canh lưỡi rồng làng Cát. Mẹ từ lâu về nơi thiên cổ; còn tôi xa làng Cát mấy mươi năm để một sớm quay về chợt ngỡ ngàng nhận ra: làng đã từ lâu lên phố! Chỗ những hàng lưỡi rồng xưa kia giờ là tường gạch hoặc trụ bê tông chăng lưới thép, bên trong im ỉm tòa dọc dãy ngang. Người làng Cát không còn nghèo; và cũng không mấy ai còn nhớ đến món canh lưỡi rồng quen thuộc thuở “hàn vi”. Mặc kệ những khuyến cáo khoa học; rằng: ăn lưỡi rồng ngừa được nhiều bệnh tật trong đó có ung thư, tốt cho sức khỏe, bữa cơm của người làng Cát giờ vẫn vắng bóng món canh một thời xem như “truyền thống”. Đơn giản vì lưỡi rồng không ngon bằng các loại rau củ khác - những loại rau củ ngày trước khó tìm nhưng nay trở nên phổ biến khắp nơi. Lại nữa, giờ muốn tìm lưỡi rồng để nấu bát canh cũng hơi bị… khó khăn: làng đã từ lâu lên phố, đất đai quý lắm, có dư đâu mà trồng cái giống lưỡi rồng?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.