Mẹ ơi, con nhớ nhà!

14/10/2020 10:04 GMT+7

Ngày bé, vào mùa hè ở quê tôi thường bị cúp điện. Ba bố con tôi thường mang ghế ra sân ngồi. Bố ngâm mấy câu Kiều, mấy câu thơ “Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính, tôi nghe đi nghe lại đến thuộc làu.

Đêm miền Trung nóng lắm, mẹ tôi cứ phe phẩy cái quạt mo cau cho tôi. Còn anh trai tôi thi thoảng lại chạy ra giếng, múc nước đầy một cái đài (gàu) rồi dội lên cho bớt nóng. Ở giữa đất thủ đô, đêm nào thấy nhớ nhà, nhớ ba mẹ là tôi lại nhớ cảnh đấy, và khóc rưng rức.
Nhà tôi cũng như những người trong làng, ba mẹ tôi làm nông dân nuôi hai anh em tôi ăn học. Mặc dù tôi sinh ra trong nhà nông nhưng chuyện đồng áng tôi không phải lam lũ quá nhiều như mấy đứa trẻ hàng xóm. Buổi tối thay vì đi soi ếch, đi bắt ốc và tát cá thì tôi được ở nhà học bài. Vì ba mẹ tôi chỉ muốn tôi tập trung vào việc học. Tôi buổi sáng đi học ở trường, chiều thì đi chăn bò giúp ba mẹ. Con bò ba tôi mua từ lúc tôi học lớp hai và tôi chịu trách nhiệm chăm nó. Năm tôi lên lớp 9 thì bố mẹ quyết định bán con bò vì tôi phải tập trung thi học sinh giỏi cấp tỉnh và thi lên cấp ba. Một buổi chiều tôi đi học về thì không thấy con bò đâu, tôi đã không chịu ăn và khóc suốt mấy ngày.
Thế mà đã năm năm tôi xa nhà, giờ đây đã cũng đã quen với nhịp sống thủ đô, đã không còn là cô bé nhà quê nhếch nhác, luộm thuộm và không nói nổi giọng Bắc như ngày trước, chỉ có điều nỗi nhớ nhà là không phai nhạt đi một chút nào. Người ta nói đặc sản Hà Nội là cốm làng Vòng, là phở Thìn, là xôi xéo… thế mà với tôi, thứ tôi thèm ăn nhất chỉ là bữa cơm nhà có ba mẹ và anh trai. Những năm tháng đói nghèo ấy, bữa cơm gia đình cũng chỉ là rau muống luộc, nhút xào với cá rô đồng. Thế mà hai anh em tôi lớn lên bằng đĩa nhút mẹ làm từ hoa chuối ngoài bờ ao, quả mít sau vườn. Mỗi lần về quê tôi thường ra gốc dừa ngó xem hũ nhút còn không, tiếc rằng hũ nhút năm nào theo mưa nắng giờ cũng đã chẳng còn nguyên vẹn, thế mà ở đó, tình mẹ, tình cha vẫn vẹn nguyên như những ngày tôi còn bé.
Những ngày này miền Trung nắng như đổ lửa. Ai có ba mẹ ở quê làm nông dân thì cũng sẽ thấy xót xa biết nhường nào. Cái mùa hè của miền Trung nắng mưa thất thường lắm. Có khi sáng nắng rát là vậy mà đến trưa, trời lại động. Tôi cũng chẳng hiểu ông Trời cứ thích đổ mưa thất thường lúc sân lúa đang phơi, mẻ rơm đang dang nắng sắp được xây thành đống cất cho mùa đông dành phần cho con trâu. Nhớ những ngày ấy, cả nhà cùng nhau hùng hục hốt lúa vào nhà, tấp rơm lại thành đống. Có những khi chạy không kịp, và thế là cả rơm và lúa đều ướt trong sự mệt mỏi của ba mẹ. Và tôi cũng chẳng biết rằng đến bây giờ, khi hai em tôi xa nhà thì ba mẹ chạy nắng, chạy mưa thế nào, có kịp cơn giông trời bỗng chốc đổ xuống hay không trong khi ba mẹ ngày một yếu đi. Chỉ nghĩ đến thế thôi mà nước mắt lại rưng rưng.
Cái đất miền Trung có khí hậu kỳ lạ đến khắc nghiệt là vậy. Mùa hè nắng như đổ lửa, nhưng đến mùa mưa lại mưa triền miên không dứt, đến nỗi nước ngập đầy đồng. Và vì thế người dân quê tôi chỉ trồng được một vụ lúa vào tháng năm. Những ngày tháng bảy, tháng tám, nước ngập cả một vùng trắng xóa. Nhớ những ngày tháng ấy, cả một mùa trên mâm cơm chỉ có đĩa nhút mà mẹ tôi đã kịp làm từ tháng năm. Thi thoảng bố bắt được con cá thì hôm ấy mấy chú cún phần cơm đã bị ít lại.
Đi khắp Hà Nội cũng không thể tìm được đĩa nhút mẹ xào những ngày mưa tháng bảy, cũng không thể tìm nổi cái mo cau mẹ quạt trong những đêm hè, và càng không thể tìm được những câu Kiều qua lời ca của bố, càng không thể tìm cơn giông vội vã làm ướt cả sân lúa của ngày hè. Hai anh em tôi đã lớn lên, đã trưởng thành từ những giọt mồ hôi mặn mòi trên vai của mẹ, trên đôi bàn tay chai sần của bố, trên vựa lúa chạy nắng chạy mưa và trên cả cuộc đời ba mẹ nơi nắng gió miền Trung.
Những đêm nghe đài báo bão, không biết ba mẹ đã kịp thu hoạch vựa ngô hay chưa, không biết đàn gà con ở nhà đã biết trú mưa, không biết bố đã đóng cọc cho hàng mía, hàng cau hay chưa, không biết nhà còn dột không, củi có đủ nấu trong cả một mùa mưa bão, không biết mẹ đã kịp mua cái nón mới, không biết chiếc áo mưa của mẹ còn lành không và không biết hũ nhút có đủ ăn suốt cả mùa lũ hay không nữa. Nhưng tôi tin như những con người ở đấy, ba mẹ tôi vẫn kiên cường, lam lũ, vẫn chống chọi với thiên tai, với sự khắc nghiệt của khí hậu, của thiên nhiên để nuôi con khôn lớn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.