Muối thương

04/12/2020 12:00 GMT+7

Ba tôi hay tếu táo, vị chua vị chát thiếu được, chứ thiếu vị mặn coi như mất nửa phần đời.

1.
Đêm khuya, nằm với phố. Nghe đâu đó tiếng rao ngọt ngào của cô bán chè chuối nướng miền Tây. Chú bán bánh giò vẫn thường xuyên ghé vào hẻm trọ, giọng Bắc khàn đục. Ngoài hè phố, tiếng vòng xoay xe đạp lẹt xẹt lẫn vào giọng rao nằng nặng xứ Nghệ Tĩnh của cô mua đồng nát. Sài Gòn, muôn giọng tiếng rao gom về một cõi… Thế là, nhớ quặn lòng tiếng rao mặn mòi của xứ mình.
Tôi ở Quảng Ngãi, vùng đất nắng gió trần ai như bao tỉnh miền Trung khác. Mộ Đức của tôi nổi tiếng với lúa, Đức Phổ lại đặc trưng muối biển Sa Huỳnh. Muối đổi lấy lúa, đó là quy luật trao đổi nông sản của người dân hai huyện.
“Ba muối, một lúa đây!” là tiếng rao của các cô bán muối dưới miền biển lên, tiếng rao chỉ vang lên vào những buổi trưa hè. Ba muối, một lúa - tức là ba thúng muối đổi lấy một thúng lúa.
Có lần cô bán muối nọ mặc cả: ba muối, lúa rưỡi. Tức ba thúng muối đổi lấy thúng rưỡi lúa. Má tôi dùng dằng, tiếc hạt lúa mình làm ra. Cô bán muối nghẹn ngào, giọng thô ráp như tiếng muối vỡ trên thân tàu: Trên vai nặng một gánh chồng, chị ơi!
Trong một chuyến đi biển, chồng cô không về nữa. Chuyện biển cả ôm bao phận đời trong lòng xanh sâu của nó, nỗi đau đó chỉ người người miền Trung mới thấu. Trên vai cô đâu đơn thuần là một gánh muối, mà còn gánh cả trách nhiệm của người chồng. Nặng trĩu. Hồi lâu trò chuyện, má tôi mới hiểu ý tứ “gánh chồng” đó của cô. Đàn bà quê, đụng đến quyền lợi của nhau là chanh chua đốp chát. Vậy mà, hiểu rồi lại thương. Má sớt nửa thúng lúa, bẻ chục bắp, đào mớ củ khoai biếu thêm. Cứ mỗi mùa đi qua, tình người còn đọng lại.
2.
Ba tôi áng chừng, tầm năm tám mươi mấy, ba không nhớ rõ, ba má dắt nhau đi kinh tế mới ở Đạ Huoai (Lâm Đồng). Thế hệ ba má tôi đi kinh tế mới trên Tây Nguyên rất nhiều, cũng không ít người phải sớm quay về vì cái lạnh trong xương tủy của sốt rét. Ba kể, hồi đó xe đò chạy bằng than, chậm chạp và nóng nực. Mấy gói muối mua bằng tem phiếu được gói ghém mang theo chuyến đi. Muối để gần động cơ than củi nên nóng ran, tỏa nhiệt làm da thịt bỏng rát. Ấy vậy mà vẫn ráng ghì chặt, bởi người đông, đến nơi lại rẽ về mỗi hướng, lạc mất không biết phương nào mà lần. Vậy đó, hạt muối đã theo bao lớp người trên nẻo đường di dân khai phá đất đai, xây dựng đời sống mới.
Bôn ba không qua thời vận, đi làm kinh tế vài bận không thành, ba má dắt díu nhau về với đất mẹ. Thu - đông đi trẩy sặc (loại cây giống cây sậy nhưng cao hơn và sống trên núi), xuân đi chuốt dây mây, hè lên núi đốt than… Mỗi mùa mỗi việc. Cũng muối mè, muối đậu gói theo với cơm trắng mà thôi. Rồi những lúc đau bệnh, má hay an ủi: “Ráng ăn đi con, hạt cơm hạt muối thương mình!”. Vị muối như vị mặn của mồ hôi, đồng hành trong những đoạn đời nhọc nhằn của con người.
Năm 1999, tôi còn là đứa trẻ. Toàn cầu chuẩn bị bước vào thế kỷ mới, các lão già trong xóm nôn nao khi sắp là người sống nối liền hai thế kỷ, cũng là lúc trận lũ lịch sử ập đến với miền Trung. Tôi vẫn nhớ màu đỏ lừ đừ của nước lũ, cánh đồng không còn bờ thửa, cô lập nhiều ngày. Má múc một chén mắm cá cơm muối từ tháng hè, cho vào giữa nồi cơm đang sôi chưng lên. Cá nằm trong chum ngậm muối mấy tháng trời, mặn điếng nơi đầu lưỡi. Gắp một miếng và với cơm nóng, ngon không cơ quan nào tả nổi. Ba tôi hay tếu táo, vị chua vị chát thiếu được, chứ thiếu vị mặn coi như mất nửa phần đời.
3.
Khi viết những dòng này, tôi gọi điện hỏi anh bạn thời thơ ấu có còn nhớ tiếng rao “Ba muối, một lúa đây!”. Anh nghi vấn pha chút cảm thán: Chu choa, VNĐ cả rồi, mấy ai nhọc công gánh muối đổi lúa?
Thị trường hóa giúp mua bán dễ dàng hơn, chúng ta nên mừng vì điều đó. Những gì đã không còn hữu dụng, không có nghĩa là nó hoàn toàn biến mất. Nó vẫn tồn tại đâu đó dưới một hình thức khác, ví dụ như ký ức chẳng hạn, quan trọng là người ta có cơ hội để nhớ hay không mà thôi.
Còn đâu tiếng rao trưa mặn mòi năm cũ?
4.
Tôi giờ mải miết bước đời, rày đây mai đó. Ba tôi cũng “đi bán muối” vài năm rồi, có lẽ đã thoát thai hoán cốt ở một kiếp người khác. Một dạo, tôi đọc báo thấy những cái tít u ám: Sa Huỳnh: bán 50kg muối không đủ mua 2kg gạo hay 600 đồng/kg - Sa Huỳnh muối mặn trăm năm. Chợt nhớ đến sự chật vật của cô bán muối “trên vai nặng một gánh chồng” năm xưa. Thời nào cũng vậy, người dân vẫn còn những khó khăn riêng.
Ừ thì, thương nhớ thôi đâu thể gọi là đủ. Còn những trăn trở và hy vọng ở tương lai. Muối thương!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.