Tìm đường xuất ngoại cho sách Việt

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
12/10/2018 09:45 GMT+7

Hằng năm, ở các hội chợ sách quốc tế đều có gian hàng giới thiệu những ấn phẩm của VN nhưng chưa bao giờ việc tìm đường xuất ngoại cho sách Việt một cách bài bản và chuyên nghiệp của chính từng đơn vị xuất bản, đặt ra cấp thiết như hiện nay.

Trông người, ngẫm ta
Cách đây 4 năm, Chibooks là đơn vị xuất bản tư nhân đầu tiên đã mạnh dạn bỏ tiền mở gian hàng sách VN tại Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) trong 2 lần liền. Ở Hội sách quốc tế Bắc Kinh 2016, đơn vị này cũng trưng bày, giới thiệu rộng rãi nhiều đầu sách văn học và thiếu nhi Việt kèm các catalogue quảng bá bằng tiếng Anh, tự tạo ra nhiều “sự kiện” để các đối tác đến tìm hiểu.
Tuy nhiên, theo bà Lệ Chi, Giám đốc Chibooks: “Đó là cố gắng lớn của chúng tôi nhưng so với Indonesia thì chẳng nhằm nhò gì. Chính phủ bạn đầu tư cả triệu USD trước đó vài năm, chuyên tâm chọn ra vài trăm đầu sách bản địa hay, để dịch ra tiếng Anh nên rất dễ dàng trong việc thương thảo thì VN rõ ràng bị thua thiệt từ đầu bởi rào cản ngôn ngữ. Nhiều cuốn tôi mang sang nước bạn mới chỉ chuyển ngữ được 1 chương đầu tiên, trong khi đối tác cần trọn cả bộ. Chưa kể, đi kèm hội sách, một số quốc gia còn mang theo cả văn hóa của đất nước họ: ca nhạc, múa, tranh ảnh... kết hợp giao lưu với các nhà văn nổi tiếng, vô cùng thú vị. Malaysia còn tổ chức ẩm thực miễn phí, thu hút độc giả đứng xếp hàng dài để ăn uống thoải mái trước khi đến với... sách”.
Xung quanh chuyện toàn mang sách bản tiếng Việt sang các hội chợ sách quốc tế, ông Nguyễn Minh Nhựt, Tổng biên tập kiêm Giám đốc NXB Trẻ, cho biết thêm: “Tôi thấy đồng nghiệp quốc tế ghé mấy gian hàng của mình ngồi ngắm nghía, lật tới lật lui giống như người Việt đọc sách in bằng chữ... Ả Rập”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, chia sẻ: “Tôi được biết ở một số nước có hẳn cả quỹ riêng dành cho dịch thuật hoặc nhiều tập đoàn kinh tế sẵn sàng bỏ tiền để hỗ trợ dịch giả trong công việc truyền bá sách ra nước ngoài. Còn ở ta thì mạnh ai nấy làm, dù có muốn cũng không có điều kiện về kinh tế”.
Đi nhiều sẽ thành đường
Đến với Hội sách Frankfurt 2018 tại Đức (từ 11 - 14.10), NXB Trẻ chuẩn bị hàng loạt tựa sách được dịch sang bản tiếng Anh để chào hàng, như: I see yellow flowers in the green grass (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Nguyễn Nhật Ánh). Quyển này cũng từng được dịch sang tiếng Nhật và phát hành tại Nhật Bản; Open the windows, eyes closed (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần); nhiều tác phẩm của Dương Thụy như: Paris through closed eyes (Nhắm mắt thấy Paris), In the golden sun (Cung đường vàng nắng), Beloved Oxford (Oxford thương yêu), Across America (Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ)..., đồng thời giới thiệu 6 quyển sách trong tủ sách Nhất Nghệ Tinh - vốn được dịch từ tiếng Đức (sách của NXB Europa Lehrmittel ở Đức) sang tiếng Việt và hiện đã trở thành bản sách tiếng Việt đặc biệt dùng để dạy nghề quan trọng cho các chuyên ngành cơ bản, mang tính sư phạm cao, được in bản tiếng Việt đẹp tương đương sách gốc ở Đức. Theo ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Trẻ: “Ở thị trường Bắc Mỹ, chúng tôi chỉ đầu tư cho ebook, còn sách giấy tập trung cho thị trường Đông Âu với số lượng cộng đồng người Việt đông đúc. Chúng tôi phát hành vào mạng lưới cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, hội, trường học, câu lạc bộ, chùa với quyết tâm đi nhiều sẽ thành đường và không có đường thì phải tìm đường mà đi”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Từ trước đến nay, tôi có nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc do phía bạn dịch hoặc liên hệ trực tiếp với tôi đề nghị. Vậy, các NXB của ta cũng phải có tham vọng đưa văn học VN giới thiệu ra nước ngoài để văn chương được nâng tầm. Vừa mua bản quyền mang sách hay về dịch, vừa quảng bá sách Việt thì “có qua có lại” như thế, ngành xuất bản mới hoàn thành chức năng của mình”.
Bà Lệ Chi hiến kế: “Để sách Việt đi ra thế giới, cần có sự đầu tư to lớn của nhà nước và sự chung tay phối hợp với các đơn vị xuất bản năng động. Cần lên kế hoạch dài hạn và mục tiêu cụ thể. Sách Việt muốn đi ra nước ngoài, cần có sự đầu tư nghiêm túc phần dịch cả nguyên tác cuốn sách, lẫn làm các catalogue giới thiệu tác giả - tác phẩm, website giới thiệu bằng các thứ tiếng. Ngoài ra, việc liên kết nhiều đơn vị xuất bản năng động cùng quy tụ dưới một gian hàng lớn, đại diện cho giới xuất bản VN sẽ góp phần tăng thêm tính chuyên nghiệp, quy mô và gương mặt cho ngành xuất bản Việt”.
Đại diện Hội Nhà văn cũng tiết lộ đang xúc tiến với một tập đoàn kinh tế để tuyển chọn, dịch một số tác phẩm văn chương xứng đáng của VN cho xuất ngoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.