Tội nghiệp thay, âm nhạc!

28/12/2015 15:00 GMT+7

Nhạc sĩ là những con người lãng mạn, sống giữa đời hiện thực mà tâm hồn bay bổng tới mây xanh.

Nhạc sĩ là những con người lãng mạn, sống giữa đời hiện thực mà tâm hồn bay bổng tới mây xanh. 

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Năm 1902, nhạc sĩ Ý Ernesto de Curtis về làng Sorriento - một làng biển nghèo dân số không quá 3.000 người trên vịnh Napoli, cảm xúc mà viết ca khúc Come Back to Sorrento (Torna a Sorriento). 
Người đương thời đã cười Curtis, cho rằng tác phẩm âm nhạc cổ điển là phải vươn ra tầm thế giới chứ không thể “vịnh” về một cái làng vô danh nhỏ xíu như thế này được.
Thế nhưng, chính cái tâm tình thơ mộng và cảm xúc tràn đầy của tác giả cộng vào với nét nhạc sang trọng bay bướm đã khiến Torna a Sorriento nổi tiếng khắp thế giới. Kịp đến khi tiếng hát của danh ca Ý Luciano Paravotti cất lên với ca khúc này thì nó trở thành một ca khúc kinh điển trong những ca khúc kinh điển của thế giới. Người ta phải công nhận nó là một tác phẩm lớn trong âm nhạc cổ điển mà nhạc sĩ tài hoa Curtis đã để lại cho văn hóa loài người.
Tôi xin nói qua trường hợp “phê bình” khá tức cười về ca khúc Đi qua vùng cỏ non của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Trần Long Ẩn sinh ra tại Bình Định, quen biết với tôi khi chúng tôi cùng vào học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1966. Anh tham gia cách mạng, trở thành một nhạc sĩ tài hoa trong phong trào sinh viên đô thị miền Nam. Sau đó, anh đi kháng chiến. Nói chung, anh là một nhạc sĩ xuất sắc của dòng nhạc cách mạng.
Những năm sau 1975 ở miền Nam, lòng người chưa yên tĩnh. Một số các vị trí thức muốn bỏ nước ra đi; đa số ở lại đất nước nhưng vẫn còn ngại ngần, chỉ mong thủ phận một mình, chưa hội nhập với những hoạt động ủng hộ cách mạng của người trí thức yêu nước. Trong hoàn cảnh đó, Đi qua vùng cỏ non của Trần Long Ẩn ra đời. Ca khúc có một hình tượng ẩn dụ rất nghệ thuật về hình ảnh người trí thức chưa chịu hòa mình vào biển lớn của cuộc sống mới: “Những dòng sông đã lâu, không ra được biển rộng/ Là những dòng sông lạc loài, muộn phiền quanh vách núi/ Như gương không người soi”.
Ca khúc hát lên được đông đảo người nghe đồng cảm và khen là hay. Có điều ở thời điểm đó, người ta vẫn quen với điệu quân hành (marche militaire) rộn rã cho nên lại hơi dị ứng với điệu valse lente khoan thai của Đi qua vùng cỏ non. Có một vị quan chức lại hiểu rằng câu ca từ trên của Trần Long Ẩn là công khai kích thích cho nhiều người… vượt biên bằng đường biển. Vị ấy cho rằng đó là một biểu hiện sai trái về… lập trường, quan điểm. Ai nghe ông nói cũng cả cười; không hiểu làm sao trên đời lại có một người phê bình tác phẩm âm nhạc kiểu như vậy!
Trường hợp thứ hai là ca khúc Mùa thu chết của nhạc sĩ Phạm Duy. Ai yêu văn học Pháp cũng biết đến tên tuổi của nhà thơ lãng mạn Guillaume Apollinaire. Ai biết đến tên tuổi của Apollinaire cũng biết đến bài L’ Adieu (Giã biệt) danh tiếng của ông. Bài thơ chỉ gồm năm câu, được Bùi Giáng dịch ra Việt ngữ như sau: “Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo/ Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi/ Rằng đôi ta chẳng còn nhìn nhau nữa/ Cõi trùng lai không có ở trên đời/ Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo/ Xin nhớ cho rằng ta vẫn chờ em”. Tôi bảo đảm rằng bản dịch của Bùi Giáng là bản dịch tuyệt nhất về bài thơ này, bởi chỉ có Bùi Giáng tài hoa nghĩ ra được hai chữ “Sur terre” (diễn nôm là Trên trái đất) của Apollinaire ra thành một câu thần bút hoàn chỉnh “Cõi trùng lai không có ở trên đời”.
Nhạc sĩ Phạm Duy đem bài thơ viết thành ca khúc. Một ca khúc phổ thơ không chỉ máy móc viết với sáu câu vì viết như vậy là sai tính cân phương - một đặc điểm trở thành quy luật của nhạc pháp. Vì vậy, nhạc sĩ Phạm Duy phải viết dài hơn so với những gì đã có trong nội hàm của một bài dịch thơ. Và qua ca từ của ca khúc, ta mới thấy được cái biến báo tài hoa của ông.
Nếu bản dịch đã hay thì ca từ trong âm nhạc Phạm Duy lại càng bay bổng lãng mạn hơn: “Mùa thu đã chết, em nhớ cho/ Mùa thu đã chết, em nhớ cho/ Mùa thu đã chết, đã chết rồi, em nhớ cho/ Hai chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa/ Trên cõi đời này, trên cõi đời này”. Cái tài hoa của Phạm Duy là chỉ dùng một câu, một cụm từ mà chuyển thành các quãng âm khác nhau, khiến ca khúc càng hát nghe càng mới. Ông bỏ tựa đề Giã biệt của Apollinaire, lấy tựa mới là Mùa thu chết (L’ automne est morte), dựa trên câu thơ “Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”.
Bản nhạc ra đời từ năm 1968, thực sự trở thành bài tình ca nổi tiếng trong âm nhạc phía Nam thời ấy. Ca sĩ Lệ Thu và sau đó là Julie Quang hát bài này của ông rất tuyệt. Thế nhưng, có một vị hiếu sự chẳng hiểu gì hết về thi ca lãng mạn Pháp, cũng chẳng biết gì hết về bản dịch của Bùi Giáng, đem ca khúc Mùa thu chết và nhạc sĩ Phạm Duy ra “dần” một trận tơi bời. Đại để, bài “phê bình âm nhạc” của vị này gọi Mùa thu chết là một ca khúc phản động, gọi nhạc sĩ Phạm Duy là người… trù ẻo cho cuộc cách mạng mùa thu của chúng ta chết đi! Người ta sững sờ về cách hiểu và cách phê bình ấu trĩ về một tác phẩm âm nhạc như vậy.
Trường hợp thứ ba là ca khúc Mười năm tình cũ của Trần Quảng Nam. Ông Trần Quảng Nam yêu một người con gái và xa cô từ năm 1975. Mười năm sau, ông ngồi giở lại xấp ảnh cũ, nhìn thấy hình ảnh người bạn gái tươi vui, hồn nhiên trong những bức ảnh, bèn cảm xúc mà viết Mười năm tình cũ. Ca từ của ca khúc có những câu: “Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ/ Mây bay bao năm tưởng mình đã quên/ Như mưa bay đi một trời thương nhớ/ Em ơi bên kia có còn mắt buồn”.
Ca khúc dễ thương về nội dung ca từ dù về mặt nhạc pháp, sự sáng tạo và biến báo là không có gì đáng kể. Nếu phê bình về ca khúc ấy, người am hiểu âm nhạc chỉ nên nói về tính thiếu sáng tạo của các dòng nhạc; bởi từ đầu đến cuối, tác giả viết một câu nhạc và chỉ thay đổi các nốt nhạc trong câu ấy theo kiểu slow rock cũ. Thế nhưng, có một “nhà phê bình” chỉ đọc ca từ, viết hai kỳ tràng giang đại hải, cho rằng tác giả rất… phản động, còn lưu luyến chế độ cũ. Mười năm tình cũ có nghĩa là viết ở thời điểm năm 1985 để nhớ lại năm 1975!
Một trường hợp khác là… tôi. Khi còn làm ở Báo Thanh Niên, tôi nhận nhiệm vụ biên tập và kiêm nhiệm công tác xã hội. Một lần đi tắc ráng vượt qua vùng nước nổi ở khu tứ giác Long Xuyên, nhìn thấy bà con mình sống trôi nổi trên ghe thuyền, mưu sinh trên sóng nước, tôi cầm lòng không đậu, viết ca khúc Điệu buồn phương Nam. Câu kết của ca khúc “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi/ Thương những đời như lục bình trôi” đơn giản chỉ là sự chia sẻ một chút tâm tình với bà con sống trên sông nước - cái hình ảnh dễ thấy nhất ở miền Tây Nam bộ chúng ta.
Ca khúc ra đời được hát ở tất cả các đài phát thanh truyền hình phía Nam, sau đó là miền Trung và phía Bắc. Nhiều người thích ca khúc và hiểu được tấm lòng tôi với bà con nghèo, với kiếp sống thương hồ. Thế nhưng, có một ông ở một sở văn hóa thông tin thời ấy thì không hiểu như thế. Trong một lần họp với các đơn vị phối thuộc, ông phê bình nặng nề ca từ kết thúc ca khúc đó vì theo ông “Không có cuộc đời nào là lục bình trôi cả; tác giả rất yếu khi không nhận ra được những đổi thay tích cực trong đời sống nhân dân miền sông nước”!
Muốn phê bình một bộ môn văn hóa văn nghệ nào, có lẽ người phê bình cũng nên có một số am hiểu nhất định về bộ môn ấy. Âm nhạc là một nghệ thuật khá đặc thù bởi nó là một nghệ thuật qui ước; đầy rẫy những qui tắc sáng tác. Bài thơ làm mấy trăm câu cũng được nhưng ca khúc thì không nên dài hơn 68 ô nhịp; ca từ chỉ nên thu gọn dưới 160 chữ. Nó giản dị thu gọn trên một trang in A4 nhưng để có trang in ấy là cả một sự trăn trở, cảm xúc mãnh liệt.
Một lần, tôi ngồi nghe cuộc “thương thuyết” giữa viên phó giám đốc sở tài chính với viên giám đốc trung tâm văn hóa tỉnh. Ông văn hóa xin số tiền để trả tác quyền cho 10 ca khúc mới, mỗi ca khúc 5 triệu đồng. Ông tài chính lắc đầu quầy quậy vì theo ông, chỉ có mấy nốt nhạc và khoảng 100 chữ in trên tờ A4 mà trả 5 triệu thì nhiều quá. Theo ông, 500.000 đồng một bài là đủ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.