Trần Ly Ly: 'Thí sinh Bước nhảy Hoàn vũ ngất xỉu do chưa quen tập nặng'

13/04/2016 08:00 GMT+7

(iHay) Vị giám khảo này cho rằng thí sinh không thể giả bệnh nhưng cũng có một số trường hợp 'màu mè' một chút về tình trạng sức khỏe của mình.

(iHay) Là một trong những vị giám khảo theo sát thí sinh Bước nhảy Hoàn vũ 2016, Trần Ly Ly bác bỏ việc thí sinh liên tục ngất xỉu, đổ bệnh là 'dựng chuyện' PR. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận có 1 vài trường hợp 'màu mè', làm quá về tình trạng sức khỏe của mình. 

>> Vì sao hàng loạt thí sinh xin rút khỏi Bước nhảy hoàn vũ 2016?
>> Bước nhảy Hoàn vũ: Khánh My chấn thương chân, Jennifer Phạm dẫn đầu bình chọn

 'Khi thí sinh đổ bệnh, ngất xỉu mọi người đều nhìn thấy và các bác sĩ đều thấy nên họ không thể nào giả được. Có chăng là 'màu mè' lên một chút', biên đạo múa Trần Ly Ly chia sẻ - Ảnh: BTC
* Chào chị Trần Ly Ly, vừa qua liên tục có tình trạng thí sinh Bước nhảy Hoàn vũ đổ bệnh, ngất xỉu, có trường hợp nặng đến mức xin dừng thi. Với cương vị là giám khảo, là người theo sát thí sinh nhất, chị thấy có phải cuộc thi đang quá sức thí sinh?
Để tập luyện cho chương trình, các thí sinh phải rất cố gắng, trong 3-4 ngày là phải hoàn thành một bài thi. Ngoài ra, trình độ các thí sinh cũng không đồng đều khi có bạn đã được tập nhảy trước đó, có bạn hoàn toàn là con số 0. Chính vì là con số 0 nên có bạn sẽ bị căng thẳng, sẽ nỗ lực tập luyện nhiều hơn. Thế nhưng do chưa quen với cường độ làm việc nên sẽ bị ngất. Với vận động viên chuyên nghiệp, tình huống này còn xảy ra, chứ huống chi là người không chuyên. 
Thế nhưng, cũng phải nhấn mạnh, những trường hợp ngất xỉu thường xảy ra với những diễn viên chưa bao giờ có cường độ tập luyện dày đặc. 
* Chủ yếu là do vấn đề sức khỏe hay áp lực tâm lý, thưa chị?
Cả hai. Về sức khỏe là do các bạn chưa quen làm việc với cường độ lao động, vận động như thế. Kế đó là áp lực. Ai cũng muốn mình làm tốt. Trong khi đó, yêu cầu của các huấn luyện viên đưa ra là các bạn phải thực hiện trong khoảng thời gian rất ngắn.
* Nghĩa là càng tiến sâu vào vòng trong, cường độ tập luyện sẽ dày và khó hơn?

Cường độ tập luyện sẽ gia tăng theo thời gian. Không chỉ riêng về kỹ thuật mà còn về tổng thể diễn xuất, ý nghĩa của một tiết mục biểu diễn. Có đánh giá một bài nhảy hay hay không, không đơn thuần là bước nhảy mà là cả sự tổng hợp. Có những bạn không chỉ nhảy hay mà còn diễn hay. Chính vì vậy, yêu cầu phải càng ngày càng khó để các bạn có thể phát triển, vì các bạn cũng muốn được thử thách và áp lực nhiều hơn.Trong khi đó, có những bạn cả mùa chỉ nhảy đúng một điệu thì làm sao có thể đánh giá là tốt được. 

* Cường độ tập luyện cho mỗi mùa thi Bước nhảy Hoàn vũ có sự khác biệt không, vì trước đây đâu có tình trạng thí sinh liên tục ngất xỉu, thưa chị?

Cũng có xảy ra tương tự như vậy nhưng nó không nhiều, không liên tiếp. Sức khỏe thí sinh mỗi mùa cũng khác nhau. Có thể những thí sinh của mùa này không quen với chế độ tập luyện của thí sinh mùa trước nên vấn đề ngất xỉu hay không không thể đánh giá được trước. 
Chưa bao giờ Bước nhảy hoàn vũ liên tục xảy ra tình trạng thí sinh gặp vấn đề sức khỏe, xin dừng thi nhiều như mùa thi năm nay (2016) - Ảnh: T.L

* Chị nghĩ sao trước trường hợp thí sinh vin vào lý do sức khỏe để 'làm màu', PR?

Không, tôi không nghĩ thế. Vì khi thí sinh đổ bệnh, ngất xỉu, mọi người đều nhìn thấy và các bác sĩ đều thấy nên họ không thể nào giả được. Có chăng là màu mè lên một chút. Có nghĩa là sự việc có thể xảy ra nhưng mức độ chấn thương như thế nào thì phải hỏi bác sĩ, phải là chuyên môn thì mới biết được. 

* Vậy theo chị, có phải năm tiếp theo, chương trình nên chú trọng đến tiêu chí sức khỏe của thí sinh?

Tôi nghĩ do format của chương trình năm nay thay đổi nên áp lực của thí sinh khác so với những năm trước. Thứ nhất, ngay từ đầu, format của chương trình cũng đã thay đổi liên tục khiến cho tâm lý thí sinh ảnh hưởng, cái đó mình cũng nên xem lại. Còn thể lực là một chuyện khác, nếu muốn cho thí sinh có thể lực tốt nhưng lượng thí sinh đầu vào chỉ có bao nhiêu đó thì mình cũng không thể chọn lựa gì được. 
Nhìn chung, tôi cho là do format của chương trình có nhiều thay đổi nên đã ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh. 

* Bên cạnh đó, có phải việc mang giày khiêu vũ quá sớm (ngay từ những vòng thi đầu tiên) làm tăng áp lực cho thí sinh?
Cũng không hẳn. Tùy theo bài sẽ có yêu cầu mang giày nhảy hay không. Và tất nhiên, khi tập luyện thì phải đi giày nhiều.  

* Xin cảm ơn chị Trần Ly Ly đã chia sẻ!
Format chương trình Bước nhảy Hoàn vũ 2016 'rối như canh hẹ'
Từ mùa 1 đến mùa 6 Bước nhảy Hoàn vũ, chương trình theo nguyên bản format Dancing With The Stars (Khiêu vũ với ngôi sao) của Anh. Quy luật là mỗi thí sinh sẽ thi đấu đơn lẻ và sau mỗi đêm thi sẽ có một thí sinh bị loại (dựa trên số điểm tổng kết cuối Liveshow). 

Đến mùa thứ 7 (năm 2016), chương trình thay đổi luật chơi, lấy format của VIP Dance. Theo đó, 4 vị giám khảo Trần Ly Ly, Khánh Thi, Hồng Việt, Chí Anh sẽ giành những thí sinh về đội của mình trong tổng 12 thí sinh. Sau đó, các giám khảo sẽ huấn luyện và dàn dựng bài thi để các thí sinh trong đội đấu cùng các đội đối thủ.
Ở Liveshow 1 và 2, 2 đội sẽ được ghép cặp ngẫu nhiên để đấu với nhau. Đội có tổng điểm quy đổi thấp hơn sẽ bị loại 1 thành viên dựa trên số điểm cá nhân cuối cùng. Tuy nhiên, đến Liveshow thứ 2, do Trang Pháp rút lui (vì lý do sức khỏe) nên không có ai bị loại.

Đến Liveshow thứ 3, 2 đội còn 3 người sẽ đấu với nhau, 2 đội còn 2 người sẽ đấu với nhau, để tìm ra 2 đội thấp điểm hơn. Luật chơi ở Liveshow này bất ngờ thay đổi, thí sinh sẽ bị chính huấn luyện viên của mình lựa chọn loại, chứ không còn tính theo điểm số. 

Ở Liveshow thứ 4, Bước nhảy Hoàn vũ lại một lần nữa thay đổi luật. Các thí sinh không còn chia đội và đấu với nhau như quy định lúc đầu mà bước vào thi đấu độc lập. Từ đây, thí sinh cũng được phép lựa chọn vị huấn luyện viên tư vấn cho bài thi của mình. Điều đáng nói, tuy Lâm Chi Khanh đã chủ động xin rút lui nhưng Diệu Nhi vẫn bị loại trong Liveshow 4 (khác hẳn với Liveshow 1). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.