Trăn trở về phát triển các trường văn hóa nghệ thuật

12/10/2019 08:31 GMT+7

Những khó khăn, vướng mắc của các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) hiện nay là vấn đề nổi cộm của tọa đàm Giải pháp phát triển các trường văn hóa nghệ thuật , diễn ra sáng qua 11.10 tại TP.HCM.

Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình giao lưu các trường VHNT toàn quốc lần thứ XI - 2019, với sự tham gia của đông đảo đại diện các trường VHNT trên cả nước. Có 16 tham luận đến từ các trường VHNT gửi về. Các tham luận tập trung vào những vấn đề: giải pháp mang tính định hướng chiến lược, phát triển các trường VHNT thông qua sự liên kết, phát huy thế mạnh của từng trường, từng địa phương nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động cho xã hội; sự cân nhắc trong sáp nhập các trường VHNT với các trường đào tạo khác; giải pháp bảo tồn và phát huy các ngành nghệ thuật truyền thống nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc và xu hướng tiếp nhận những giá trị nghệ thuật mới trên thế giới trong bước đường hội nhập toàn cầu.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Trương Nguyễn Ánh Nga, Hiệu trưởng Trường cao đẳng VHNT TP.HCM, nhìn nhận trong những năm qua, các trường VHNT trên cả nước đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo được hàng nghìn sinh viên, học sinh các ngành văn hóa, nghệ thuật và du lịch, cung cấp nguồn nhân lực lớn cho đời sống VHNT. Đơn cử như ở Trường cao đẳng VHNT TP.HCM, không chỉ sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên có cơ hội tham gia hoạt động ở các lĩnh vực biểu diễn, mà có những sinh viên được các đơn vị sản xuất mời làm việc khi còn đi học. Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn - phụ trách Khoa Sân khấu, Trường cao đẳng VHNT TP.HCM, cho biết một số ca sĩ, diễn viên nổi bật là sinh viên của khoa trong những khóa gần đây như Nguyễn Tâm Anh khóa 17 (Quán quân chương trình Tôi là diễn viên - 2015, á quân gameshow Làng hài mở hội - 2017), Nguyễn Hồng Thanh khóa 18 (quán quân game show Cười xuyên Việt - 2017), Hoàng Ngọc Sơn khóa 19 (á quân Thần tượng Bolero 2017, ảnh) cùng các gương mặt trẻ tham gia nhiều vai diễn trong phim điện ảnh, truyền hình
Tuy nhiên, tọa đàm cho thấy các trường VHNT cũng gặp không ít khó khăn về nhiều mặt như: vấn đề tuyển sinh, sáp nhập, chất lượng giáo dục, đầu tư phát triển và công tác tự chủ... Tham gia thảo luận, các ý kiến tại tọa đàm đã đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho các trường VHNT. Bên cạnh đó, tham luận của Th.S Huỳnh Thị Kim Trúc, giảng viên bộ môn kiến thức cơ bản - Trường CĐ VHNT TP.HCM, nêu vấn đề được quan tâm hiện nay: cần có sự thống nhất trong điều hành quản lý, vì một trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao có tới 3 bộ quản lý: Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, dẫn đến chồng chéo về cơ chế quản lý, thực hiện chính sách và các quy định về quy trình, chương trình, mục tiêu đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh...
Có mặt tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông và Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh đã ghi nhận ý kiến, kiến nghị từ các trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.