"Trăng nơi đáy giếng" – phim chỉ để dự liên hoan?

06/02/2009 09:42 GMT+7

Không nên tự gán cho mình tư duy làm phim là chỉ gửi đi dự các liên hoan phim, nhất là khi phim được làm bằng tiền tài trợ của Nhà nước (gần 1,2 tỉ đồng) Bộ phim Trăng nơi đáy giếng (Hãng phim Giải Phóng sản xuất; được tài trợ bởi Quỹ Fond Francophone và Fonds Sud của Pháp; đạo diễn: Vinh Sơn) đã được mời tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế: Rotterdam, Busan, Dubai và diễn viên Hồng Ánh- diễn viên chính trong phim- cũng đã vinh dự nhận được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc, giải thưởng dành cho phim Á – Phi tại Liên hoan Phim Dubai vào tháng 1-2009.

Thế nhưng, sau khi trở về từ liên hoan này, bộ phim Trăng nơi đáy giếng lại tiếp tục “cho vào kho”, chưa biết đến khi nào mới có thể ra mắt công chúng Việt Nam.

Bao giờ khán giả được xem phim?

Ông Nguyễn Thái Hòa – Giám đốc Hãng phim Giải Phóng - nói rằng có thể Trăng nơi đáy giếng sẽ được ra mắt vào ngày 30-4 tới. Nhưng vẫn chỉ là dự kiến. Ông cũng tỏ ra ngần ngại và không đồng ý chia sẻ về những khó khăn có thể có trong kế hoạch ra mắt bộ phim.

Được gửi đi tham dự các liên hoan phim, bộ phim Trăng nơi đáy giếng cho đến thời điểm này vẫn chỉ mới chiếu cho các thành viên Hội đồng Duyệt phim quốc gia xem. Thông tin về bộ phim này gặt hái được ít nhiều thành công tại Liên hoan Phim Dubai cũng khiến không ít khán giả chờ đợi được thưởng thức. Nhưng hiện nay, trong kế hoạch chiếu phim sau Tết tại các rạp vẫn chưa có tên phim Trăng nơi đáy giếng.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nói đạo diễn chỉ làm phim, còn quyết định thời điểm ra mắt bộ phim thuộc về nhà sản xuất. Nhưng cho đến nay, Hãng phim Giải Phóng vẫn khá “im hơi lặng tiếng” trong việc tổ chức công chiếu bộ phim.       

Bộ phim Trăng nơi đáy giếng gần như đi theo vết mòn của phim Rừng đen của đạo diễn Vương Đức. Trước đây, khán giả cũng cảm thấy ngậm ngùi khi một bộ phim từng tạo ấn tượng tại Giải Cánh diều 2007 của Hội Điện ảnh Việt Nam đã bị “nằm kho” suốt gần một năm mới được ra rạp. Rừng đen không phải là một bộ phim dở, nhưng lại ra rạp không đúng thời điểm. Những thông tin mà báo chí viết về Rừng đen trong thời điểm diễn ra Giải Cánh diều 2007 ít nhiều khiến khán giả chờ đợi được xem, nhưng phim chẳng thấy đâu. Và sự háo hức của khán giả không còn trước hàng loạt phim ngoại “bom tấn” thay nhau xuất hiện.

Ngày bộ phim muộn màng ra mắt báo giới, thấy đạo diễn Vương Đức mỉm cười hài lòng vì tác phẩm của mình cuối cùng cũng được trình chiếu trên màn ảnh rộng mà ngậm ngùi thay cho những người làm phim Việt Nam. Suốt 3 tháng trời đoàn phim phải sống trong rừng thẳm đầy khổ nhọc để có những thước phim chân thực và khốc liệt, nhưng con đường đến với khán giả thật gian nan.

Với Trăng nơi đáy giếng, đạo diễn Vinh Sơn cùng đoàn làm phim phải mất nhiều thời gian để chăm chút cho từng góc máy, từng bối cảnh cho một câu chuyện sâu lắng ở không gian Huế mượt mà và cổ kính. Một tác phẩm điện ảnh được làm đầy tâm huyết của một đội ngũ yêu nghề và sáng tạo như thế đã đi trong hành trình âm thầm mà chưa biết khi nào mới có thể gặp được khán giả.

Bài học từ Áo lụa Hà Đông

Đạo diễn Vinh Sơn chia sẻ: “Khi làm một bộ phim điện ảnh, đạo diễn cũng đã có sự lựa chọn cho mình. Chọn góc nhìn, đánh giá của các nhà phê bình, giới chuyên môn hay là khán giả. Tôi biết đường đi của bộ phim mình như thế nào. Tôi muốn gửi tác phẩm của mình đi tham dự một số liên hoan phim trước. Và tôi cũng hiểu rằng một bộ phim mang nội dung như Trăng nơi đáy giếng sẽ rất kén khán giả. Tôi không nghĩ Rừng đen ít khán giả vì thiếu chiến lược giới thiệu, quảng bá mà cơ bản là những phim mang nội dung có chất riêng tư thì không thể có nhiều khán giả được. Thật sự là như vậy”.

Diễn viên Hồng Ánh cho rằng: “Tôi nghĩ có thể phim chiếu sẽ không có nhiều khán giả. Nhưng tôi có niềm tin tuyệt đối rằng những ai đến xem Trăng nơi đáy giếng sẽ là những khán giả yêu điện ảnh thực thụ”.

Trăng nơi đáy giếng không thuộc dòng phim thương mại. Kịch bản phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai, nói về bi kịch trong cuộc sống gia đình của người phụ nữ. Một người vợ vì không thể sinh con đã chấp nhận tìm vợ khác cho chồng để rồi mỗi ngày sống trong lặng lẽ và cay đắng khi nhìn chồng vui đùa cùng người vợ mới. Chị đã tìm đến thế giới tâm linh – tôn thờ một người chồng bằng tượng – để nguôi ngoai niềm đau tê tái trong lòng mình... Cả tác phẩm là một sức nặng nội tâm mà diễn viên phải thể hiện.

Dù không phải là một phim có nhiều tình tiết gay cấn, hoặc không có yếu tố giật gân, câu khách như những phim thương mại khác nhưng không vì thế mà những nhà làm phim thiếu niềm tin vào khán giả. Phim hay ắt  không thiếu người xem. Không nên tự gán cho mình tư duy làm phim là chỉ gửi đi dự các liên hoan phim, nhất là khi phim được làm bằng tiền tài trợ của Nhà nước (gần 1,2 tỉ đồng). Vấn đề không phải là đề tài ăn khách hay không như nhiều người thường nghĩ mà là cách tiếp thị, quảng bá và chọn thời điểm đưa ra rạp chiếu lúc nào để có thể thu hút được công chúng.

Thực tế cho thấy, phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh từng mang về doanh thu cho Hãng phim Phước Sang hàng chục tỉ đồng cũng là phim có đề tài không mang tính thương mại nên cũng chẳng có yếu tố giật gân câu khách nhưng đã thu hút hàng trăm ngàn người xem nhờ nhà sản xuất biết cách tiếp thị.  Nếu Áo lụa Hà Đông lọt vào tay các hãng Nhà nước ắt hẳn cũng chung số phận như Rừng đen hay Trăng nơi đáy giếng bây giờ.

Cho dù nhận được nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc tế đi chăng nữa thì một tác phẩm điện ảnh vẫn cần phải có sự nhìn nhận của công chúng mới có giá trị.

Theo Tiểu Quyên/ NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.