Tránh cực đoan khi bảo tồn áo dài

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/11/2020 07:11 GMT+7

Theo PGS-TS Trang Thanh Hiền (ĐH Mỹ thuật Việt Nam), cho dù cần nhận dạng áo dài truyền thống cũng vẫn cần chấp nhận những mong muốn khác nhau của người mặc, không nên cực đoan.

Tại hội thảo “Trang phục áo dài truyền thống: Bảo tồn và phát triển trong xã hội hôm nay” (do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, nhóm Đình làng Việt tổ chức ngày 21.11), nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã giới thiệu bộ áo dài ngũ thân nam để nói về sự thú vị của nó.
Bộ trang phục này, theo ông Bách, được may bằng mẫu vải phúc thọ phú quý và tay áo liền thân chứ không cắt rời rồi ghép như chiếc áo sơ mi Âu.
“Ngày xưa thì nối vai, rồi nối thêm một đoạn tay (ở lưng chừng cánh tay - NV) vì khổ vải chỉ có 90 phân. Nhưng bây giờ, khổ vải lớn rồi và có thể cắt áo dài mà không cần nối. Như chiếc áo này không nối”, ông Bách nói. Ông Phạm Văn Tuyền, Giám đốc Công ty áo cưới A Soẻn, TP.HCM, cho biết thêm với khổ vải lớn như hiện nay, chiếc áo dài ngũ thân không còn phải nối tay. Chưa kể miếng trắng lé ở cổ áo dài, theo thẩm mỹ hiện nay, càng ngày càng nhìn rõ hơn. Theo quan điểm của người sử dụng thì điều này giúp chiếc áo có vẻ sang hơn và giúp ấm cổ hơn vào mùa lạnh. Tuy nhiên, ông Trịnh Bách cũng “khoanh” những đặc điểm của áo dài truyền thống, chẳng hạn, bên trong áo dài bao giờ cũng có một áo cánh…
PGS-TS Trang Thanh Hiền (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) thì cho rằng với việc không chít eo và không quá dài, chiếc áo dài ngũ thân giúp người mặc chuyển động dễ dàng. Vẻ đẹp chiếc áo hướng tới không phải là vẻ đẹp của những đường cong mà là vẻ đẹp của chất liệu, tài khéo của người may. Chính vì thế, triết lý của áo dài ngũ thân khác hẳn với áo dài mà họa sĩ Cát Tường biến đổi sau này - những chiếc áo dài khoe sự nhỏ nhắn của vòng eo, sự đầy đặn của vòng 1, độ dài của chân. “Hai triết lý khác nhau dẫn đến cách cắt may khác nhau. Vì vậy, cho dù cần nhận dạng áo dài truyền thống cũng vẫn cần chấp nhận những mong muốn khác nhau của người mặc, không nên cực đoan”, bà Hiền nói.
Một sự thay đổi nữa là hiện nay nam giới mặc áo dài truyền thống nhiều hơn trước kia. Ông Nguyễn Đức Bình - sáng lập viên nhóm Đình làng Việt, lý giải: “Áo dài nam khi mặc cũng tiện dụng, phối được với quần tây, giày tây”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.