Tranh thêu vào Bảo tàng lịch sử

23/11/2009 23:55 GMT+7

Ít ai ngờ rằng làng thêu Quất Động (thuộc Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) lại trở thành câu chuyện chính trong sưu tập chuyên đề Đan thanh - Nghề thêu truyền thống Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, từ ngày 23.11.

Ngày nay, nghề thêu dường như trở nên quá phổ biến. Nó xuất hiện ở hầu khắp các vùng, miền, với những sản phẩm quá đỗi thông dụng và chất lượng thì “vàng thau lẫn lộn”. Thế nhưng, những địa phương còn níu giữ được nghề thêu truyền thống (bằng thủ công) lại không nhiều. Sự thăng trầm của làng thêu Quất Động là một ví dụ sinh động.

Có từ lâu đời

Theo TS Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ngay từ thế kỷ I, người Việt cổ đã biết dệt các loại vải, lụa mịn, khăn sợi bông, thêu các chữ nhỏ và các hoa văn đẹp mắt. Thế kỷ XI - thời Lý, sử sách cũng nhắc đến việc Vương phi Ỷ Lan dạy thêu thùa cho các cung nữ - như một minh chứng cho sự tồn tại và được ưa chuộng của nghề thêu. Tuy nhiên, nghề thêu chỉ thực sự trở thành nghệ thuật chơi sắc màu (còn gọi là “đan thanh”) vào thế kỷ XVII với công lao của tiến sĩ Lê Công Hành, người làng Quất Động. Sau khi đi sứ, Lê Công Hành đã học được và truyền dạy cho dân Quất Động kỹ thuật thêu từ Trung Hoa.

Những người thợ lành nghề làng Quất Động đã đặt chân tới đất kinh kỳ từ thế kỷ XVII, lập hẳn một đoạn phố (gọi là phố Hàng Thêu) để sinh sống và buôn bán. Đoạn phố này chỉ dài khoảng 40m, nhưng theo sử sách thì mức sầm uất chẳng kém những con phố phát triển bậc nhất của Thăng Long. Hàng hóa thêu bày bán khi ấy không chỉ phục vụ cho các bậc quan lại, chức sắc, mà còn rất nhiều mẫu mã phục vụ các nghi lễ truyền thống, đồ thờ cúng hoặc các y môn cho đình, chùa.

Bộ sưu tập chuyên đề Đan thanh - Nghề thêu truyền thống Việt Nam có số lượng khá "khiêm tốn": chỉ hơn 30 tiêu bản có niên đại những năm 20 và 30 đầu thế kỷ XX. Trong đó, chiếm phần lớn bộ sưu tập là đề tài có mô-típ hoa điểu - vốn là đặc trưng của quy phạm văn hóa thời kỳ trung đại: chim công - hoa phù dung, chim trĩ - hoa phù dung, trúc - hạc, sen - vịt, tùng - hạc, phượng hoàng đậu trên cây phong... Các tác phẩm này cũng thể hiện rõ nhất đặc trưng của nghệ thuật thêu thời phong kiến - từ cách phối màu, kỹ thuật thêu, tên tranh và tên người cung tiến. Số còn lại là các sưu tập tranh thêu về đề tài động vật (tranh gà, tranh hổ), tranh sinh hoạt (vinh quy bái tổ), tranh Tam đa (Phúc - Lộc - Thọ).

Chỉ còn "vang bóng"...

Lấy tên chuyên đề trưng bày là Đan thanh - Nghề thêu truyền thống Việt Nam, nhưng chỉ có một đại diện tham dự - làng thêu Quất Động, ông Phạm Quốc Quân giải thích: "Hầu hết các làng nghề đều biến động theo chiều hướng mai một vì lao động thủ công truyền thống bị thay bằng lao động máy móc. Quất Động là một thí dụ tiêu biểu".

Theo ông Trịnh Đình Miền, Phó chủ tịch UBND xã Quất Động, Quất Động ngày nay có diện tích 400 ha, gồm 8 thôn với 1.900 hộ. Nhưng nếu như đầu thập niên 80, Quất Động có tới 90% hộ dân theo đuổi nghề thêu truyền thống thì sau giai đoạn Đổi mới kinh tế (từ 1986 đến nay), các dự án khu công nghiệp đã chiếm hơn một nửa diện tích đất ở Quất Động, thu hút hầu hết nhân lực, khiến cho nghề thêu truyền thống bị chối bỏ. Giờ đây, ở Quất Động, phần lớn dân số đã chuyển sang làm cho các khu công nghiệp, hoặc buôn bán. 

Bên cạnh đó, số hộ còn theo đuổi nghề thêu ở Quất Động ngày nay cũng không mấy ai duy trì được các kỹ thuật, mẫu mã truyền thống. “Họ (thợ thêu - PV) chủ yếu tự tìm kiếm đối tác và thêu hàng theo yêu cầu của đối tác. Mẫu mã nào họ cũng làm. Tiền thì từ 400.000 đồng đến 5 triệu đồng/bức tranh thêu”, ông Miền cho biết.

Quất Động từng có 4 nghệ nhân thêu được phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia. Nhưng đến nay, 1 nghệ nhân đã mất, 2 nghệ nhân già yếu và 1 nghệ nhân thì đã ra Hà Nội định cư cùng con cháu, bỏ lại nghề của ông cha. “Chúng tôi mải làm giàu nên đã xao nhãng việc đề xuất phong tặng danh hiệu và hỗ trợ cho các nghệ nhân”, ông Miền xót xa thừa nhận.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.