Trí thông minh nhân tạo, khuynh hướng mới nhất của thời trang

Hoàng Thắng
Hoàng Thắng
28/02/2019 10:01 GMT+7

Trí thông minh nhân tạo (AI) đã có những ứng dụng nổi bật ở nhiều lĩnh vực, từ xe hơi tự động đến điều hành kiểm soát tài chính, chẩn đoán y khoa và nay đang nhanh chóng rẽ sang ngành thời trang.

Do số lượng các công ty thời trang ngày càng tăng nhanh, trí thông minh nhân tạo càng được sử dụng nhiều trong dự báo khuynh hướng, tạo ra sản phẩm và tương tác với các nhà cung cấp lẫn khách hàng, giúp các thương hiệu bành trướng, tăng lợi nhuận.

Thay sức người bằng AI

Trong ngành công nghiệp thời trang, khả năng trích xuất và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ cho ra hiệu quả cuối cùng của AI dẫn đến nhiều ứng dụng thực tiễn. Trong thời đại “thời trang nhanh” ở thế giới online, các nhà thiết kế, cung cấp và bán lẻ luôn chịu áp lực là phải dự đoán người tiêu dùng muốn gì để có ngay các mặt hàng đáp ứng. Hiện nay, khuynh hướng thời trang đã thay đổi hằng tuần, thậm chí hằng ngày, chứ không chỉ vài lần một năm như xưa. Rồi có một thực tế khác, con người không thể xử lý chớp nhoáng tất cả những mảng dữ liệu từ cá nhân người dùng đến toàn bộ thị trường, từ số liệu bán hàng đến các phản ánh đánh giá sản phẩm. Có trí thông minh nhân tạo, từng ấy khối công việc sẽ được thực hiện nhanh gọn, chính xác gấp nhiều lần.

Nghề tạo mẫu thời trang (Stylist) cần AI

Trí thông minh nhân tạo càng ngày càng được sử dụng để dự đoán xem cá nhân người dùng hoặc nhóm khách hàng nào sẽ mua sản phẩm thời trang gì. Thương hiệu Burberry đã đi tiên phong trong việc tận dụng AI như một stylist cho mục đích này. Họ thu thập dữ liệu khách hàng có được từ iPad của nhân viên bán hàng những lúc khách vào tiệm mua đồ. Nhờ đó, các nhân viên dễ dàng góp ý cho từng cá nhân người mua. Trong một cửa hàng kiểu mẫu ở Hồng Kông, hai hãng Alibaba và Guess mới đây đã thử nghiệm một hệ thống gọi là Fashion AI, trong đó những tấm gương thông minh đã được sử dụng để phân tích một bộ trang phục mà khách hàng cầm săm soi hoặc đang thử để đưa ra lời gợi ý khách nên mua kèm thêm những trang phục hay phụ kiện gì. Mỗi món quần áo trong tiệm đều được tích hợp công nghệ Bluetooh và RFID, nên gương thông minh thậm chí còn biết báo cả cho nhân viên đem ra các thứ cho khách hàng chọn lựa.

Còn Dtitch Fix, một công ty mới khởi nghiệp bán hàng thời trang trực tuyến năm ngoái, nay cũng đang có riêng một stylist ảo tích hợp AI. Công việc của “nhân vật” này là dựa vào kho dữ liệu về sở thích người dùng, những gì khách post lên Instagram và Pinterest cũng như các lời bình, nhận định về sản phẩm của hãng xuất hiện trên mạng để chọn hàng thích hợp cho khách. Tận dụng thực tế khách hàng không có đủ thời gian lọc lựa và quyết định, các công ty nhờ đến AI để giúp họ có những trải nghiệm mua sắm dễ dàng, hợp ý và tin vào cửa hàng hơn.

Những tấm gương thông minh sẽ giúp khách hàng chọn quần áo theo ý thích Ảnh: Shutterstocks

Trí thông minh nhân tạo “làm” trợ lý thiết kế

Khả năng xử lý dữ liệu và hình ảnh của AI đã chen chân vào cả quá trình thiết kế thời trang. Đầu năm 2018, nhà thiết kế Tommy Hilfiger đã bắt tay với IBM và Viện Công nghệ Thời trang Mỹ thực hiện dự án “Reimagine Retail”. Các sinh viên của Viện đã sử dụng công cụ Research AI của IBM truy cập vào kho thư viện những bộ sưu tập cũ của Hilfiger để sáng tạo những thiết kế mới cho nhãn hàng. AI “rảo” qua hàng chục ngàn hình ảnh và thông số trong kho dữ liệu, từ đó gợi cảm hứng cho óc sáng tạo của các sinh viên. Nó cũng giúp Hilfiger phân tích hiệu suất bán hàng, đánh giá của người dùng về mỗi mặt hàng trong bộ sưu tập cũng như khuynh hướng thời trang tương lai, để từ đó nghĩ ra được hướng thiết kế những bộ sưu tập mới.  

AI đối đầu bản quyền pháp lý

Cuối cùng, trong ngành công nghiệp thời trang, hai nỗi ám ảnh luôn lởn vởn trong đầu các thương hiệu lớn là tệ nạn hàng giả và hàng nhái, tức vấn đề bản quyền thiết kế của các bộ sưu tập. Trí thông minh nhân tạo cũng lại được nhắm đến để họ có thứ vũ khí hữu dụng chống lại nỗi lo này.

Về vụ hàng giả, AI góp phần với những giải pháp công nghệ khiến người tiêu dùng dễ dàng phân biệt tính thực, hư của sản phẩm. DataWeave, một giải pháp chống hàng giả của AI, có thể giúp phát hiện sản phẩm thời trang nhái rao bán trên mạng, lật tẩy hình ảnh không đúng với catalogue chào hàng, hoặc vạch mặt nhãn “đểu” bắt chước thương hiệu chính hãng. Entrupy lại là một công cụ AI khác giúp chỉ điểm các món quần áo nhái bằng cách dựa vào dữ liệu để so sánh chúng với hàng thật, độ phát hiện chính xác đến 95%.   

Khó khăn lớn nhất với AI là luật bản quyền. Ở Mỹ, cho đến nay luật mới chỉ công nhận quyền sở hữu trí tuệ do con người sáng tạo. Khi AI trực tiếp làm ra, thậm chí chỉ nhúng tay ít nhiều, bản quyền sẽ không được công nhận cho công ty sử dụng AI. Thế nên, nếu hàng có bị nhái, sao chép, thương hiệu không thể kiện cáo. Nhưng tại Anh, luật ở đây đã quy định, bản quyền một sản phẩm do máy móc tạo ra sẽ thuộc vào nhà phát triển phần mềm. Vướng mắc hiện nay là, trong trường hợp người nghĩ ra ý tưởng cho sản phẩm thuê công nghệ AI góp tay hình thành món hàng, họ sẽ có bao nhiêu phần trong bản quyền ấy?

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của AI, ngành công nghiệp thời trang chắc chắn sẽ tự tìm được các ứng dụng thích hợp, đồng thời sớm muộn cũng phải nghĩ cách giải quyết các vấn đề tồn tại về pháp lý. Bất chấp trở ngại, trí thông minh nhân tạo vẫn là một khuynh hướng thời trang mới nhất, và sẽ bắt rễ để tồn tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.