Trường học lo vì được xếp hạng di tích

08/07/2015 05:57 GMT+7

TP.HCM có 4 trường học vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố là THCS Hồng Bàng, THPT Marie Curie, THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, vẫn còn những ngôi trường “xưa” không kém nhưng lại... chưa muốn được xếp hạng.

TP.HCM có 4 trường học vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố là THCS Hồng Bàng, THPT Marie Curie, THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, vẫn còn những ngôi trường “xưa” không kém nhưng lại... chưa muốn được xếp hạng.

Trường THPT Trưng Vương gần 100 tuổi ở Sài Gòn xây dựng theo kiến trúc Pháp - Ảnh: Quỳnh Trân
Trường THPT Trưng Vương gần 100 tuổi ở Sài Gòn xây dựng theo kiến trúc Pháp - Ảnh: Quỳnh Trân
Nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm yên tĩnh và rợp mát bóng cây, Trường THPT Trưng Vương (Q.1) với tuổi thọ gần 100 năm lại chưa có tên trong danh sách được xếp hạng di tích lần này.
Làm sao để sau khi xếp hạng di tích, trường học phải được đầu tư khang trang và hoàn thiện, xứng tầm với tên gọi là di tích cấp thành phố, đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh, học sinh và cũng là mong ước của nhà trường, chứ để xuống cấp coi sao được
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng,
Hiệu phó Trường THPT
 Marie Curie
Sáng 7.7, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường, nhiệt tình đưa chúng tôi đi tham quan toàn bộ ngôi trường vào loại đẹp nhất Sài Gòn, được xây dựng năm 1917. Nơi đây trước kia là quân y viện của người Pháp, tới năm 1954 mới sửa chữa lại toàn bộ để chuyển đổi công năng đón họ sinh vào học.
Điểm độc đáo nhất của trường là những kiến trúc xưa: cầu thang bộ bằng gỗ, mái vòm, mái ngói, rui mè, màu sơn... hầu như được giữ nguyên vẹn theo hiện trạng, kết cấu và kiểu dáng ban đầu.
Tuy vậy, theo thời gian, nhiều hạng mục của trường cũng đang xuống cấp. Khu vực hành lang kết nối dãy phòng học với những phòng chức năng xây dựng thêm sau này ghép tựa vào nhau có hiện tượng bị lún, nứt. Phần nền ở tầng 2 nghiêng đổ xuôi xuống, nhiều mảng bê tông trên trần dễ bong tróc khá nguy hiểm, một số khu vực tại tầng 1 bị sụt cần phải sửa chữa gấp. Nhà trường đang xin dự án của Sở GD-ĐT và thành phố để đầu tư, nâng cấp nhằm đảm bảo mỹ quan và độ an toàn cho học sinh nhưng chưa nhận được đồng ý.
“Làm hồ sơ để được xếp hạng di tích cho ngôi trường có lịch sử gần 1 thế kỷ ở Sài Gòn, đó là niềm vui và vinh dự cho trường. Nhưng điều trăn trở của Ban giám hiệu là khi thành phố công nhận di tích rồi thì việc xây dựng, sửa chữa để có cơ sở vật chất tốt đáp ứng việc dạy và học, đảm bảo yêu cầu giáo dục đặt ra trong thời gian tới sẽ giải quyết ra sao đây? Rồi nếu di tích xuống cấp không sửa chữa kịp, dư luận phản ánh sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu nhà trường, tác động tới tâm lý học sinh và phụ huynh, thì chúng tôi biết giải thích như thế nào? Ngổn ngang như thế nên năm 2014, khi nhận được văn bản đề nghị từ Sở VH-TT về việc làm hồ sơ xếp hạng di tích mà không có hướng dẫn, tư vấn gì cụ thể, chúng tôi cứ lấn cấn mãi. Định sửa chữa trường xong rồi mới... tính tiếp vậy”, cô Thủy bộc bạch.
Những vết nứt chạy dài trên trần của Trường THPT Trưng Vương
Những vết nứt chạy dài trên trần của Trường THPT Trưng Vương
Trong khi đó, tiếp PV Thanh Niên, dù niềm vui Trường THPT Marie Curie vừa được xếp hạng di tích còn rạng ngời, nhưng thầy Hiệu phó Nguyễn Mạnh Hùng vẫn không giấu nỗi ưu tư khi một số hạng mục ở khu C (gồm 15 phòng học) của trường đang bị nghiêng lún. Sở Xây dựng ra hẳn khuyến cáo không cho học sinh đến khu vực này. Dãy khu D trường đang có kế hoạch xây dựng lại bằng dự án kích cầu của nhà nước nhưng vẫn loay hoay chờ các thủ tục để khởi công.
Trong khi phòng ốc thiếu thốn, nhà trường đành lòng nhìn nhiều phụ huynh phải chuyển con em ra các trường dân lập khác để học. Một số biệt thự xung quanh nằm trong khuôn viên của trường, dù nhà nước đã thu hồi xong, nhưng vẫn nằm treo chờ tôn tạo, khôi phục với chi phí không hề nhỏ. “Làm sao để sau khi xếp hạng di tích, trường học phải được đầu tư khang trang và hoàn thiện, xứng tầm với tên gọi là di tích cấp thành phố, đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh, học sinh và cũng là mong ước của nhà trường, chứ để xuống cấp coi sao được”, thầy Hùng tâm sự.
Vì sao trường THPT Lê Quý Đôn chưa được xếp hạng di tích ?
Nhiều người thắc mắc Trường THPT Lê Quý Đôn là ngôi trường đẹp, lâu đời nhưng vì sao đến nay chưa được xếp hạng di tích.
Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT) TP.HCM, là ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, xây dựng cách đây 140 năm, đáng lẽ ra Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ được vinh danh trong đợt này. Tuy nhiên, hồ sơ chưa hoàn thiện theo yêu cầu vì đơn vị tư vấn nộp thiếu bản vẽ phần khu vực trường THCS nên phải chỉnh sửa lại để công nhận vào đợt tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.