Truyện Kiều, 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục VN - Kỳ 1: Ông giáo dạy toán mê Kiều

16/05/2005 22:03 GMT+7

Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã ra đời được hai thế kỷ và đã làm say mê biết bao thế hệ người Việt suốt 200 năm. Theo thời gian, đã hình thành những hình thức "văn hóa Kiều" rất phong phú và đa dạng trong dân gian... Ở TP.HCM có một ông giáo già "lỡ yêu" nàng Kiều từ dạo còn thanh niên, và sau 40 năm nghiên cứu, ông đã phát hiện quá nhiều điều lý thú và đã viết được 13 (trong dự tính 15) đầu sách liên quan đến Kiều. Hơn thế, ông còn mạnh dạn trưng dẫn "Truyện Kiều đang giữ 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục Việt Nam...".

 

Ông giáo già "chịu chơi" ấy là nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế. Ông sinh năm 1936 tại Thanh Miện (Hải Dương). Ngay từ thuở nằm nôi, những câu Kiều qua lời ru của mẹ đã thẩm thấu tâm hồn ông. Đến tuổi niên thiếu, ông anh cả không muốn đàn em trai 4 đứa của mình rong chơi lêu lỏng nên bắt mỗi đứa phải học thuộc lòng mỗi ngày một đoạn Kiều.

 

Thời tạm chiếm (1949), truyện Kiều rất được chú trọng trong môn Văn ở cấp phổ thông, ông được các thầy Đoàn Phú Tứ, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Như Mai, Lê Văn Hòe truyền đạt cho sự cảm thụ tinh tế khi đọc Kiều... Thế nhưng, đời đôi khi cũng có sự tréo ngoe: yêu thích Kiều là vậy nhưng Phạm Đan Quế lại trở thành giáo viên dạy... toán, sau khi tốt nghiệp khoa Toán ĐHSP Hà Nội (1954-1957).

 

Trong quá trình giảng dạy, mỗi dịp hè ông lại đem Kiều ra đọc. Lần nào cũng có cái cảm giác nôn nao, bồi hồi như mới... gặp Kiều lần đầu, và càng đọc càng phát hiện được nhiều điều rất thú vị. Chẳng hạn, năm 1967 khi ru đứa con đầu lòng ngủ (dĩ nhiên, với ông thì phải ru bằng các câu Kiều): "...Rễ bèo chân sóng lạc loài/Ngẫm mình vinh hiển thương người lưu ly" (câu 2.871-2.872). Những câu này đọc thấy bình thường nhưng đêm nằm cứ ngẫm nghĩ, trằn trọc với những từ "rễ bèo chân sóng": chân sóng là chỗ thấp nhất nhưng rễ của bèo còn ở phía dưới nữa (điểm cực tiểu của cực tiểu) - cách Nguyễn Du ví von những thân phận "dưới đáy xã hội" ấy đã khiến ông giật mình bởi cách dùng từ hết sức tinh tế và sinh động. Từ đó ông càng chú tâm vào Kiều để nghiên cứu, mổ xẻ từng câu, từng chữ và ghi chép, hệ thống lại một cách cẩn thận đồng thời ông cũng đặc biệt quan tâm sưu tầm các tài liệu có liên quan đến Truyện Kiều.

 

Điều làm Phạm Đan Quế "mê mẩn" hơn cả là cách dùng từ tinh tế, công phu và hết sức phong phú của thiên tài Nguyễn Du. Chẳng hạn trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có hơn 40 lần đề cập đến cái chết, trong đó ngoài 13 lần dùng từ thác, 1 lần dùng từ tử (là những từ đề cập trực tiếp đến cái chết) còn lại hơn 30 lần Nguyễn Du dùng những phương thức tu từ khác để diễn tả cái chết một cách khéo léo, phù hợp với từng hoàn cảnh: "Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương" (cái chết của Đạm Tiên), "Nghe tin thúc phụ từ đường" (Kim Trọng nghe tin chú chết), "Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau" (Vương ông hàm oan muốn chết cho xong), "Khí thiêng khi đã về thần" (cái chết của Từ Hải)... Càng đọc càng bị Truyện Kiều mê hoặc, Phạm Đan Quế quyết định "khóa cửa buồng chung sống với Kiều".

(Còn tiếp)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.