Truyền kỳ làng trạng Vĩnh Hoàng: Đất 'đẻ' trạng

23/03/2015 08:35 GMT+7

Nếu miền Bắc có chuyện trạng Quỳnh, miền Nam có chuyện bác Ba Phi thì ở miền Trung, chuyện trạng Vĩnh Hoàng được nhắc đến nhiều nhất. Điều đáng nói là trạng Quỳnh hoặc bác Ba Phi đều là những nhân vật thì Vĩnh Hoàng cả làng đều là... trạng.

Nếu miền Bắc có chuyện trạng Quỳnh, miền Nam có chuyện bác Ba Phi thì ở miền Trung, chuyện trạng Vĩnh Hoàng được nhắc đến nhiều nhất. Điều đáng nói là trạng Quỳnh hoặc bác Ba Phi đều là những nhân vật thì Vĩnh Hoàng cả làng đều là... trạng.

Nguyễn PhúcBàu Thủy Ứ (thuộc xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) thường được nhắc đến trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng - Ảnh: Nguyễn Phúc
Qua thời gian, làng trạng Vĩnh Hoàng (nay thuộc thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn tồn tại, người Vĩnh Hoàng vẫn tiếp nối truyền thống của cha ông mình, mang nụ cười cho thiên hạ.
Nông dân nói “tiếng ta” !
Truyện trạng Vĩnh Hoàng không phải ai nghe cũng hiểu, bởi nét đặc trưng làm nên “tên tuổi” làng trạng cũng chính là điều tạo nên sự khu biệt về vùng miền, ấy là từ địa phương cộng thêm sự nhấn nhá trong phát âm của người kể. Đơn giản như việc được đi ra nhà ga xe lửa, người Vĩnh Hoàng sẽ liến thoắng đủ kiểu: ga ni ga mô, ga mô ri eng, ga ni ga chi, o ni đi mô, o mô đi ra, o mô đi vô... Ra thủ đô, hỏi đường thì người Vĩnh Hoàng hỏi: Nhà hát nậy lộ mô eng, lộ chao cẳng mô eng? Sẽ có rất nhiều người không hiểu các cụm thổ ngữ trên. Biết vậy, nên muốn rong chơi ở làng Vĩnh Hoàng, muốn cười té ghế khi nghe người Vĩnh Hoàng kể chuyện, trước hết phải học cái thứ “bản ngữ” của họ cái đã.
Có cảnh trớ trêu của tên phi công Mỹ trong câu chuyện trạng rằng: Tên giặc lái bị một lão dân quân Vĩnh Hoàng bắt giữ, lão chĩa súng nói trọ trẹ với giặc lái: “Hen xơ ấp” (hands up: giơ tay lên). Tên giặc lái nói: “Tôi rành tiếng Việt, cứ nói tiếng Việt”. Lão dân quân liền xổ một tràng tiếng Việt”: Mi ngài nác mô? (mày là người nước nào?), bỏ lịp cời xuống (bỏ mũ ra), mi bay côi trời chộ bầy choa mần đi đưới ni khôông? (mày bay trên trời thấy chúng tao làm gì dưới này không?)... làm tên giặc lái “chết đứng”, không biết đó là tiếng nước nào.
Sử sách của người thôn Huỳnh Công Tây chép lại rằng, làng được lập nên cách đây 400 năm và những người họ Huỳnh (Hoàng) từ phía bắc vào khai khẩn đầu tiên, về sau mới đến những dòng họ Trần, Nguyễn, Tạ... Những năm 1940, 3 thôn Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam được gộp lại thành một xã, gọi là xã Vĩnh Hoàng (sau này mới đổi thành Vĩnh Tú), cái tên trạng Vĩnh Hoàng vì thế mà thành.
Theo cụ Trần Đức Trí (77 tuổi, một nghệ nhân làng trạng) thì lúc khởi sự, bản thân người Vĩnh Hoàng không gọi những câu chuyện quê mình là “chuyện trạng” mà nghĩ đó chỉ là những thứ tiếu lâm cho vui, xua tan cực nhọc ngày đồng áng, quẳng đi sự sợ hãi giữa chiến trường ác liệt, mang đến những nụ cười bình dị, tươi tắn và xốc lại tinh thần cho mọi người cùng vượt qua khó khăn.
Hòa bình lập lại, nhà văn Phùng Quán và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - TS Võ Xuân Trang đã có công “nâng tầm” cho làng trạng khi trực tiếp về đây sưu tầm nhiều chuyện trạng và viết lại thành sách, trong đó TS Trang đã xuất bản cuốn Chuyện trạng Vĩnh Hoàng.
Cả làng mần trạng
Tôi về làng trạng như một cách để tìm chút thư thái, nhẹ nhàng ngày đầu năm. Lúc đi, mấy người bạn căn dặn rằng về Vĩnh Hoàng nhớ... cẩn thận, vì hầu hết người làng đều biết nói trạng. Gặp nhiều cụ cao niên trong làng mới biết “chất trạng” đã ăn vào máu thịt của những người dân quê nơi này, ai cũng lận lưng vài ba câu chuyện trạng làm vốn. Cá biệt, có những người dường như sinh ra để làm trạng, nên hễ mở mồm là người khác không nhịn được cười.
Nhiều người dù đã về với đất nhưng danh tiếng “nói trạng” vẫn còn vang cho tới ngày nay, như các cụ Trần Đức Hạnh, Trần Văn Thẹ, Trần Đức Đài, Võ Thị Nọn, Trần Thị May... Ngày nay, “báu vật sống” của làng trạng Vĩnh Hoàng là các cụ Trần Đức Trí, Trần Hữu Chư, Nguyễn Đình Sồ, Võ Nồng, Võ Thị Nương, Trần Thị Nghĩa, Trần Thị Liễu...
Bà Trần Thị Nghĩa (51 tuổi, thôn Huỳnh Công Tây 2), khi tôi vừa tìm được đến nhà thì đã bị bà “ra võ” ngay: “Ui chao chơ làng ni đực mô chả nói trạng được mà chú phải vất vả tìm về đây. Người làng ni con nít nhỏ như con tép đã biết nói trạng rồi mà”. Nói là nói vậy, nhưng khi được yêu cầu, dẫu quần đang ống xăn ống thả từ vườn sau vào, bà Nghĩa tỉnh rụi kể ngay chuyện Quả bí có hai cuống do chính mình sáng tác. Chuyện rằng: Ngày trước nhà bà nọ ở Vĩnh Hoàng trồng bí cạnh truồng (chuồng) heo. Một ngày bà hốt hoảng không thấy đàn heo đâu liền túa đi tìm. Tìm một hồi thấy sau hè, có quả bí to, có một cái đuôi heo lòi ra (ban đầu tưởng quả bí có 2 cuống), bà mới biết: “à, đàn heo chui vào trấy (trái) bí ăn tròn bụng không ra nổi”. Nói đoạn bà lấy cái rìu đẹo bổ đôi quả bí thì mới giải thoát được đàn heo. Chưa hết, mỗi nửa trái bí của bà sau khi bổ đôi lớn đến độ sau này còn được sử dụng để... chở bộ đội vượt bàu Thủy Ứ.
Không chỉ những người kể chuyện “chuyên nghiệp” đã được kê ra như trên, đến một người Vĩnh Hoàng tôi gặp thoáng qua lúc ăn cơm trưa cũng “trạng” làm tôi suýt sặc. Lúc trà dư tửu hậu, tôi đánh bạo hỏi thăm: “Vĩnh Tú mình toàn động cát, chắc chỉ trồng được dưa. Dưa mình có ngọt không anh?”. Anh này quyết không ngẩng đầu, chỉ dừng đũa mà nói: “Không biết có ngọt không nhưng mỗi khi tui cắn một miếng dưa thì lát sau... đường khô dính đầy mẹng (miệng)”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.