Truyền kỳ làng trạng Vĩnh Hoàng - Kỳ 7: Lập làng trạng trên internet

11/04/2015 06:25 GMT+7

Ngày nay, làng trạng Vĩnh Hoàng ngoài địa chỉ ở đời thực thuộc xã Vĩnh Tú (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) còn có khá nhiều địa chỉ trên mạng internet. Dù chỉ từ ý tưởng tự phát nhưng nhiều người đã dày công lập làng, mong đưa những câu chuyện trạng lý thú đến với thế giới phẳng.

Ngày nay, làng trạng Vĩnh Hoàng ngoài địa chỉ ở đời thực thuộc xã Vĩnh Tú (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) còn có khá nhiều địa chỉ trên mạng internet. Dù chỉ từ ý tưởng tự phát nhưng nhiều người đã dày công lập làng, mong đưa những câu chuyện trạng lý thú đến với thế giới phẳng.

>> Truyền kỳ làng trạng Vĩnh Hoàng - Kỳ 6: Những nhà “trạng học” bất đắc dĩ

 
Chuyện trạng trên Facebook Trạng Vĩnh Hoàng của anh Xuân Thắng
Chuyện trạng trên Facebook Trạng Vĩnh Hoàng của anh Xuân Thắng
Tìm kiếm chữ “trạng Vĩnh Hoàng” trên Google chỉ sau 0,22 giây đã cho ra 10.200 kết quả, trong đó có nhiều đường link dẫn đến những trang web chỉ dành riêng cho chuyện trạng. Riêng với trang mạng xã hội Facebook, lướt nhanh cũng tìm thấy 2 tài khoản khá xôm lần lượt là Trạng Vĩnh Hoàng và Chuyện trạng Vĩnh Hoàng.
Làm vì... mê
Lần dò theo những kết quả từ Google, người viết đến được địa chỉ http://ducnam1971.violet.vn/ với một góc gọi là Góc làng trạng Vĩnh Hoàng - quê tôi. Tại đây, có ghi lại khoảng 20 câu chuyện trạng của người dân Vĩnh Tú.
Ngoài những chuyện khá phổ biến như: Đào địa đạo xuyên lục địa, Ăn môn sáp mà chẳng còn răng, Dưa đỏ biết đánh tây... còn có một số chuyện thuộc dạng “hàng hiếm” (vì ít người kể) như: Vì khoai mà bị xử oan, Môn lựu đạn, Con chó đen hóa ra con chó trắng, Con trâu mất tuyển tang...
Sau nhiều cuộc điện thoại, người viết đã tìm ra được chủ nhân của trang web này. Đó là người thầy đang giảng dạy ở Trường tiểu học xã Vĩnh Khê (một trong những xã khó khăn nhất của H.Vĩnh Linh) tên là Trần Đức Nam.
Thầy Nam cho biết mình sinh năm 1971 và lớn lên ở làng trạng. “Năm 2009, tôi lập trang web riêng của mình và sưu tầm chuyện trạng để mọi người cùng đọc. Mót được chuyện gì hay tôi cũng đưa lên. Việc này tuy chiếm khoảng thời gian rảnh của tôi vào ban đêm nhưng cũng làm tôi và nhiều người thỏa thú vui với chuyện trạng”, thầy Nam kể.
Cũng là con dân xã Vĩnh Tú, chủ nhân của trang Facebook Chuyện trạng Vĩnh Hoàng có tên Trần Hữu Tuyển (35 tuổi) đang công tác tại MobiFone Quảng Trị. Anh Tuyển lập trang Facebook này từ năm 2010, từ một số tư liệu của “nghệ nhân làng trạng” - cụ Trần Hữu Chư cung cấp. “Lúc đó tôi thấy chưa ai làm thì mình làm. Ban đầu chỉ làm cho vui và một số bạn bè vui. Mục đích vậy thôi chứ có phải vì tiền bạc, kinh doanh thương mại gì đâu”, anh Tuyển nói.
Đặc biệt hơn nữa là anh Xuân Thắng, chủ nhân của trang Facebook Trạng Vĩnh Hoàng, “địa chỉ” mà theo người viết là quy mô và xôm tụ nhất. Anh có quê gốc ở xã Vĩnh Long (H.Vĩnh Linh, “hàng xóm” với xã Vĩnh Tú), gia đình đang sống ở TP.Đông Hà và hiện công tác tại Đảng ủy các khu công nghiệp của TP.Đà Nẵng. Anh Thắng cho hay đây đơn giản là sở thích của bản thân. “Từng nghe cha chú kể về chuyện trạng và thấy rất thú vị nên muốn mang nụ cười đến cho mọi người cùng thưởng thức. Mấy chuyện mình đưa lên Facebook cũng là chép lại từ trí nhớ của mình ngày nhỏ qua lời kể và qua một cuốn sách chuyện trạng mình đã đọc rồi làm thất lạc”, anh Thắng cho biết.
“Lục lọi” trong các trang viết của 3 “gã trai mê chuyện trạng” này, người viết nhận thấy rằng, có vẻ như mỗi câu bình luận khen, chê của bạn đọc họ đều rất trân trọng và coi đó như những “viên thuốc tăng lực” để tiếp tục si mê chuyện trạng.
“Đưa toàn bộ chuyện trạng lên Facebook”
Thầy Nam cho hay dạo mới lập trang, mỗi ngày có cả ngàn lượt ghé thăm nhưng thời gian gần đây do thầy bận nhiều việc, ít chăm bẵm nên bạn đọc ít đi. “Dù vậy, theo thống kê tự động thì mỗi câu chuyện trạng đến nay có khoảng trên dưới 2.000 lượt xem. Thế cũng tốt rồi, bởi điều đó tương đương với việc mình đi kể 2.000 lần/chuyện”, thầy Nam tếu táo đầy chất... trạng.
Cũng mang nhiều trăn trở về bảo tồn chuyện trạng, anh Tuyển hy vọng rằng trang Facebook của mình sẽ giúp cho một vài bạn trẻ biết đến chuyện trạng Vĩnh Hoàng khi không có may mắn được chính tai nghe những “trạng sư” kể chuyện. “Tôi có không ít ước mơ về chuyện trạng song thực tế những thứ tôi làm, sưu tầm rất ít ỏi so với kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng của cha ông. Tới đây, tôi đang tính sang đặt vấn đề với cụ Chư, xin cụ cho phép đưa toàn bộ những câu chuyện trạng mà cụ sưu tầm trước nay lên Facebook”, anh Tuyển nói.
Trong khi đó, “ông chủ” của trang Facebook xôm nhất về chuyện trạng là anh Thắng đưa ra nhận định rằng: “Trên mạng thì nhiều người thích chuyện trạng, nhưng ít người trẻ biết. Chủ yếu các bác hơi lớn chút xíu, khoảng 40 tuổi trở lên thì mê hơn”. Nhưng khi tìm hiểu trang Facebook của anh thì người viết nhận thấy dưới từng mẩu chuyện trạng được anh đưa lên đã nhận được sự trao đổi của nhiều người, có người còn rất trẻ. Trong đó, rất nhiều lời động viên vui vẻ dạng như: “Trạng quá nhé”, “Đúng là dân Vĩnh Hoàng”... Có những góp ý chân thành, “bắt lỗi” anh Thắng dùng từ quá phổ thông, chưa đúng với nguyên bản chuyện trạng. Nhưng cũng có người cao hứng, kể một câu chuyện trạng do chính họ sưu tầm được đầy vẻ tự hào với đặc sản của quê hương...
Vậy mới thấy chỉ cần có “đất”, những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng sẽ sống, bởi chẳng ai dại quay lưng với thứ mang đến những nụ cười. Và thầy Nam, anh Tuyển, anh Thắng chính là những người đi khai hoang, tìm những mảnh đất màu mỡ mới cho chuyện trạng sinh tồn, gần gũi hơn với cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.