Tùng Dương: Nhạc Thanh Tùng không bao giờ cũ

21/03/2016 13:30 GMT+7

(iHay) Ngày mai (22.3), gia đình, người thân, bạn bè cùng những người học trò và những người yêu nhạc sẽ đưa tiễn người nhạc sĩ - người thầy Thanh Tùng về nơi an nghỉ cuối cùng.

(iHay) Ngày mai (22.3), gia đình, người thân, bạn bè, những người học trò và những người yêu nhạc sẽ đưa tiễn người nhạc sĩ, người thầy Thanh Tùng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ca sĩ Tùng Dương đã có những chia sẻ về nhạc sĩ Thanh Tùng, khắc họa bức chân dung đa diện về người nghệ sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng lại là một con người chất chứa nhiều nỗi cô đơn trong cuộc sống riêng:

Trước hết chúng ta phải cảm ơn Thanh Tùng. Vào những năm 80, ông là người đã tiếp sức, mở ra giai đoạn âm nhạc trẻ trung hơn, trong sáng hơn, thay cho giai đoạn phủ màu sắc của chính ca, của nhạc xưa trước đó. Thanh Tùng đã tạo nên trường phái âm nhạc riêng, ở đó có lãng mạn, mộng mị, có khát vọng hoài bão, có ngông nghênh của tuổi trẻ. Với tôi, âm nhạc của Thanh Tùng đã chạm đến mỹ cảm của người nghệ sĩ.
Âm nhạc của ông hoàn toàn khác biệt so với âm nhạc của những người nhạc sĩ cùng thời bởi sự dung dị. Dung dị cả trong cấu trúc âm nhạc lẫn những triết lý rất đời được đúc kết từ chính cuộc sống của ông. Âm nhạc của Thanh Tùng không thể hiện sự quyết liệt ở những tempo luyến láy, mà ở hồn cốt của tác phẩm. Đó là thứ âm nhạc an toàn mà lại không an toàn. Thứ âm nhạc đẹp huyền ảo, nhưng chất chứa những biểu cảm của người trẻ, của những người đã trải qua nhiều nỗii thăng trầm. Thứ âm nhạc được chắt chiu từ cuộc sống, Vì vậy, đối với tôi, âm nhạc Thanh Tùng không bao giờ bị cũ theo thời gian.
Cách đây vài năm, tôi có dịp được trò chuyện rất lâu với ông. Đó là lần tôi đến nhà hát cho ông nghe bài Chuyện cổ Nghi Tàm, bài hát ông mới viết và khác hoàn toàn với tinh thần với những ca khúc trước đây, Nó mang đậm chất dân gian, tinh thần xẩm Bắc bộ trong đó. Tôi vui khi ông bảo: “Chỉ có có Dương mới hát thành công bài hát này”. Tôi đã thấy được sự chỉn chu, nghệ sĩ tính rất mạnh trong ông. Chúng tôi hát say mê cho nhau nghe. Ông hóm hỉnh trêu tôi: “Tùng Dương phải yêu nhiều vào, có nhiều đàn bà thì mới hát hay được”. Ông trêu tôi vậy, nhưng tôi biết ông là người nhạc sĩ rất chung thủy. Người đàn bà ông yêu nhất là vợ ông.
Nhiều năm trước, trong một chương trình, tôi đã hát Lối cũ ta về. Ông cũng có mặt trong buổi hôm đó. Ông bảo tôi, bài hát này ông viết cho người phụ nữ của mình: “Những điều tôi viết là những điều đã trôi đi không lấy lại được nữa. Đó là những điều tiếc nuối của cuộc đời, giây phút với gia đình, với người thân, với vợ tôi”. Mới đây, tôi hát ca khúc Một mình của ông. Có lẽ đến lúc này, khi đã được làm cha, tôi mới cảm nhận được hết những gì mà Thanh Tùng đã viết từ chính cuộc sống cùng nỗi cô đơn bất tận của ông. Tôi biết có vài lần, ông có ý định đi bước nữa nhưng cuối cùng ông lại quyết định ở vậy, nuôi 3 người con ăn học nên người. Ông là người cha hy sinh tận lòng cho con cái.
Nhà ông ở gần nhà tôi, nhưng ông ít khi ở đó mà thường ở nhà của người con trai. Ông là người rất am hiểu nghệ thuật, ngôi nhà của ông treo đầy tranh. Những người thân với ông đều biết khi còn khỏe, Thanh Tùng là một tay chơi quái kiệt và có gu. Ông có thú sưu tầm xa xỉ, sở hữu những chiếc xe cổ rất đặc biệt. Thanh Tùng cũng là người rất mê whisky. Ông uống phần vì công việc, phần vì cũng để vơi nỗi cô đơn. Chất men cũng làm người nhạc sĩ sáng tác thăng hoa hơn. Nhưng ông không phải là người dựa vào hơi men để đánh lừa cảm xúc của mình. Thanh Tùng là người chơi với rất nhiều giới, văn nghệ sĩ có, doanh nghiệp có. Ông là người sống rất hào sảng với bạn bè. Tôi chưa lần nào nghe thấy ai phàn nàn về nhân cách của ông.
Lần gần đây nhất tôi đến thăm ông, ông không còn minh mẫn nữa, nhưng đôi mắt ông vẫn rất mộng mơ, bình thản, ẩn sau đó là những bão tố, mưa giông, những hỷ nộ ái ổ của cuộc sống mà ông đã nếm đủ hết. Đến cuối đời, con cái ông mỗi người ở một nơi, họ vẫn về thăm ông thường xuyên nhưng có lẽ tuổi già với bệnh tật như vậy và với người nhạy cảm như Thanh Tùng, chắc chắn ông đã cảm thấy cô đơn. Nhưng tôi nghĩ ông là người đã mạnh mẽ đối mặt với nỗi cô đơn. Vì thế, nỗi cô đơn trong nhạc của ông không bi lụy mà thật trong lành và thanh tao.
Giống như con chim chấp nhận gai đâm vào người để tiếng hát hay hơn, tôi nghĩ người nhạc sĩ chấp nhận đối mặt với những nỗi đau của cuộc đời để tìm ra nguồn sống, nguồn cảm hứng cho nghệ thuật. Những người trẻ ở thế hệ của tôi hay những thế hệ tiếp sau cần lưu giữ những điều đẹp đẽ và tiếp quản những giá trị chân thiện mỹ mà bậc cha ông đã dùng trọn cuộc đời tạo dựng nên. Căn nguyên phát triển của nghệ thuật chính là cảm xúc, cảm xúc làm nên sự sáng tạo. Tôi muốn nhắn nhủ với những người trẻ nên bớt đi những việc vô ích mà hãy biết đam mê, tạo niềm cảm hứng cho cuộc sống này.
Nhạc sĩ Thanh Tùng đã đi trọn hết cuộc đời này với những tình cảm chân thành, quý trọng mà mọi người dành cho ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.