Ứng xử với cổ thụ

09/08/2014 09:00 GMT+7

Sài Gòn có rất nhiều con đường gắn liền những hàng cây sao, cây dầu và những hàng me, đã đi vào thơ ca và trở thành những cây xanh đặc trưng của TP này. Do đó, việc đốn hạ những cây dầu tại khu vực công viên Lam Sơn trên đường Lê Lợi (Q.1) đã khiến cho không ít người tiếc nuối.

Sài Gòn có rất nhiều con đường gắn liền những hàng cây sao, cây dầu và những hàng me, đã đi vào thơ ca và trở thành những cây xanh đặc trưng của TP này. Do đó, việc đốn hạ những cây dầu tại khu vực công viên Lam Sơn trên đường Lê Lợi (Q.1) đã khiến cho không ít người tiếc nuối.

Ứng xử với cổ thụ
Hàng cây dầu trước khi đốn hạ - Ảnh: Bạch Dương

Tuy nhiên, thông tin từ Công ty công viên cây xanh (CVCX) TP.HCM: có tới 6/12 cây dầu cổ thụ khoảng 150 tuổi bị đốn đã bị mục rễ với tỷ lệ trên 60%.

Sau khi làm nhà ga xong, đổ lại đất trên mặt, có thể trồng cây khác thay thế hoặc trồng lại cây dầu, những cây nhỏ không đâm rễ xuống sâu làm ảnh hưởng đến công trình. Những nơi không thể trồng lại cây lớn thì có thể trồng dây leo

Ông Nguyễn Trịnh Kiểm, cố vấn kỹ thuật - Công ty CVCX TP.HCM

Nguy cơ mất an toàn

Ông Nguyễn Trịnh Kiểm, cố vấn kỹ thuật - Công ty CVCX TP.HCM, đồng thời là Chánh văn phòng Hiệp hội CVCX VN, cho biết: Tôi đã trực tiếp đến xem những cây dầu cổ thụ ngay khi đốn hạ, thấy một điều lạ là có những cây không còn rễ cọc, chỉ cần chặt rễ xung quanh là có thể kéo ngã cây xuống. Do đó, nguy cơ mất an toàn, dễ ngã đổ của những cây này là rất cao. Cây dầu có đặc tính sinh học là rễ cọc đâm sâu xuống đất, nó vững chắc là nhờ bộ rễ cọc đó. Có thể do ở khu vực này có mực nước ngầm nông, đã làm mục hết bộ rễ cọc của cây. Đã từng có những cây dầu ngã trên đường Nguyễn Thái Học, Ba Tháng Hai và may mắn là cây ngã lúc 3 giờ sáng không có người đi lại, chứ nếu trong giờ cao điểm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Là người gắn bó với cây xanh đô thị, nhưng nhìn thấy những gốc cây dầu cổ thụ vừa đốn đi với những bộ rễ như thế, ông Kiểm cho rằng không thể nào làm khác. Ông cho biết, từ năm 1999, Công ty CVCX TP.HCM đã có kế hoạch rất cụ thể về việc cây nào đốn, cây nào giữ lại. Nhưng vì những năm đó dư luận không ủng hộ nên công ty đã không dám làm. Giờ thì đã đến lúc phải xới lại việc này. Bởi vì, ngoài các yêu tố về môi trường sinh thái, cây xanh trồng trong đô thị phải bảo đảm một yếu tố mà ông cho là tiên quyết, đó là an toàn đối với tính mạng và tài sản của người dân.

Ngoài hơn 3.000 cây dầu có tuổi thọ trên 150 năm, ở TP.HCM còn có nhiều loại cây cổ thụ khác. Cây xanh nói chung đều có tuổi thành thục, với độ tuổi phù hợp tùy theo môi trường tự nhiên hay môi trường đô thị. Đối với cây xanh trồng trong đô thị, tuổi thành thục sẽ ngắn hơn và sau độ tuổi đó thì phải đốn để thay thế. Tuổi thành thục tùy theo từng loại cây, với cây sao và dầu có thể 100 năm; cây me khoảng 70 - 80 năm; cây lim xẹt khoảng 50 năm. Tuy nhiên, để thật chính xác thì cần phải có một nghiên cứu, nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào về xác định độ tuổi thành thục đối với cây xanh đô thị.

Ứng xử với cổ thụ
Dãy cây cổ thụ gần hồ Thủ Lệ (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhưng không chỉ đốn hạ

Đại diện Công ty CVXC TP.HCM cho biết, vừa rồi công ty đã nhận lệnh đốn hạ 49 cây xanh ở khu vực thi công nhà ga Nhà hát TP, bao gồm 12 cây dầu, 10 cây lim xẹt, 19 cây viết, 8 cây liễu rũ và chỉ có 2 cây lim xẹt được bứng. Công ty cũng vừa nhận được văn bản của Ban Quản lý đường sắt đô thị về việc đốn bổ sung cây xanh trong phạm vi xây dựng nhà ga này. Cụ thể là 7 cây lim xẹt trồng trên dải phân cách đường Lê Lợi (đoạn từ Pasteur - Nguyễn Huệ) đã được phê duyệt và một số cây xanh trên đường Nguyễn Huệ không nằm trong phương án đốn hạ di dời, phải chờ ý kiến chỉ đạo của Sở GTVT.

Ông Nguyễn Trịnh Kiểm cũng nuối tiếc khi thấy những cây xanh bị đốn hạ mà lẽ ra có thể bứng di dời, mang đi chỗ khác dưỡng để trồng lại ở dọc hành lang của tuyến metro. Ông đề nghị, với những loại cây như viết, lim xẹt có thể bứng đi để trồng nơi khác, không nên đốn hạ. Thậm chí cây liễu rũ (tràm bông đỏ), sọ khỉ hay như cây đa, cây sanh cả 200 tuổi vẫn bứng được. Sau khi làm nhà ga xong, đổ lại đất trên mặt, có thể trồng cây khác thay thế hoặc trồng lại cây dầu, những cây nhỏ không đâm rễ xuống sâu làm ảnh hưởng đến công trình. Những nơi không thể trồng lại cây lớn thì có thể trồng dây leo.

Ứng xử với cổ thụ
Nhiều cây dầu bộ rễ cọc đã bị mục và rỗng - Ảnh: do Công ty CVCX TP.HCM cung cấp

Theo ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) TP.HCM, bên dưới khu vực xây dựng nhà ga là 4 tầng ngầm nên rất khó giữ lại những cây xanh trên mặt đất. Giải pháp duy nhất là phải đốn để trồng mới. Trong khi một KTS khác cho rằng TP có thể dùng phương pháp thi công khác bằng robot thay vì phương pháp top-down (làm tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và thi công các sàn từ trên xuống) để giữ lại hàng cây bên trên. Ông này cũng cho rằng, chỉ những dự án làm metro bất đắc dĩ mới phải đốn cây, còn việc chỉnh trang đường phố, lót vỉa hè dọc đường Nguyễn Huệ hoàn toàn có thể giữ được xây xanh để tạo bóng mát cho phố đi bộ và tạo cảnh quan xanh mát cho khu vực trung tâm nơi khách du lịch đổ về rất đông. “Nếu TP muốn tiếp tục đốn cây khi làm các công trình còn lại phải đưa ra HĐND TP lấy ý kiến, khi được đồng ý mới đốn, chứ không thể cứ âm thầm làm như việc đốn mấy chục cây hàng trăm tuổi ở trước Nhà hát TP vừa qua”, vị này nêu quan điểm.

Bảo tàng sống của nhiều thế hệ

Tại sao không đặt ra một yêu cầu giữ gìn bảo tồn cây xanh trong hợp đồng các dự án về môi trường đô thị? Điều này hoàn toàn có thể làm được, như việc Huế từng di dời và trồng lại 80 cây sứ trong một dịp làm festival trước đây.

Có thể đào và dịch chuyển các hàng cây này ra khu vực khác. Điều này hoàn toàn có thể làm được. Không phải không còn giải pháp nào khác. UBND TP.HCM, UBND TP.Hà Nội phải có ngân sách riêng về việc này, nghĩ cách để di dời hàng cây đi nơi khác. Nếu cứ làm dự án đô thị mà cứ đào, cứ phá thì sẽ tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm cho các dự án khác nhau.

Cây xanh không chỉ đơn thuần là cây, mà còn là một bảo tàng sống của nhiều thế hệ, chứa chất nhiều kỷ niệm. Việc di dời, cưa cây trước mỗi dự án lẽ ra phải đưa ra trước HĐND TP. Nếu dự án đó không có tiền thì TP phải bỏ tiền, người dân TP sẽ bỏ tiền, thậm chí từng doanh nghiệp cũng sẵn sàng đóng góp. Cách làm như vậy mới nhân văn, mới tình cảm.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Cây cối là hồn cốt, di sản của đô thị

Cây cối là hồn cốt, di sản của đô thị. Việc làm dự án đô thị phải có kế hoạch dài hạn, phải có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ cây cối, không thể đối xử vội vàng.

Việc gìn giữ cây xanh khi quy hoạch đô thị cần phải thực hiện như việc bảo vệ gìn giữ cầu Long Biên, chúng ta phải có những hành xử thận trọng, tránh tạo tiền lệ. Việc gìn giữ di sản đô thị cũng là một phần để phát triển kinh tế.

 Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào

Ngọc Bi (ghi)

"Lột xác" đường Nguyễn Huệ

Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư dự án Nâng cấp, chỉnh trang đường Nguyễn Huệ, Q.1) cho biết dự kiến tháng 8.2014 sẽ khởi công. Theo đó, giai đoạn 1 có chiều dài từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi, vốn đầu tư trên 71 tỉ đồng. Thời gian thi công 9 tháng, dự kiến tháng 3.2015 hoàn thành. Lúc đó đường Nguyễn Huệ sẽ như quảng trường, hệ thống đèn mỹ thuật độc đáo, nhạc nước, phố đi bộ... Tương lai, TP sẽ làm cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nối bán đảo Thủ Thiêm, Q.2.

Theo thông tin sơ bộ, giai đoạn 1 mặt đường và vỉa hè đường Nguyễn Huệ sẽ được lát đá granite, kể cả đường Lê Thánh Tôn đoạn từ Pasteur đến Đồng Khởi; hoa văn trên đường được sắp đặt cùng màu với đá granite.

Chiều 8.8, một cán bộ Sở GTVT thông báo giai đoạn 1 vừa được TP phê duyệt. Giai đoạn 2 sẽ thi công từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng và công viên bến Bạch Đằng, chiều dài gần 700 m, rộng trên 60 m, vốn đầu tư trên 400 tỉ đồng. Mặt đường và vỉa hè cũng được lát đá granite.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết dự kiến trong tuần tới TP mới họp xem xét về việc phê duyệt dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ giai đoạn 2. Theo nguồn tin, lý do đến nay giai đoạn 2 vẫn chưa được phê duyệt là do còn phải bàn về dự án trung tâm thương mại ngầm (trung tâm) trên tuyến đường Nguyễn Huệ. Đây là một dự án độc lập, đã được TP kêu gọi đầu tư gần 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trung tâm này, theo thiết kế, ngoài việc dành 2 - 3 tầng ngầm đậu xe, còn bố trí diện tích dành cho việc kinh doanh, dịch vụ. Về giao thông, trung tâm phải kết nối với nhà ga ngầm Nhà hát TP, phố đi bộ, bến xe buýt... Thời gian thực hiện dự án này đến nay TP vẫn chưa xác định được do kinh phí lớn, chưa kêu gọi được nhà đầu tư. Vì vậy, nếu thực hiện trước dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ, rồi sau đó khi thực hiện dự án trung tâm cũng trên đường này, sẽ gây lãng phí lớn do phải phá bỏ và đào lên để thi công ngầm.

Phải bù lại diện tích xanh

Tại Hà Nội, đường Láng vừa mất đi dãy cây xà cừ đường kính cả mét, nhường cho mặt bằng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Những cây xà cừ cổ thụ ở Kim Mã, dọc hồ Thủ Lệ, Ba Đình tới đây cũng sẽ bị đốn hạ để phục vụ dự án tàu điện metro đầu tiên của thủ đô. “Tôi biết có người tiếc cây lắm. Nhưng đôi lúc để phát triển không thể tránh được việc phải hy sinh những hàng cây như thế”, GS-KTS Hoàng Đạo Kính nói về việc cổ thụ Hà Nội và nhiều TP đã phải nhường chỗ cho các dự án giao thông đô thị.

 “Có dự án mở rộng đô thị mà tránh đi tránh lại cũng không thể tránh được việc phải chặt bỏ cây. Nhưng chặt cây đi rồi thì phải bù lại diện tích xanh đó như thế nào”, ông Kính nói.

“Chúng ta nói nhiều đến kiến trúc xanh. Nhưng cả quy hoạch đô thị lẫn xây dựng đều chưa cho thấy điều đó”, một KTS nói. Cũng theo KTS này, dường như việc đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án giao thông chưa ổn. Kết quả là nhiều dự án sau khi hoàn thành thì không gian xung quanh bị bê tông hóa và mất đi sự thân thiện vì thiếu mảng xanh.

Về các giải pháp đi kèm, một nhà nghiên cứu đô thị cho biết nếu có thể bứng các cây xanh này đi chỗ khác thì nên làm bởi phải hàng chục năm mới có thể có được một diện tích xanh như vậy. Hiện tại chúng ta cũng không thiếu các khu công cộng đang thiếu cây xanh. Chưa kể về kỹ thuật, hoàn toàn có thể thực hiện việc di dời cây xanh này. Việc đền bù xanh này cần phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt, không hình thức. “Không phải câu chuyện đền bù tiền, mà đây là đền bù một lá phổi TP”, vị này nói.

Trinh Nguyễn

Mai Vọng - Đình Mười - Đình Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.