Vai trò biên kịch phim Việt đang ở đâu?

11/05/2020 07:12 GMT+7

Nhìn lại những phim truyền hình đình đám gần đây, đa phần đều có kịch bản “xuất thân” từ ngoại quốc. Liệu đời sống xã hội trong nước thiếu chất liệu hay phim “gốc ngoại” dễ kích thích khán giả hơn?

Nhà trọ Balanha, Tình yêu và tham vọng, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán, Gia đình là số 1… là những bộ phim truyền hình tạo nên những cơn sốt cho người xem, và có điểm chung đều là những phim được Việt hóa hoặc chuyển thể kịch bản từ tác phẩm nước ngoài. Sắp tới có thêm ít nhất 3 phim có kịch bản Việt hóa từ phim ăn khách nước ngoài chuẩn bị lên sóng, trong đó có Vua bánh mì (được Việt hóa từ phim Hàn).
Một số nhà sản xuất cho rằng Việt hóa tác phẩm ăn khách của nước ngoài là một trong những giải pháp trước tình trạng khan hiếm kịch bản hay (nhất là với thể loại, đề tài họ muốn thực hiện), là cách làm cho nhà sản xuất “thấy” được kinh phí mình sẽ đầu tư ra sao, cũng là trải nghiệm để học hỏi từ câu chuyện kịch bản đến cách làm phim của nước bạn. Song, dù yếu tố ngoại được biên kịch sàng lọc và thay thế nhằm toát lên phong vị Việt nhiều nhất có thể, và dù sự Việt hóa thành công, được ghi nhận qua các giải thưởng… thì “cuối cùng, điều không thể phủ nhận: chúng ta “gột nên hồ” từ “bột” của người khác”, một biên kịch chua chát nói.
Theo dõi cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2019, không ít người trong nghề cho rằng việc xuất hiện nhiều biên kịch trẻ là tín hiệu lạc quan, vì người trẻ góp phần mang đến những ý tưởng hay, táo bạo, cập nhật nhanh nhạy xu hướng… Tuy nhiên, hạn chế của biên kịch trẻ (dẫn đến “sạn” trên màn ảnh) chính là xử lý tình huống non tay, vô lý, thiếu thực tế, thậm chí sai sót nhiều kiến thức. “Làm việc rồi mới thấy dù ý tưởng rất hay nhưng khi bắt tay vào thực tế, có bạn xây dựng, phát triển kịch bản cả năm trời vẫn không thể hoàn thành”, một nhà sản xuất chia sẻ.
Nhà biên kịch Thanh Hương nhìn nhận: “Biên kịch các nước (so với VN) chuyên nghiệp hơn, đều hơn, được đào tạo bài bản hơn và đa phần không có nhiều biên kịch trẻ. Tôi cũng không ngại nói thẳng, thực tế cho thấy lực lượng biên kịch chúng ta là… tay ngang và liều, cứ có chút ý tưởng là viết. Nhưng nhìn rộng hơn còn bởi chính nhà sản xuất dễ dãi trong việc sử dụng kịch bản, mà lý do cũng chỉ vì tiền. Người trẻ, dân tay ngang thì mức thù lao có khi chỉ bằng 1/3, 1/5 biên kịch có tên tuổi, chuyên nghiệp”.
“Không phải chúng ta thiếu đề tài hay biên kịch không nghĩ đến, thiếu sáng tạo để phải sử dụng kịch bản nước ngoài, mà ngoài những vấn đề trên, còn có thực tế khá nhạy cảm là biên kịch của ta bị hạn chế nhiều thứ. Chẳng hạn về kinh phí - kịch bản tốt nhưng nhà sản xuất từ chối vì sẽ tốn kém khâu đầu tư. Hay trong khi các nước, cụ thể như Hàn Quốc, biên kịch khai thác rất tự do những khía cạnh trong mọi đề tài - thì ta lại không được dễ dàng như vậy. Người biên kịch dù có kinh nghiệm hay tâm huyết cỡ nào với đề tài mà bị “cắt cánh” hết thì làm sao họ thỏa sức bay bổng?”, biên kịch Thanh Hương trăn trở. Vì vậy theo chị, Việt hóa - nhìn được quá trình tác phẩm đến với công chúng, vẫn là một trong những lựa chọn dễ chịu của nhiều nhà sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.