Vén màn bí ẩn cuộc đời danh họa Van Gogh

27/06/2021 06:10 GMT+7

Cuốn sách Van Gogh The Life được hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith viết và hoàn thiện sau 10 năm, dựa vào rất nhiều tư liệu chưa từng được khai thác một cách rộng rãi, về Vincent Van Gogh - thiên tài hội họa người Hà Lan có sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi nhưng để lại ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến công chúng và giới hoạt động nghệ thuật.

Trong bản sách do NXB Dân Trí và Omega vừa ấn hành, ngoài nội dung chính về cuộc đời ông với những tranh trắng đen minh họa, trong sách còn đính kèm 32 trang phụ lục in màu hơn 60 bức tranh nổi tiếng của Van Gogh.
Trong tác phẩm Van Gogh The Life, cậu bé Vincent có “những ngày thơ ấu” mải mê nơi bãi hoang, lặng lẽ ngắm nhìn chim muông cây cỏ rồi cô đơn nơi lớp học khi phải xa gia đình. Tiếp đó là quãng thời áo trắng trước ngưỡng cửa tương lai với bao khủng hoảng về công việc, sự nghiệp, tình yêu, mục đích sống... cùng thuở ban đầu đến với hội họa.
Rồi trải qua những giằng xé không được giải quyết, những câu hỏi không có câu trả lời và cũng không còn kiên trì để hỏi nữa, Vincent Van Gogh bắt đầu trưởng thành. Thay vì ngẩn ngơ trong cơm áo gạo tiền và địa vị xã hội, họa sĩ trẻ đã biết tạo ra những tác phẩm để tìm thấy “lối đi ngay dưới chân mình”... Dù cho cái chết có đến một cách đột ngột và đầy ẩn khuất cũng sẽ chẳng bao giờ cần được giải đáp hết, để cuối cùng Vincent được yên nghỉ thanh thản.
Cuốn sách Van Gogh The Life từng lọt vào danh sách bán chạy của New York Times.

Bìa sách

Ảnh: OMEGA

Cảm nhận về Van Gogh

Cuộc trò chuyện về cuốn tiểu sử đồ sộ nhất về Vincent Van Gogh đã diễn ra tại Book Nest Hà Nội ngày 26.6. Ở đó, có ê kíp dịch thuật gồm: Ngô Đức Trung, Vũ Đình Thắng, Trần Khả Ai, Bùi Duy Trung và người hiệu đính Phạm Diệu Hương.
Dịch giả Trịnh Lữ, cố vấn chuyên môn của tủ sách nghệ thuật, nói đến Van Gogh như một người có cái nhìn từ bên lề xã hội bình thường. “Nếu đi khám thì sẽ có vấn đề tâm thần. Nhưng điều bất thường đó trong nghệ thuật lại quý. Con người đó không muốn nghệ thuật là cái đẹp như trước nữa, mà họ chỉ muốn thoát khỏi cái ngày xưa”, ông nói. Cũng theo ông Lữ, Van Gogh cứ loay hoay đi tìm điều gì đó để đặt lòng tin đến mức có gọi là điên cũng đúng.
Nhưng lớn hơn cả, theo ông Trịnh Lữ: “Van Gogh có nhu cầu diễn đạt mình khủng khiếp. Ông ấy vẽ với nhu cầu thành họa sĩ, bán tranh. Nhưng ông ấy vượt được trên điều đó để vẽ cái không hợp thời. Giống Gauguin, ông ấy cũng đi theo cái không bán ngay được”.
Dịch giả Khả Ái chia sẻ: “Thực ra, sau cùng cảm nhận của tôi là hiểu thứ Van Gogh yêu nhất có thể không phải hội họa. Thứ ông ấy khao khát nhất là hạnh phúc gia đình và tình yêu. Ông ấy mong được yêu và chưa được toại nguyện”.
Dịch giả Vũ Đình Thắng lại chia sẻ cảm giác về những hành động rất khác thường của Van Gogh. Chúng, thậm chí theo cách nhìn thông thường, là ích kỷ. “Nhưng tôi hiểu ai cũng có lúc như ông ấy, có lúc hành xử không hiểu nổi. Đến cuối cùng, khi Van Gogh có được cái chết thì tôi thông cảm với ông ấy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.