Ví, dặm xứ Nghệ từ nguy cơ thất truyền thành di sản nhân loại - Bài 2: Loay hoay chuyện bảo tồn

02/12/2014 09:42 GMT+7

(TNO) Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa tại hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại tổ chức tại Nghệ An tháng 5.2014 đã rất trăn trở với việc ví, dặm từng đối mặt với nguy cơ thất truyền .

>> Xây dựng hồ sơ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trình UNESCO
>> Phương Mỹ Chi: 'Vẫn hát dân ca trong đêm chung kết
>> Rủ nhau học hát dân ca
>> Đưa trò chơi dân gian, hát dân ca vào trường học  

"Sống" trong dân gian, nay chuyển về "nhờ" sân khấu

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Mậu Cảnh (Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ An) cho rằng, có một điều đáng tiếc là dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đang bị mai một theo thời gian. Cho đến nay, ví, dặm vẫn sống, nhưng chủ yếu là sống trên sân khấu chuyên nghiệp, trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong một số hoạt động khác, như câu lạc bộ, lễ hội và “ký sinh” trong một số ca từ đương đại, mà không có được sự tồn tại tự nhiên trong dân gian như ngày xưa.

Nhà báo Trần Hồng Cơ, nguyên Tổng biên tập Báo Lao động Nghệ An cũng cho rằng, dân ca ví, dặm đã có từ lâu đời và được lưu truyền trong đời sống người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên, từ sau 1945, do không còn môi trường diễn xướng nên ví, dặm bị mai một dần và mất dần giá trị nguyên gốc. Một số công trình nghiên cứu, sưu tầm khá quy mô về ví, dặm, có ưu điểm chính xác về mặt văn bản nhưng lại có những hạn chế về nhận diện giá trị nguyên bản.

 hat-vi-giam
Ví, dặm trên sân khấu do người dân tự giàn dựng và biểu diễn - Ảnh: Khánh Hoan

Cũng theo nhà báo Hồng Cơ, các phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rầm rộ một thời đã góp phần bảo tồn được ví, dặm. Tuy nhiên, do nhu cầu tuyên truyền nên đã nảy sinh dân ca cải biên, khiến các làn điệu cổ của dân ca và môi trường diễn xướng bị đánh mất. 

Chủ trương sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh được ngành văn hóa thực hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đoàn kịch hát được thành lập, sau đó nâng lên thành nhà hát dân ca với nhiệm vụ khai thác dân ca ví, dặm để xây dựng bộ môn kịch hát dân ca. Nhiều vở diễn đã được giàn dựng trên cơ sở cải biên các làn điệu gốc, kết hợp làn điệu gốc để sáng tác nhiều làn điệu mới, sáng tác các ca khúc sân khấu bằng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh. “Quá trình sáng tạo này đã góp phần làm ví, dặm phát triển phong phú hơn, nhưng việc sân khấu hóa dân ca đã làm mới ví, dặm, khiến việc bảo tồn giá trị nguyên gốc khó khăn hơn”, nhà báo Hồng Cơ nhận xét. 

Nghệ sĩ ưu tú Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nghệ An, cũng thừa nhận dân ca ví, dặm đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng, mất dần vai trò quan trọng trong đời sống người dân xứ Nghệ. Xã hội đương đại có nhiều yếu tố không hề thuận lợi cho sự phát triển của ví, dặm. Ngành văn hóa địa phương trong những năm qua cũng đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, dặm, tuy nhiên công việc này là rất gian nan. 

Đưa ví, dặm vào trường học

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, dặm, đưa nó trở về đúng vị trí khởi phát là điều khiến những người có trách nhiệm trăn trở. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Đắc (Trung tâm bảo tồn dân ca xứ Nghệ) cho rằng, việc bảo tồn và phát huy dân ca ví, dặm cần được đặt ra cấp bách và có giải pháp hữu hiệu, với sự tổng lực của đội ngũ các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trên địa bàn. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đức (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) nhìn nhận: tính cổ xưa của hát ví, dặm gắn liền với các hoạt động sản xuất như phường nón, phường vải, phường cấy… Hiện nay, những nghề này đã thất truyền hoặc đã thay đổi, vì thế, việc bảo tồn dân ca ví, dặm xứ Nghệ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Đức, đó là điều nhất thiết phải làm. “Bảo tồn ví, dặm không thể cứng nhắc, cần đầu tư nghiên cứu để bảo tồn cái “bất biến” và tìm cách thay đổi cái “khả biến”, tạo đất sống mới cho dân ca phát huy giá trị của mình trong môi trường đời sống công nghiệp”, ông Đức góp ý. 

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu (Trung tâm Bảo tồn dân ca xứ Nghệ) khẳng định để giữ được ví, dặm Nghệ Tĩnh, phải chấp nhận “bình cũ rượu mới”, tức phải cải biên, giữ nguyên các làn điệu cũ rồi soạn lời mới có nội dung phù hợp với hiện thực cuộc sống đang diễn ra. Dân ca là của dân gian, do người dân sáng tạo và nó cũng thay đổi ngôn từ diễn đạt tùy theo bối cảnh sống. 

“Bảo tồn ví, dặm trong điều kiện hiện nay thì phải đưa nó về với cuộc sống đương đại hôm nay. Ví, dặm phải sống nhịp sống của hôm nay và tự tạo cho mình tính thời đại bằng chính khả năng biểu đạt linh hoạt và phong phú của mình. Muốn vậy, không còn con đường nào khác, phải có sự tái tạo và đổi mới ví, dặm”, bà Lựu lý giải. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Mậu Cảnh thì cho rằng, đưa ví, dặm Nghệ Tĩnh vào trường học là một trong những cách thức bảo tồn hiệu quả và khả thi nhất. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, việc đưa ví, dặm vào trường học đã được thực hiện từ vài chục năm nay. Về sau, hai tỉnh này đã tổ chức nhiều buổi dạy hát ví, dặm trên sóng truyền hình và tại các trường học, tạo được hứng thú mạnh cho học sinh.

Theo giáo sư, tiến sĩ Trần Quang Hải (Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia, Cộng hòa Pháp), không riêng gì ví, dặm Nghệ Tĩnh, việc bảo tồn dân ca nói chung đều gặp nhiều khó khăn khi giới trẻ hiện nay chạy theo trào lưu âm nhạc hiện đại. Tuy nhiên, ở Nghệ An, Hà Tĩnh, việc đưa dân ca ví, dặm vào trường học là một cách làm cho thấy ý tưởng đưa dân ca từ sân khấu về lại cho người dân hát là rất thành công.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.