Vì sao di dời Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương?

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
11/08/2018 06:23 GMT+7

Ngay sau ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, người dân Huế ngỡ ngàng phát hiện Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương đã 'biến mất' một cách khó hiểu.

Từ phản ánh của người dân, PV Thanh Niên đã có mặt tại địa điểm Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương (ở ngã tư Lê Quý Đôn - Bà Triệu, P.Phú Hội, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) và ghi nhận tấm bia đã không còn. Hiện trạng ở đây chỉ còn lại bờ tường dạng bình phong cuốn thư, nơi từng đặt tấm bia ghi chiến công của tiểu đội 11 cô gái sông Hương anh hùng.
Địa điểm lịch sử
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, đơn vị trực tiếp quản lý công trình, cho biết bia tưởng niệm này được thực hiện vào năm 1997, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo kỷ niệm 30 năm Xuân 1968 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, khóa 11 (1996 - 2000).

Chỗ khu vực tưởng niệm mới trên đường Phạm Văn Đồng (P.Vỹ Dạ, TP.Huế) chỉ là điểm ghi nhớ thôi chứ không liên quan gì đến các trận đánh

Hoàng Thị Nở, một thành viên của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương

Trong quá trình thực hiện công trình này, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế) đã tổ chức cuộc họp, mời 3 cán bộ lão thành gồm các ông Nguyễn Vạn, Hoàng Lanh và Nguyễn Trung Chính là những người từng tham gia chỉ đạo và chiến đấu trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại TP.Huế. Vị trí đặt bia tưởng niệm được các nhân chứng lịch sử thống nhất chọn ở cửa số 3, Sân vận động Tự Do (ngã tư Lê Quý Đôn - Bà Triệu, TP.Huế) bởi nơi đây từng diễn ra trận đánh có sự tham gia của Tiểu đội nữ du kích Thành đội Huế (Tiểu đội 11 cô gái sông Hương), nổi bật là các trận đánh diễn ra vào các ngày 3, 7 và 18.2.1968 (địa bàn diễn ra các trận đánh kéo dài từ Chợ Cống - đường Nguyễn Công Trứ đến Sân vận động Tự Do (đường Bà Triệu) và dọc theo sông Vân Dương (từ chợ Cống đến cầu sắt Vân Dương). Đồng thời đây cũng là vị trí dựng bia thuận lợi để phát huy giá trị giáo dục truyền thống.
Trải qua hơn 20 năm tồn tại, Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương đã đi vào ký ức và tình cảm, trở thành địa điểm giáo dục truyền thống, dâng hương, dâng hoa của các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên, các đoàn thể và lãnh đạo các cấp trong dịp kỷ niệm 30, 40, 50 năm cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968.
“Với những giá trị lịch sử, truyền thống đó, bảo tàng đã có văn bản kiến nghị nếu cần thiết di dời phải tổ chức lấy ý kiến các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử… để thống nhất. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được đồng ý. Do vậy chúng tôi phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên”, ông Hùng nói.
Vì sao di dời Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương ?1
Bia tưởng niệm sẽ được đưa về Công trình tưởng niệm 11 cô gái sông Hương mới tại khu quy hoạch Vỹ Dạ, TP.Huế
Di dời là chủ trương của tỉnh ủy
Ông Cao Huy Hùng cho biết: Từ năm 2013, theo đề xuất của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã có thông báo chủ trương di dời tấm bia này đến vị trí khu quy hoạch Vỹ Dạ, TP.Huế. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thực hiện xây dựng công trình Bia chiến công 11 cô gái sông Hương mới (tại vị trí bồn hoa, thuộc khu quy hoạch Vỹ Dạ, P.Vỹ Dạ) với tổng diện tích 900 m2, kinh phí đầu tư 2,8 tỉ đồng. Công trình đã được khánh thành ngày 17.10.2016. Do đó, đến nay tại TP.Huế tồn tại 2 điểm tưởng niệm 11 cô gái sông Hương. Mới đây, ngày 20.3, Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tiếp tục có Công văn 888/CV-TU về việc di dời Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo Sở VH-TT thực hiện di dời bia và Sở cũng đã có công văn giao Bảo tàng Lịch sử hoàn tất việc di dời bia trước tháng 8.2018.
"Thực hiện các chỉ đạo trên, tối 28.7, Bảo tàng Lịch sử đã tiến hành di dời Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương, tại địa điểm ngã tư Lê Quý Đôn - Bà Triệu về bảo quản tại bảo tàng và sắp tới dự kiến sẽ mời một số cơ quan chức năng liên quan để lập phương án dựng lại bia tại địa điểm mới theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Việc di dời bia là trăn trở của những người làm bảo tàng, nhưng nhiệm vụ phải chấp hành", ông Hùng nói.
Trả lời về mục đích di dời bia, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Thường trực Tỉnh ủy có chủ trương di dời bia do vị trí này hiện tại nhếch nhác, không đảm bảo mỹ quan. Sau khi di dời bia, khu vực này sẽ chỉnh trang lại vỉa hè cho người đi bộ, chứ không có trưng dụng vào mục đích gì khác”.
Bà Hoàng Thị Nở, một trong những thành viên của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương (đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) hiện còn sống, cũng tỏ ra vô cùng bất ngờ vì bà không hề hay biết về kế hoạch di dời bia tưởng niệm. “Đây là nơi lúc xưa chúng tôi cùng anh chị em đã chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân - Xuân 1968. Khi đưa tấm bia này đi tôi hoàn toàn không được biết gì. Chỗ khu vực tưởng niệm mới trên đường Phạm Văn Đồng (P.Vỹ Dạ, TP.Huế - PV) chỉ là điểm ghi nhớ thôi chứ không liên quan gì đến các trận đánh”, bà Nở nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.