Vì sao khói bếp không tan?

28/05/2021 06:42 GMT+7

Cảm ơn nhà thơ Lê Giang đã cho người đọc những giờ phút thật cảm động khi đọc tác phẩm tản văn bút ký Khói bếp không tan (NXB Trẻ 2021) của chị. Vâng, khói bếp ấy cũng không tan trong lòng người đọc, mỗi khi ký ức ùa về.

“Cái ơ kho quẹt của má đã thành kẻ chợ rồi má ơi! Những anh hùng Lương Sơn Bạc lừng danh, những mỹ nhân Bắc Hà, những hảo hán giang hồ đáng kính… đều chấm chấm mút mút, ghiền, thèm, hít hà... Cái gia tài của má mà má đâu nó đó, đã làm cho con gái của má tiếp tục nổi tiếng cùng cá bống kèo, cá bống trứng, tôm tích, lòng tong, nghêu, sò, lò tho, trê vàng, thịt ba rọi... chơi với rau dền cơm, rau ngổ, đậu bắp, đậu rồng... cứ quẹt vào cay cay mằn mặn dễ quên lãng sự đời” (Cái ơ kho quẹt “nổi tiếng”).

Nhà thơ Lê Giang ngoài làm thơ, còn là cây bút viết tạp văn, bút ký đặc chất Nam bộ, vừa sành điệu vừa hài hước, mộc mạc mà thấm sâu vào lòng độc giả

 
Tôi trích một đoạn văn này, để nói, nếu đoạn văn ấy được viết ra bởi một nữ thi sĩ đã… 92 tuổi, chắc chả mấy người tin. U.100 rồi mà viết như mới U.60 vậy sao?
Nhà thơ Lê Giang, thường được em út gọi là chị Năm Kim (tên thật của bà là Trần Thị Kim) sinh năm 1930 bên dòng sông Gành Hào - miệt thứ Cà Mau, từ năm 15 tuổi đã trốn nhà vô rừng U Minh theo bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đi kháng chiến chống Pháp. Rồi trải qua nào là tập kết ra Bắc, nào là về Nam bộ tham gia kháng chiến chống Mỹ, suốt mấy chục năm trường xa cha mẹ và quê hương Gành Hào, như một câu hát bây giờ đang nổi tiếng “Thuở ấy thanh xuân trăng Gành Hào tròn như chiếc gương” (nhạc Vũ Đức Sao Biển). Ai cũng biết, bao năm qua chị Lê Giang cùng chồng là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã lặn lội khắp miền Đông miền Tây Nam bộ, khắp cực Nam rồi suốt dải đất miền Trung để sưu tầm ca dao, dân ca, giữ lại cho dân tộc mình những tinh hoa của văn học nghệ thuật dân gian. Cứ tưởng anh chị chỉ đi khắp miền Nam, nào ngờ, anh chị còn đi khắp miền Bắc, lên tận những miền rẻo cao Việt Bắc, Tây Bắc, tận những Hà Giang, Cao Bằng, chỉ để truy tìm những điệu hát dân ca, những câu ca dao mộc mạc sâu thẳm. Công lao của anh chị thầm lặng mà lớn lao vô kể.
Nhưng nhà thơ Lê Giang ngoài làm thơ, còn là cây bút viết tạp văn, bút ký đặc chất Nam bộ, vừa sành điệu vừa hài hước, mộc mạc mà thấm sâu vào lòng độc giả. Như những món ăn dân dã mà chị Năm là “đầu bếp chính” đầy sáng tạo, đã khiến bao bạn bè em út phải hít hà vì… ngon quá, thấm quá. Tôi nhớ cái chi tiết chị Lê Giang kể khi làm các món ăn trong rừng chiến khu, trong đó có món… rắn chàm quặp (một loài rắn nhỏ cực độc trong rừng) chị dùng làm nhưn (nhân) bánh xèo, tôi đọc mà… tắt bếp luôn, vì… ngán. Trước cái bếp trong rừng, chị Lê Giang sáng tạo như thế là cùng cực rồi.
Và tôi còn nhớ một câu trong bài viết về người mẹ “bộ đội” (bây giờ hay gọi là mẹ “xã hội”) của chị Năm ở Thuận Thành - Bắc Ninh, người mẹ mà chị Lê Giang gọi bằng u, khi u dấm dúi cho chị lúc tấm bánh lúc củ khoai, chỉ vì thương chị là “con gái duy nhất” giữa đám con trai, tận cái ngày xa xưa ấy, khi chị về học gì đó ở Thuận Thành. Tôi lại nhớ khi gặp các con bộ đội ở đảo Thổ Chu, chị lại kể cho các con nghe về người u tận Bắc Ninh tít tắp ngoài Bắc: “Khi u đưa bánh cho mẹ, mẹ thấy bàn tay u như những rễ cây kết lại”. Thấy bàn tay người mẹ chiến sĩ như những rễ cây kết lại, là đã thấy tất cả những gì cần phải thấy trên cõi đời này.
Đó là cái nhìn. Còn đây là cái nghe cực tinh tế của một người mẹ: “Còn nghe tiếng lách tách lá tre rơi, tiếng chép miệng ngon lành của trẻ sơ sinh vừa bú no sữa mẹ, tiếng lắc tai khi con trâu bực mình đuổi ruồi, tiếng cu gù nhau trong đám mía, tiếng gàu thả xuống ao, tiếng lộp cộp xe bò chở lúa vô làng…”.
Nghe và nhìn như thế là cách nghe và nhìn của một thi sĩ, cả khi họ viết văn xuôi. Vậy thì, khói bếp làm sao tan được trong ký ức bộn bề mà rành rõi của một người con sinh bên sông Gành Hào, trưởng thành trong rừng U Minh, và trải qua bao năm tháng chiếu đất màn sương đi kháng chiến.
Năm 2020, tỉnh Cà Mau quê hương chị Lê Giang đã tặng chị giải thưởng đặc biệt cho một tập hồi ký viết về rừng U Minh thời kháng chiến chống Pháp.
Đó là lời cảm ơn của quê hương với người con thủy chung hiếu thảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.