Vì sao Việt kiều không được phép mở hãng phim ?

15/03/2006 23:41 GMT+7

Một khi chưa trở thành sự nghiệp chung của mọi thành phần, sự chấn hưng điện ảnh Việt Nam có hóa thành khập khiễng?

"Trong nước chưa chắc làm phim hay bằng"

Mới đây, đạo diễn Lê Cung Bắc trần tình "nỗi khổ" làm phim: "Khi hãng Việt Phim của chúng tôi đưa bộ phim Bẫy tình, chuyển thể từ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng ra Hà Nội duyệt thì gặp ngay trở ngại vào giờ chót, không được thông qua với lý do hãng Việt Phim là của Việt kiều, mà lúc này chưa cho phép Việt kiều lập hãng sản xuất phim! Chúng tôi chưng hửng, trước đó không ai nói cho chúng tôi biết gì hết. Chúng tôi phải liên kết với một hãng phim trong nước thì được ngay". Vấn đề này, trong hội thảo chuyên gia về Dự án Luật Điện ảnh tại văn phòng Quốc hội ở phía Nam cuối tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Phúc Thảnh - Cục trưởng Cục Điện ảnh đã giải thích: "Chủ trương cho phép tư nhân lập hãng phim đã có, nhưng chỉ cho người Việt ở trong nước. Trong thảo luận nội bộ, có ý kiến e ngại Việt kiều do sống lâu xa quê hương nên làm phim sẽ khó mà sát với thực tế đất nước. Cho nên, nếu để họ lập hãng, làm phim mà mình sau đó không duyệt thì họ khiếu kiện lung tung, rắc rối".

Nghe giải thích mà ngỡ như... nằm mơ, không dám tin đó là sự thật ! NSND - đạo diễn Huy Thành phản ứng: "Tại sao cứ quen nghĩ hễ là tư nhân thì kinh doanh không tốt ? Tôi nói thẳng, nhiều người Việt chúng ta ở trong nước cũng chưa chắc làm phim về quê hương, dân tộc hay bằng, tốt bằng Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Thời xa vắng của Hồ Quang Minh ! Họ là Việt kiều đấy !". Bà Nguyễn Thế Thanh, phó giám đốc Sở Văn hóa  -Thông tin TP.HCM, cũng phản ứng: "Đã đến lúc nhà nước cần cho phép Việt kiều lập hãng phim! Thì đấy, giáo dục là quan trọng mà Nhà nước cũng cho Việt kiều đầu tư rồi, thậm chí người nước ngoài cũng được bỏ vốn 100% vào những dự án cơ sở giáo dục. Không việc gì phải đặt rào cản, miễn là pháp luật Việt Nam được tuân thủ".


Đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh (phải) cùng với diễn viên Thế Lữ trong mùa nước nổi miền Tây để quay phim Mùa len trâu

Có nên quy định hạn ngạch nhập phim ?

Còn một vấn đề khác, đó là cách các cơ quan quản lý nhà nước đối xử với các hãng phim tư nhân. Cho đến nay, chưa hề có văn bản nào quy định về giải quyết khiếu nại phát sinh của các hãng phim đối với những quyết định từ Hội đồng tư vấn phổ biến phim (cụm từ mới, thay cho Hội đồng duyệt phim) ! Không nên để cho một cơ chế nào được phép đứng ngoài hoặc đứng cao hơn những ràng buộc pháp lý.

Một thực trạng nữa đang làm đau đầu các nhà sản xuất phim: phim Việt bị lấn sân, đứng trước nguy cơ bị hạ knock-out ngay trên sân nhà. "Nhập một bộ phim chiếu rạp chỉ tốn 10.000 USD, cao lắm là 50.000 USD, thấp hơn nhiều so với việc tự sản xuất một bộ phim nhựa 3-4 tỉ đồng. Bên truyền hình còn rẻ hơn, mua một tập phim chỉ 1.000-2.000 USD, trong khi TFS sản xuất một tập phim tốn đến 150-200 triệu đồng" - ông Lưu Phước Sang, giám đốc Hãng phim Phước Sang nhận xét. Ông nói thêm: "Xin đừng chậm chân trong qui định hạn ngạch: nếu sản xuất được một bộ phim thì được phép nhập mấy phim, nếu không sản xuất thì không được nhập. Rồi, quy định thuế suất ưu đãi phim Việt, mức thuế tăng như thế nào khi nhập phim ngoại. Nếu không được nhà nước bảo trợ, cỡ 5 năm nữa, giới sản xuất phim nội địa như chúng tôi chỉ có nước dẹp tiệm trước làn sóng đua nhau nhập phim ngoại chiếu rạp, phát sóng".

Hiện tại, Hàn Quốc đã đưa ra những giải pháp hạn ngạch, với cách áp dụng linh hoạt... Còn điện ảnh Việt Nam, có lẽ cũng nên xem xét vấn đề này.


Bối cảnh trong phim Dòng máu anh hùng do Việt kiều về nước làm dưới "mác" hãng Chánh Phương (do người Việt trong nước đứng tên - nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín) (ảnh: T.L)

Việt Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.