Vị thủ tướng 'rất Nam bộ'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
08/03/2019 06:36 GMT+7

' Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân', do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành nhân ngày giỗ đầu của ông (mùng 1.2 âm lịch, tức ngày 6.3.2019) là cuốn sách tư liệu quý.

Đây là hồi ức của các tác giả và các đồng đội của ông về một vị thủ tướng giản dị, nghĩa tình, luôn gần gũi với nhân dân. Đặc biệt có nhiều trang hồi ký đầy cảm động của “anh Sáu Khải” từ thuở còn niên thiếu nơi quê nghèo làng Tân Thông Hội (Củ Chi) ngày còn khốn khó.
Trong bài Đời tôi trong thuở thiếu thời, ông tiết lộ nhiều chi tiết về hoàn cảnh gia đình và xung quanh cái tên Phan Văn Khải mà ít ai biết. Ông viết: “Ngoại tôi kể lại, tổ tiên họ Phan có gốc gác từ miền Trung, theo công cuộc khai khẩn của các chúa Nguyễn đi dần vào Phan Thiết, rồi vào Nam, định cư ở làng Tân Thông Hội đến đời ngoại là đời thứ ba… Vì ngoại tôi khó đường con cái nên má tôi được chọn đặt cho cái tên đen đủi xấu xí: Phan Thị Mun (Mun có nghĩa là đen), nhưng má lại là người có nhan sắc… Tôi chào đời ngày 25.12.1932 (Nhâm Thân), tức ngày 20.1.1933. Lọt lòng tôi đã ở trong vòng tay ngoại. Ông khai sinh tôi theo họ ngoại, chọn đặt cho tôi cái tên Phan Văn Khải, những mong đời tôi đổi khác, có ngày mở mày mở mặt thoát khỏi cảnh thất học, bữa đói bữa no. Tuổi thơ của tôi lớn lên giữa vùng đỏ của cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, chứng kiến những số phận bi hùng ở trong gia đình, trong chòm xóm và của cả quê hương. Tự lúc nào trong tôi đã chảy dòng máu yêu nước, thương nòi...”.
Rồi chuyện ngày 16.8.1956, ông được… cưới vợ khi đang tham gia cải cách ruộng đất ở Hưng Yên với bạn gái thân là Nguyễn Thị Sáu, người từng trải qua nhiều năm tháng gian khổ ở miền Đông Nam bộ và cùng tập kết ra Bắc... Ông thú nhận: “Chúng tôi, có lẽ không có một tình yêu thật nồng nàn, nhưng đã có sự tin cậy, sẻ chia, đặc biệt là ở hoàn cảnh cả hai cùng xa quê hương, thèm khát một mái ấm gia đình. Lúc đó, Sáu đã đảng viên, còn tôi vẫn chưa được kết nạp Đảng...”.
Ngoài việc tuyển chọn rất công phu nhiều bài viết sâu đậm tình đồng chí, người thân, bạn thời đi học, với hình ảnh của một vị thủ tướng luôn xông xáo “nơi đầu sóng ngọn gió”, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng, cuốn sách còn làm nổi bật dấu ấn năng động và sự sáng tạo của ông Sáu Khải trong việc tháo gỡ những trói buộc của cơ chế để phát triển, tạo ra sự bứt phá ngoạn mục cho kinh tế VN thời kỳ đổi mới ở một con người đặc sệt tính cách phương Nam. Bài Người đi như mây trắng ngang đầu, nhà báo Phạm Thục khẳng định: “Được tiếp xúc lâu, được theo làm việc nhiều lần với Thủ tướng Phan Văn Khải thì không chỉ tôi mà nhiều người cũng nói với tôi, họ có cảm giác kính quý, rất tin cậy vì sự thẳng thắn, thông minh và quyết đoán trong công việc. Và khi ông cười, người ta cảm nhận được sự ấm áp, nhân hậu “rất Nam bộ” ở ông”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.