Việt Nam tham gia Công ước Geneva: Băng đĩa nhạc nước ngoài sẽ hiếm và đắt hơn

07/06/2005 22:31 GMT+7

Chưa đầy một năm sau khi gia nhập Công ước Berne, từ 6/7 tới, Việt Nam tiếp tục tiến trình hội nhập quốc tế bằng việc chính thức trở thành thành viên của Công ước Geneva - công ước về bảo hộ nhà sản xuất ghi âm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi âm. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật về "bước đi tất yếu" này.

* Trở thành thành viên của Công ước Geneva đem lại cho Việt Nam lợi ích gì, thưa ông?

- Cũng giống như Công ước Berne, Công ước Geneva tạo cơ sở pháp lý cho công dân Việt Nam được bảo hộ quyền tác giả tại các nước thành viên và ngược lại.

* Nhưng, đánh đổi lại, cũng giống như sau khi chúng ta gia nhập Công ước Berne, kể từ 6/7 tới, đường vào cho các tác phẩm âm nhạc quốc tế sẽ chỉ còn là một khe cửa hẹp?

- Chúng ta phải chấp nhận một điều là các sản phẩm âm nhạc quốc tế vào Việt Nam sẽ không còn dồi dào như trước, do hiểu biết về thủ tục mua bản quyền và cả kinh phí của chúng ta cũng rất hạn chế. Nhưng, Công ước Berne, Công ước Geneva, và tới đây còn một số công ước nữa là bước đi tất yếu trong lộ trình Việt Nam gia nhập WTO và chúng ta không thể cưỡng lại được. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn phải tham gia "cuộc chơi" văn minh này và không có cách nào khác là phải tự tin.

* Có ý kiến cho rằng, trong tình trạng các trung tâm bản quyền trong nước hoạt động chưa mấy hiệu quả và các cơ quan chức năng vẫn còn nặng tâm lý đùn đẩy nhau trong việc giải quyết các vụ tranh chấp bản quyền, Công ước Geneva sẽ khó được thực thi một cách nghiêm túc ở Việt Nam?

- Tôi có nghe phản ánh này nhưng sự thật không hẳn vậy. Bởi những lĩnh vực thuộc về văn hóa bao giờ cũng do Bộ Văn hóa - Thông tin giải quyết, không thể có chuyện đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc tham gia Công ước Geneva, chúng tôi đã tính đến việc đưa quá trình giải quyết tranh chấp bản quyền về một đầu mối bằng sáng kiến liên kết 3 ngành: thanh tra văn hóa, công an và quản lý thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành một đợt tổng kiểm tra băng đĩa trước và sau khi Công ước Geneva có hiệu lực.

* Sau khi gia nhập Công ước Berne, không ít nhà xuất bản Việt Nam phàn nàn, việc liên hệ trả tiền bản quyền đã khá rắc rối nhưng việc mua bản quyền các tác phẩm quốc tế còn phức tạp hơn và hầu như... thất bại. Kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á là thành lập một tổ chức trung gian, chuyên thực hiện mua bán bản quyền cho tất cả các cá nhân, tổ chức có nhu cầu?

- Ở Việt Nam, những ai sử dụng các bản ghi âm có thể tìm đến 3 nơi để thanh toán bản quyền: Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Ghi âm Việt Nam và Trung tâm Bản quyền tác giả văn học. Phương thức thanh toán tùy hai bên quyết định. Còn việc thành lập một tổ chức trung gian, nếu có thì cũng là quá mới ở ta. Tuy nhiên, trong đề án hỗ trợ, chúng tôi cũng đã tính đến phương án ra mắt một tổ chức hoạt động sự nghiệp hỗ trợ cho các nhà xuất bản, các hãng ghi âm trong những năm đầu thực hiện Công ước Geneva.

Hương Lan
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.