Viết Tân - “Phù thủy” âm thanh

01/12/2007 14:39 GMT+7

Không biết nhấc các diva Thanh Lam, Mỹ Linh... ra khỏi bản đồ âm nhạc Việt Nam thì nền công nghiệp thu âm, biểu diễn của ta lao đao đến mức nào; chứ nhấc ông chủ Viết Tân cùng cái phòng thu của ông ra khỏi xứ sở này, nhất là những năm trước đây, thì thị trường băng đĩa nhạc vắng đi bao nhiêu sản phẩm tốt - xin mượn ý của nhạc sĩ Quốc Bảo khi nói về ông Viết Tân để mở đầu bài viết này.

1 Trông ông giống như một ông thầy giáo hưu trí. 57 tuổi, nho nhã, da trắng, quần tây và áo sơ mi, kính trắng

đè nghiêng sống mũi, giọng Bắc cư trú trời Nam nhỏ nhẹ. Và ân cần. Đôi khi hay nói chuyện buồn. Khi không ai hỏi đến hay không có việc gì cần thiết phải mở lời, thì ông im lặng, và nghe. Hoặc đóng tai lại không nghe nữa và đuổi theo những dòng âm thanh tuôn chảy không ngơi nghỉ trong tâm trí.

Ngôi nhà của ông, ngôi nhà đụng vào đâu cũng có thể phát ra âm nhạc và tiếng hát, kể cả “đụng” vào ông, bà Hồng - vợ ông hay cậu con trai của ông - rocker Viết Thanh. Các ngôi sao của bầu trời ca nhạc Việt Nam, từ ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, cho đến producers (nhà sản xuất) trong Nam ngoài Bắc, lui tới nhà ông như nhà của họ. Và ông thì nhẹ nhàng với tất cả. Ông làm hài lòng mãn nguyện họ, cũng là hài lòng mãn nguyện ông. Ở nhà Viết Tân, “nhẹ nhàng tử tế” đã trở thành một phẩm cách, từ người làm nghề khuân vác cho tới diva.


Với ca sĩ Tuấn Hưng -  Ảnh: Đ.N.T

Một ngày 18 tiếng đồng hồ, từ 10 giờ sáng nay đến rạng sáng hôm sau, ông thức và nghe trong ngôi nhà mà mỗi gian phòng là một gian tiếng động đó.

2 Khởi nghiệp là một chuyên viên âm thanh, từ khi chưa đầy hai mươi tuổi cho đến sau giải phóng, làm việc cho các đoàn ca nhạc, ông tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về âm học (acoustic) và kỹ thuật thu âm bằng phương pháp thử-sai. Cái phương pháp học không thầy, không bạn, người ta học 5 phút, ông học cả tháng, đào sâu tận huyệt mới thôi ấy, cộng với niềm say mê vô bờ bến dành cho âm nhạc và máy móc đã biến ông thành một người am hiểu, giỏi nghề số một trong lĩnh vực của ông.

Trước hết, ông là một người mix nhạc, một “phù thủy” âm thanh. Với những ngón tay mẫn cảm, đôi tai tinh tường và bàn mix, có thể biến một giọng alto thành giọng soprano, hay tiếng violin thành tiếng đàn cò. Một chút xê xích ấy có thể khiến một tác phẩm âm nhạc thăng hoa. Và theo ông, “làm nghề phải có tâm”, để chấp nhận và dùng kỹ thuật, tài nghệ của mình nâng đỡ, làm sáng lên những giọng ca còn non nớt.

“Đóng góp của Viết Tân vào tiến trình nhạc trẻ Việt Nam là ở nỗ lực tìm kiếm một chất lượng âm thanh tiêu chuẩn, sao cho phù hợp nhất với giọng hát Việt, ngôn ngữ Việt và tai nghe của người Việt” - Nhạc sĩ Quốc Bảo.

Nhưng đấy chỉ là một trong những việc ông làm hằng ngày. Tất cả các công đoạn, hoạt động của một studio, ông đều có thể trực tiếp tham gia khi cần thiết. Thậm chí làm cả một người thợ cơ khí, sửa chữa khi máy móc, thiết bị hỏng hóc. Một mixer chỉ cần thao tác trên bề mặt, nhưng vì quá say mê, mà ông tìm cách “chui” vào cả bên trong, xem cấu tạo của từng cái nút vặn, từng thanh điều khiển, hiểu từ trong ruột hiểu ra. Ngoài phòng thu, ông và gia đình còn lo việc sản xuất và phát hành băng đĩa nhạc.

18 tiếng mỗi ngày như vậy, suốt mấy chục năm qua. Yêu thích thì tìm tới. Đam mê thì gắn bó. Gắn bó thì dốc cả thời gian, sức lực, tiền của vào đấy.

3 Trước giải phóng, ông lập ban nhạc, rồi làm chuyên viên âm thanh ở phòng thông tin. Sau đó, ông phụ trách máy móc âm thanh và chơi nhạc cho các đoàn văn công. Rồi tiếp theo là những ngày lọc cọc in sang băng nhạc từ cái máy cassette cổ lỗ sĩ ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng. Đến năm 1989, ông hợp tác với Kim Lợi studio, từ những ngày đầu. Công nghệ thu thanh đơn sơ, thiếu thốn trăm bề, thu trên một dàn máy cassette do ông tự lắp ráp, muốn làm được chỉ biết trông cậy vào tay nghề của chuyên viên. Và chỉ với sự trông cậy đó thôi,  họ đã làm ra được những sản phẩm tốt cho Cẩm Vân, Ngọc Sơn, Thu Hiền, Như Quỳnh...

Ba năm sau, ông chính thức ra riêng, dọn về một ngôi nhà càng lên cao càng nhỏ rồi trở nên nhọn hoắt như cây bút chì trên đường Phan Văn Hân, Q.Bình Thạnh. Bắt đầu từ đây, một home studio ra đời. Giới nhạc sĩ, nhạc công, producer, ca sĩ khắp trong Nam ngoài Bắc có một chốn để lui tới, làm việc và tụ họp. Những cái tên Trần Tiến, Dương Thụ, Bảo Chấn,  Đức Trí, Mỹ Linh, Thanh Lam, Bằng Kiều, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Lam Trường, Phương Thanh, Duy Quang, Cẩm Vân, Quang Dũng... vào ra nơi này mòn đường chết cỏ, để làm, chơi, gặp gỡ, nuôi cảm hứng.

Trong “căn nhà bút chì” đó, ê-kíp Anh Quân - Huy Tuấn - Mỹ Linh đã “cắm” ở đây trong suốt thời gian thu Tóc ngắn. Ông bật cười khi kể lại chuyện Mỹ Linh cứ mỗi khi rời phòng thu lại vội vàng chạy xuống vén áo... cho con bú. Home studio ấy cũng là nơi ăn ngủ thường trực của mấy thế hệ nhạc công: Lý Được, Lê Quang, Thanh Sơn, Công Thanh, Kim Tuấn, Vĩnh Tâm, Trọng Hiếu, Hoài Sa...

Từ căn nhà này và môi trường thuần túy âm nhạc, coi trọng yếu tố hỗ trợ lẫn nhau và phẩm chất “tử tế” được đề cao, bao nhiêu giọng hát đã vững vàng xác lập chỗ đứng trong niềm tin cậy vào tay “bà đỡ”, bao nhiêu sản phẩm âm nhạc đã ra đời trong sự nâng niu của ông chủ Viết Tân. Thế nên từ khi Làn Sóng Xanh có giải thưởng cho Phòng thu thực hiện nhiều ca khúc Việt được yêu thích nhất, thì năm nào cái tên Viết Tân Studio cũng được trang trọng xướng lên.

Trung thành, tận tụy, cả đời ông có thể nghe đi nghe lại, ngắt vụn ra, từng đoạn một, một bản nhạc cả trăm lần, cả nghìn lần, khi nó còn ở dạng chất liệu, thô sơ. Ông đã miệt mài tìm hiểu và nghiên cứu để chỉ ra sự khác biệt lớn giữa hai ngôn ngữ, giữa hai giọng hát, giữa hai mức độ biểu cảm của tiếng Anh, tiếng Việt, giữa giọng Bắc, giọng Nam. Rồi từ đó, tìm cách “xử lý” chúng một cách tối ưu có thể. Ông cũng là người hiểu đến tường tận, hơn ai hết chất giọng của từng ca sĩ, từng ngón đàn nhạc công, từng sở trường sở đoản của người phối khí.

Từ năm 2003, Viết Tân mới chuyển từ “nhà bút chì” về một ngôi biệt thự ở Q.3. Ngôi nhà khang trang, rộng rãi, máy móc chuyên nghiệp, đông đảo hơn, lại vừa tậu được cỗ mixer Amek-Hendrix to đùng, niềm mê đắm của ông suốt từ năm ngoái cho đến năm nay chưa hề nguội. Giờ thì ông vẫn ngồi mơ tới cái phòng thu triệu đô để “làm cho nó đã”.

“Đến chừng này tuổi, tôi chưa khi nào thôi day dứt với điều này: những người làm nhạc, ngoài vị thế danh vọng này nọ, thì họ có một cuộc sống vật chất tốt để không sa vào cám dỗ nào đó. Gắn bó lâu dài với họ, tôi biết những người làm âm nhạc là những con người thông minh, có tài, có tình yêu lớn với âm nhạc. Thế nên nhìn họ khổ, tôi buồn. Dù bất kỳ ai trong số họ “sẩy chân”, tôi càng buồn. Chung quy, tôi không muốn họ khổ vì họ yêu âm nhạc”, ông nói vậy khi được đề nghị tự tổng kết về mình.

 Hải Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.