Vĩnh biệt học giả Nguyễn Văn Xuân: Chỉ còn gặp trong di sản...

06/07/2007 11:19 GMT+7

Tác phẩm đầu tiên của ông mà tôi được đọc là tiểu thuyết Bão rừng vào khoảng năm 1970. Một anh lính giải phóng khi đi trinh sát quận lỵ Đức Dục (Quảng Nam) nhặt được nó và cho tôi.

Ấn tượng về một chàng trai mười sáu tuổi lên cao nguyên kiếm sống những năm 1930 cứ theo tôi cho đến ngày 1.4.1975, khi tôi được thầy giáo Tùng đưa đến gặp ông ở căn nhà trong một con hẻm trên đường Thái Phiên, nơi mà đêm 4.7.2007 ông đã trút hơi thở cuối.

32 năm đã qua, căn nhà vẫn không có gì thay đổi, chỉ có sự thay đổi ngoài đường Thái Phiên. Năm đó sau khi hỏi tin tức các văn nghệ sĩ ngoài Bắc mà ông quen biết, và tặng tôi tập truyện ngắn Dịch cát, ông có nói cho tôi biết công binh Mỹ chỉ làm đường Thái Phiên trong một đêm. Đêm nay muốn đến nhà ông tôi phải qua con đường ấy, mà người ta đang đào bới để làm lại. Chàng trai mười sáu tuổi trong tiểu thuyết với con người 63 tuổi năm 1975 và ông già 88 tuổi không còn thở nữa, đêm nay có gì khác không? Có rất nhiều khác biệt trong ba con người ấy, chỉ có một sự đồng nhất có tên là Nguyễn Văn Xuân.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921 tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 21g30 đêm 4.7. Linh cữu quàn tại nhà riêng ở đường Thái Phiên, Đà Nẵng. An táng ngày 10.7 tại quê nhà.

Người ta nói ông là người có ít hạnh phúc trên đường đời, nhưng tôi lại nghĩ khác. Người hạnh phúc là người nói được điều mình muốn nói, làm được điều mình muốn làm. Một ví dụ: năm 1985, nhà xuất bản Đà Nẵng có đặt ông viết một cuốn biên khảo tạm lấy tên là Quảng Nam từ khi hình thành đến khởi nghĩa Tây Sơn. Ông nhận lời. Trong hai năm anh em biên tập thường đến nhà ông, vừa thăm hỏi ông vừa xem công việc tiến triển đến đâu. Ông không hề đả động gì đến cuốn biên khảo mà chỉ tâm sự về một cuốn tiểu thuyết. Cuốn sách ấy ông đặt tên là Quái nữ viết về một người đàn bà quái kiệt trong thời các chúa Nguyễn. Hết thời gian theo như thỏa thuận với nhà xuất bản, thay vì một cuốn biên khảo, chúng ta lại có ở ông một cuốn tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống. Ông đã làm được điều ông muốn làm không hề để tâm đến những ràng buộc trước đó. Đó là một người hạnh phúc. 

Lại một ví dụ khác. Khoảng năm 1977, khi những người con lai lũ lượt ra đi, ông đã viết một bài nói rõ quan điểm của mình là nên giữ họ lại. Nhiều quốc gia muốn cải thiện thể chất nòi giống họ đã tốn nhất nhiều công sức, họ đã cho nhập quốc tịch những người nước ngoài không hạn chế. Ông nói nhiều lần rằng trong 30.000 người con lai đó, trong họ một nửa giòng máu Việt, tại sao lại để họ đi. Thời ấy ông đã quả quyết rằng việc giữ những người con lai ở lại không chỉ để hội nhập nòi giống mà còn để phát triển thể thao. Dù quan điểm của ông lúc đó không được chấp nhận, nhưng thử hỏi đã có ai dám nói những điều như vậy vào một thời điểm như vậy. Trước tết vừa rồi, khi đến thăm ông, bàn chuyện về những thất bát của thể thao Việt Nam, ông nói: “Ngày trước nếu mà nghe tôi thì bây giờ sẽ có rất nhiều người nhảy cao qua mốc 2 mét”. Nói được điều mình muốn nói và nói nhiều lần, dù người ta chấp nhận hay không, đó cũng là một hạnh phúc.

Trong cuộc đời lao động sáng tạo theo kiểu khổ sai của ông, tôi nghĩ những mong muốn lớn nhất của mình ông đã làm xong. Với khối lượng trước tác hàng ngàn trang, những điều cần gửi gắm ông đã gửi gắm được. Còn xã hội đã đối xử công bằng với ông chưa thì đó là câu hỏi đặt ra cho chúng ta, những người từng đọc ông, từng yêu quí ông, từng chia sẻ với ông.

Nhớ lần hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An tại thư viện Đà Nẵng, trong hàng trăm nhà khoa học VN và thế giới về dự hội thảo không có tên ông. Buổi tối trước ngày khai mạc, nhiều người am hiểu Hội An đã vây quanh vị chủ tịch hội thảo để nói rằng bàn về Hội An mà thiếu Nguyễn Văn Xuân là một thiệt thòi lớn. Vị chủ tịch, vốn người có gốc gác Quảng Nam, phải mất mấy giờ sau mới nhận ra được điều cần phải làm. Gần nửa đêm, học giả Nguyễn Văn Xuân mới nhận được lời mời dự hội thảo. Xả bỏ những tự ái không cần thiết, sáng hôm sau ông tới hội thảo. Từ một người ngoài lề, ông đã làm các nhà khoa học nhiều nước phải chú ý đến những điều ông nói ra trong tham luận; để rồi đến cuối hội thảo ông là trung tâm của các tranh luận khoa học, có lúc rất căng thẳng; là trung tâm của các cuộc phỏng vấn báo chí mà ở đó ý kiến của ông bao giờ cũng chắc chắn và sâu sắc nhờ sự uyên bác được tích tụ nhiều năm trong ông.

Viết về Nguyễn Văn Xuân chẳng lẽ không nói về sự “rong chơi” của ông. Công việc sáng tạo khổ sai làm ông nổi tiếng nhờ văn bản, còn sự “rong chơi” của ông lại nổi tiếng bởi giai thoại.Trong cuộc chơi này, ông thật là người dân chủ. Khi chúng tôi ở tuổi 30 thì ông đã tuổi 60, nhưng cả hai phía chẳng thấy có gì khác biệt. Đi uống bia, ông khai tuổi với các em lúc thì 26, lúc thì 36; ông sẵn sàng đi với chúng tôi thâu đêm suốt sáng gần như không biết mệt mỏi, chỉ để có người trò chuyện, tâm sự. Câu chuyện của ông bao giờ cũng cực đoan, nhưng không áp đặt. Và tôi đã học được ở ông rất nhiều trong các cuộc rong chơi.

Trong đời ít có ai mà không gặp một sự cố nào dù lớn dù nhỏ, nhưng hoàn cảnh của ông thật là hy hữu. Đến năm 80 tuổi ông vẫn là lao động chính trong một gia đình có nhiều người khác thường. Trong căn nhà mà tôi được biết từ 1.4.1975 đến nay chẳng có gì thay đổi mà ngày càng xuống cấp thêm bởi người lao động chính đang bận kiếm sống để cái gia đình đặt biệt đó tồn tại. Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết ông lấy đâu ra ý chí, sức lực để chống chọi với hoàn cảnh. Cuộc chiến này của ông thật là oanh liệt, người bình thường như chúng tôi thật khó hình dung ra nổi, dù nó đã diễn ra hằng ngày trước mắt mình.

Đêm nay ngồi bên cạnh con người đã không còn thở nữa, đã bất động... Để rồi tôi vẫn cứ nghĩ làm sao gặp lại được ông? Một bậc hiền triết từng nói con người từ hư không đến rồi trở về hư không. Thì ông cũng đã trở về hư không rồi đó sao? Nhưng sẽ có lúc nào đó trên con đường đời gập ghềnh này, trong một cảnh huống trắc trở, ta sẽ gặp lại ông trong những di sản mà ông để lại; rồi từ đó, ta sẽ tìm ra cách riêng cho mình để chống chọi với hoàn cảnh mà ông từng chống chọi.

Theo Thái Bá Lợi - Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.