Vĩnh biệt 'một người yêu nước mình'

10/05/2018 05:58 GMT+7

Chiều 9.5, nhà thơ Trần Vàng Sao đã vĩnh viễn ra đi tại chính ngôi nhà mình ở Vỹ Dạ (Huế). Ngôi nhà ấy từ sau 1975 đã là nơi gặp gỡ thân tình của những người yêu mến anh từ bốn phương trời.

Anh tham gia phong trào yêu nước của tuổi trẻ đô thị miền Nam từ những năm đầu thập niên 1960, sau đó lên “xanh” một thời gian rồi ra bắc. Qua chuyện kể của anh trong những lần gặp anh tại Hà Nội năm 1974, tôi hiểu anh đã từng trải qua những ngày gian khổ từ núi rừng hiểm trở. Những bài báo đấu tranh; những trang thơ viết vội; những khúc diễn ca sôi nổi hào hùng… được xuất phát từ tâm hồn, trí huệ của một thời trai trẻ. Nhiều đồng đội ở chiến khu thuộc những câu lục bát tài hoa của anh và thơ Trần Vàng Sao đã tiếp truyền dũng khí cho những thế hệ đàn em, trong đó có tôi.
Câu chuyện kể của anh không dừng ở khúc chiến trường gian khổ cùng sự cống hiến của chính anh. Tôi thương quý anh nhiều hơn, gần gũi anh nhiều hơn khi anh cho tôi biết thêm những nỗi đau mà anh phải nhận chịu. Sự trung thực của anh trong từng trang nhật ký đã trở thành những bản án vô hình.
Nhớ một ngày anh từ Bắc Ninh về Hà Nội, cùng anh tôi lên đê Yên Phụ trong chiều và được nghe anh kể xuất xứ Bài thơ của một người yêu nước mình sáng tác tháng 12 năm 1967. Khát vọng thống nhất đất nước là điều có thật nhưng thống nhất được lòng dân ấy mới chính là đỉnh điểm thơ anh.
đất nước hôm nay đã thấm hồn người
ve sắp kêu mùa hạ
nên không còn mấy thu
đất nước này còn chua xót
nên trông ngày thống nhất
cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
lòng vui hôm nay không
thấy chật...
Sau ngày đất nước thống nhất, anh em chúng tôi lại hội tụ nơi ngôi nhà Vỹ Dạ. Trách nhiệm công dân, dũng khí của người nghệ sĩ trong Trần Vàng Sao lại ngời lên trên đầu ngọn bút. Những dòng chữ mực tím trên những trang vở học trò lại trăn trở trước những trầm luân của xã hội, của nhân tình thế thái. Và nữa, sự mất mát tàn khốc một thời chiến tranh luôn đau đáu trong tâm thức anh với sự giằng xé, thao thức, tiếc thương về sự hy sinh quá lớn lao của đồng đội mình. Và chính từ những điều cốt lõi ấy mà anh cho ra đời các thi phẩm Người đàn ông 43 tuổi nói về mình (1984), Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa (1990), Đi tìm xác đồng đội (2012).
Hiện nay trong ngôi nhà anh còn rất nhiều di cảo thơ, nhật ký của anh bên cạnh những bức tranh Bồ đề Đạt Ma anh vẽ. Sự trung thực cùng tấm lòng sáng trưng của anh đã thể hiện rất rõ trên từng tác phẩm văn chương nghệ thuật của anh.
Từ nay, ngôi nhà ở Vỹ Dạ vĩnh viễn vắng bóng người anh tôi yêu quý!
Huế 9.5.2018.
Hồi 14 giờ 45 phút hôm qua 9.5, nhà thơ Nguyễn Đính (Trần Vàng Sao) đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 78 tuổi. Tin từ anh Nguyễn Đông Xuyên, con trai của nhà thơ, cho biết ông Nguyễn Đính đã lâm trọng bệnh một thời gian dài.
Ông Nguyễn Đính sinh năm 1941 ở xã Hương Lưu (nay là P.Vỹ Dạ), TP.Huế, Thừa Thiên-Huế; từng tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha, Thái Ngọc San... Giai đoạn 1965 - 1970, ông lên chiến khu tham gia cách mạng. Năm 2012, NXB Hội Nhà văn ấn hành chính thức tập thơ của ông dưới tựa Gọi tìm xác đồng đội.
Bùi Ngọc Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.