Vở Alibaba đủ 40 tên cướp trên sân khấu vì trẻ sẽ... đếm

Tố Tâm
Tố Tâm
19/05/2018 09:32 GMT+7

Là tác giả và đạo diễn cho nhiều chương trình Ngày xửa ngày xưa , đạo diễn Vũ Minh đã có những chia sẻ về vở diễn năm nay và “bí quyết” giúp chương trình này luôn thu hút cả trẻ con lẫn người lớn.

Chương trình Ngày xửa ngày xưa đã trở thành một thương hiệu của Sân khấu Kịch Idecaf (TP.HCM), và mỗi năm, khán giả nhí lẫn người lớn đều mong chờ xem vở mới ra mắt kể câu chuyện gì, những nhân vật cổ tích nào sẽ hoạt náo trên sân khấu. Năm nay chương trình ra mắt vở có cái tên khá dài là Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp… với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó!, với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Hữu Châu (trong vai tướng cướp Abukhaxan), NSƯT Thành Lộc (trong vai tên cướp… điệu Alêpêdê), NSƯT Mỹ Duyên (trong vai Selena), Đình Toàn (trong vai Alibaba)… Đặc biệt, vở có sự xuất hiện của đầy đủ 40 diễn viên trong vai tên cướp, sẽ chính thức công diễn đợt 1 tại Nhà hát Bến Thành TP.HCM từ ngày 26.5 và kéo dài đến đầu tháng 7.
*Vì sao năm nay anh lại chọn câu chuyện Alibaba và 40 tên cướp để đưa lên sân khấu Ngày xửa ngày xưa?
- Đạo diễn Vũ Minh: Thực ra khi nhận được tin nhắn của anh Tuấn (ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch Idecaf-PV) về việc viết kịch bản, tôi còn chưa biết viết về chuyện gì. Nhưng sau đó sực nhớ ra là năm trước anh Tuấn đã gợi ý về Alibaba rồi nhưng chưa có dịp làm. Thế là tôi ngồi viết trong vòng 3 ngày là xong kịch bản.
*Nội dung trong vở có khác gì với câu chuyện Alibaba và 40 tên cướp nguyên bản không?
- Câu chuyện vẫn theo đúng như cốt truyện cổ tích nhưng theo từng tình huống mình có thể cho nó “nở” ra thêm những tình tiết thú vị hơn, một kiểu “phá cổ tích” nhưng vẫn giữ được đường dây từ đầu đến cuối, giữ được nội dung câu chuyện và đầy đủ các nhân vật.
NSƯT Thành Lộc và Don Nguyễn là 2 trong 40 tên cướp trong vở ẢNH; TỐ TÂM
*Năm nay sẽ có những điều gì đặc biệt trong vở?
- Âm nhạc nhiều hơn, múa nhiều hơn với 7 bài múa, 6 ca khúc. Phục trang rất nhiều, 40 tên cướp thôi là đã 40 bộ rồi. Đặc biệt là trên sân khấu sẽ có đầy đủ 40 tên cướp vì đơn giản là tôi đặt mình ở vị trí và tâm lý của trẻ con, khi chúng nghe câu chuyện Alibaba và 40 tên cướp thì điều đầu tiên là chúng sẽ… đếm coi đủ 40 tên cướp thật không đã. Nếu làm các tên cướp bằng rối cũng được nhưng sẽ bị hạn chế về mặt hành động và cảm xúc trên sân khấu nên tôi đã đề nghị ông bầu có đủ 40 tên cướp thì khi dựng mới có trò cho khán giả xem, bởi các trò của vở diễn sẽ đặt chính ở 40 nhân vật này.
*Vậy vì sao lại có sự xuất hiện “cây đèn thần của Aladin nữa đó”?
- Đó là tình tiết hư cấu thêm vào câu chuyện để giúp cho cái kết vở thêm hấp dẫn.
Sẽ có đầy đủ 40 diễn viên đóng vai tên cướp trên sân khấu ẢNH: TỐ TÂM
*Năm nào cũng làm chương trình Ngày xửa ngày xưa, có khi nào anh cảm thấy bị áp lực, sợ bị lặp lại không?
- Không có áp lực gì vì đã quen rồi, quen với việc khán giả cần gì. Chỉ có áp lực là khi nghĩ năm nay mình làm về chuyện gì thôi. Khi nghĩ ra được câu chuyện rồi thì tất cả từ trò diễn, mọi thứ đều phát sinh ra được hết.
*Theo anh, điều gì giúp một vở kịch cho trẻ con trở nên thu hút?
- Đối với trẻ con, tôi phải cụ thể, không thể ước lệ được vì trẻ còn quá nhỏ để tưởng tượng ra ý đồ trên sân khấu. Vì vậy bắt buộc phải diễn cụ thể hết, thật rõ ràng và quan trọng nhất là làm sao xóa được những suy nghĩ không hay cho trẻ. Ví dụ như khi nói về cái ác, mình phải biến cái ác thành cái xấu chứ đừng để trẻ quá sợ hãi. Như trong vở này, khi đưa hình ảnh các tên cướp lên sân khấu thì không để biểu hiện cướp là phải cướp của giết người khiến phản cảm; cũng không dùng bạo lực. Đám cướp trong vở đều rất ngây ngô, hài hước và chỉ xấu tính chứ… không ác.
Cảnh trong vở ẢNH: TỐ TÂM
* Các chương trình Ngày xửa ngày xưa đều rất vui, hài hước. Anh thường tạo ra các yếu tố vui cười đó như thế nào?
- Cái đó là do cái duyên của nghệ sĩ là chính. Dựa trên tình huống của kịch bản, cái duyên của diễn viên sẽ nhân tình huống đó ra. Ví dụ xem vở này sẽ thấy Thành Lộc và Hữu Châu rất duyên, làm ăn cướp mà rất dễ thương, làm ăn cướp mà người ta… không ghét.
* Anh nghĩ điều gì khiến chương trình Ngàyxửa ngày xưa luôn được trẻ con yêu thích?
- Khi viết kịch bản, tôi đặt mình vào vị trí của trẻ con, nghĩ xem nếu mình là đứa con nít thì mình cần gì, muốn xem gì, thích cái gì… Ví dụ như trong hang chứa vàng bạc châu báu của 40 tên cướp thì không thể ước lệ để tưởng tượng mà khi hang động mở ra, đập vào mắt phải là hình ảnh một kho báu thật sự. Ngoài ra, kịch cho trẻ con thì không thể khô khan, không có màu sắc, tuân thủ và bảo toàn, nghiêm túc quá đâm ra trẻ con bị chán. Đặc biệt, trẻ phải thấy hình ảnh của mình từ những hình ảnh trong câu chuyện, từ tính cách nhân vật, từ đó sẽ cảm thấy thích vì vở nói nói lên được những điều mà những đứa trẻ ấy có thể không nói lên được.
*Xin cám ơn anh!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.