Vua Tự Đức từng tha mạng cho con trai trưởng vua Thiệu Trị mưu phản?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
01/04/2021 16:00 GMT+7

Tưởng rằng vua Thiệu Trị sẽ truyền ngai vàng cho mình trước khi băng hà nên con trai trưởng Hồng Bảo tự tin. Ai ngờ tình thế đảo ngược, Hồng Nhậm (vua Tự Đức) lại được chọn khiến Hồng Bảo thổ huyết ngay sân chầu, rồi tìm mọi cách mưu phản.

Chuyện tức... hộc máu của Hồng Bảo, con trai trưởng vua Thiệu Trị khi nghe tuyên di chiếu đưa Hồng Nhậm (vua Tự Đức) lên ngôi đã từng được Thanh Niên đề cập trong bài viết trước. Mọi việc ngỡ sẽ êm đềm trôi qua, nếu Hồng Bảo không ôm mối hận xưa.

Vua Tự Đức qua nét vẽ của người Pháp

ẢNH: T.L

Sau khi chạy chữa hết bệnh, Hồng Bảo luôn tìm mọi cách để chiếm đoạt lại ngôi báu từ vua Tự Đức. Tình hình trong triều căng thẳng đến mức nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn có phản ánh trong sách Huế triều Nguyễn - Một cái nhìn (Omega và NXB Thế giới ấn hành) chi tiết: “Bấy giờ, trong triều đình Huế có lan truyền tin đồn Hồng Nhậm là con ruột của cố mạng lương thần Trương Đăng Quế nên vị thần này mới tìm kế gạt bỏ Hồng Bảo để đưa Hồng Nhậm lên ngai vàng. Nhiều người cho rằng tin đồn này xuất phát từ những người ủng hộ Hồng Bảo nhằm loại bỏ vua Tự Đức (Hồng Nhậm) và đưa Hồng Bảo trở lại ngai vàng…”.
Còn tài liệu trong cuốn Annales de la Propagation de la Foi thì in bức thư của giám mục Pellerin - một giáo sĩ Thiên Chúa ở Huế, có đoạn: “Sau khi Tự Đức lên ngôi được 1 năm, Hồng Bảo tìm mọi cách để lấy lại ngôi báu. Ông liên lạc với những người Thiên Chúa giáo lôi kéo họ đứng về phe mình và hứa hẹn nếu giúp ông giành lại được ngai vàng thì ‘được tụ do hành đạo' và (ông) còn dùng thế lực của mình để biến cả nước thành Thiên Chúa giáo”. Tuy nhiên việc làm này không được giám mục ủng hộ nên Hồng Bảo bày mưu tính kế khác, trong đó có nuôi ý định sang Tân Gia Ba (Singapore) để cầu viện người Anh. Sự việc đổ bể. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho biết: “Đến cuối năm Tân Hợi (1851) thì Hồng Bảo bị triều đình bắt giữ khi đang sửa soạn trốn đi Tân Gia Ba”.
Sách Chuyện triều Nguyễn của Bửu Kế (NXB Thuận Hóa, Huế 2002) có kể về âm mưu mưu phản này bị bại lộ như sau: “Một chiếc tàu nhỏ đổ ở dòng sông chảy ngang ngoài kinh thành, còn chiếc tàu lớn chở Hồng Bảo qua Tân Gia Ba thì đậu ở một cửa bể lân cận. Tàu và ghe thuyền bị tịch thu, khí giới và các thứ cần dùng đã tích trữ khiến cho người ta không thể nào nghi ngờ về ý định của ông được. Trong khi mưu cơ bại lộ, ông định tự tử nhưng mấy đầy tớ ngăn cản kịp, ông phải quyết định nhờ sự khoan hồng của nhà vua”. Lúc này Hồng Bảo kêu khóc thảm thiết, đầu tóc rối bù tay bồng đứa con trai trưởng chừng 6 - 7 tuổi đi vào Đại nội. Sách đã dẫn kể tiếp: “Khi đến trước mặt vua Tự Đức, ông thú nhận dự định trốn ra khỏi hoàng thành nhưng không phải như lời người ta tố ông kêu gọi người ngoại quốc đến để gây giặc giã trong nước. Bây giờ ông nghèo khó, bị khinh bỉ, bạn bè tôi tớ ngày một xa lánh, không thể nào giữ thể diện như xưa nữa, nên nguyện vọng duy nhất của ông là sang Pháp để sống như một kẻ thường dân”.

Tiền vàng thời vua Thiệu Trị

Ảnh: T.L

Vua Tự Đức rất xúc động khi thấy anh quỳ xuống chân để cầu xin nên an ủi và bảo rằng không cần phải ra nước ngoài cho xa xôi, nhà vua hứa cho ông một đời sống sung túc tại quê nhà. Sách Đại Nam thực lục chép rằng: “Tự Đức năm thứ 5 (1852)…(vua) ban thêm tiền gạo cho An Phong Công là Hồng Bảo, trừ số lương ăn hằng năm không kể, thưởng thêm cho mỗi năm 500 quan, gạo 500 phương”.
Chưa kể năm 1852, vua Tự Đức còn bỏ qua chuyện xưa, tiến hành cho dựng nhà thờ để thờ Quý tần Đinh Thị Hạnh, mẹ đẻ của Hồng Bảo. Quốc sử triều Nguyễn viết: "Vua cho rằng khi Hiến tổ chương Hoàng đế Thiệu Trị chưa lên ngôi, Quý tần Đinh Thị Hạnh hầu hạ ở bên tả, bên hữu, vẫn có tiếng là người đức tốt, cẩn thận cho nên điều đặc biệt chuẩn cho dựng lại nhà thờ".
Tuy nhiên xem ra những ân huệ của vua Tự Đức ban cho Hồng Bảo dường như vẫn chưa đủ đánh đổi sự đam mê chiếc ngai vàng đầy quyền lực, ngày càng làm mờ mắt con trai trưởng vua Thiệu Trị… (Còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.