"William Calley" trở lại Sơn Mỹ

01/02/2010 00:10 GMT+7

Đó không phải là viên sĩ quan quân đội Mỹ từng tham gia vụ thảm sát 504 đồng bào Sơn Mỹ cách đây 42 năm mà là Peter Cage, "hiện thân" của William Calley trong phim Những bức thư từ Sơn Mỹ do đạo diễn Lê Dân cùng ê-kíp làm phim của Trung tâm UNESCO điện ảnh truyền thông đa phương tiện thực hiện những thước phim cuối cùng tại khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) sáng qua 31.1.

Tín hiệu từ nước Mỹ

Tháng 9.2009, qua một số phương tiện truyền thông, William Calley, viên trung úy từng tham gia trực tiếp vào vụ thảm sát 504 đồng bào Sơn Mỹ ngày 16.3.1968, sau 41 năm im lặng, đã lên tiếng và ngỏ lời xin lỗi nhân dân Sơn Mỹ về hành động tàn bạo của mình. Vậy là, William Calley tưởng đã có thể thoát được tòa án của nước Mỹ sau vụ tắm máu, nhưng không thể chạy trốn khỏi tòa án lương tâm của chính mình. Hay tin Calley có lời xin lỗi nhân dân Sơn Mỹ sau nhiều năm câm nín, nhiều nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát tại làng quê này bày tỏ sự độ lượng của mình trước những lời ăn năn của ông ta nhưng với một điều kiện: viên sĩ quan ấy phải trở lại Sơn Mỹ và trực tiếp xin lỗi người dân.

Những tín hiệu đó từ nước Mỹ, và cả ở Sơn Mỹ, đã dẫn dụ đạo diễn Lê Dân thực hiện bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ. Có thể xem đây như là kỳ vọng của những nhà làm phim về cuộc trở lại đầy nhọc nhằn của một lương tri thức tỉnh, còn trong thực tế, từ những "tín hiệu" của cả hai phía - kẻ sát nhân và người bị hại - đến hiện thực là cả một không gian diệu vợi. Những mặc cảm tội lỗi cũng như những căm giận thẳm sâu của cả hai bên luôn luôn là rào cản không dễ bước qua một cách giản đơn.

Xin được tha thứ

Peter Cage (do Gérard Saub đóng), viên sĩ quan từng tham gia vụ thảm sát, sau nhiều năm im lặng, đã trở lại VN với mục đích tìm cơ hội để chuộc lại những lỗi lầm của quá khứ. Vừa đặt chân đến VN, ông ta hết sức ngỡ ngàng trước những đổi thay của một đất nước từng bị bom đạn của Mỹ vùi dập tơi bời. Trên chuyến tàu lửa từ TP.HCM trở lại Sơn Mỹ, Peter Cage được làm quen với Hạnh (Giáng My đóng), nữ giảng viên dạy piano tại Nhạc viện TP.HCM và rất giỏi tiếng Anh. Qua cuộc trò chuyện, Peter biết Hạnh quê Sơn Mỹ, còn một mẹ già ở đó. Peter nói với Hạnh rằng, ông là cựu binh Mỹ từng tham chiến tại VN và ông muốn trở lại Sơn Mỹ để nói một lời xin lỗi với người dân nơi đó. Hạnh vui vẻ nhận lời và tình nguyện làm hướng dẫn viên "không lương" cho Peter trong những ngày ông lưu lại Sơn Mỹ.

Từ ngôi nhà của mẹ con Hạnh tại làng quê Sơn Mỹ, Peter đều đặn viết thư cho vợ hằng ngày qua internet. Từ một làng quê chìm trong tang tóc, thế mà giờ đây, Sơn Mỹ đã có mạng internet - một điều ngoài sức tưởng tượng của Peter. Mỗi lá thư Peter gửi về cho vợ luôn luôn có một câu chuyện kèm theo. Nào là cô giáo Hạnh có cha bị giết trong vụ thảm sát, cô cũng là nạn nhân của ngày hôm đó, nhưng bằng nghị lực phi thường của mình, Hạnh đã trở thành một giảng viên của nhạc viện. Nào là cậu bé Vũ, 13 tuổi, hai cánh tay không có vì chất độc da cam nhưng em vẫn biết gửi những mơ ước của mình qua mỗi bức tranh. Nào là thầy giáo Dũng, cụt cả hai chân trong chiến tranh, nhưng ngày ngày vẫn lăn xe đến lớp để dạy các cháu nhỏ trong lớp học tình thương… Mỗi bức thư là một mảnh đời thương cảm nhưng biết vượt lên số phận để hướng tới những gì tốt đẹp nhất. Càng chứng kiến những cảnh đời vượt khó bao nhiêu, Peter càng giày vò ân hận bấy nhiêu. Và ông ta đã thú thật với Hạnh rằng mình chính là viên trung úy đã từng gây ra vụ thảm sát và mong được cô tha thứ. Hạnh khuyên ông ta hãy chôn vùi quá khứ tội lỗi ấy đi và nên có những hành động cụ thể để hướng về tương lai. Peter đã thực hiện những gì mà ông từng nung nấu từ bên nước Mỹ cũng như lời khuyên của cô giáo Hạnh.

Không thể chỉ có mỗi mình Hạnh biết về nhân thân của Peter, ông ta cần phải công khai tung tích của mình cho cả dân Sơn Mỹ biết thì mới nhẹ lòng. Nhân kỷ niệm ngày xảy ra vụ thảm sát, sau buổi lễ, Peter quyết định đứng trước đồng bào Sơn Mỹ để thú tội và xin được tha thứ. Vợ ông từ nước Mỹ xa xôi cũng bí mật đến Sơn Mỹ đúng ngày hôm đó. Và chính bà đã "thanh minh" cho chồng về nỗi ân hận được Peter chôn giấu hơn 40 năm qua cũng như mong đợi sự tha thứ. Hàng trăm con chim bồ câu đã bay lên trên nền trời xanh Sơn Mỹ trong ràn rụa nước mắt của cả hai người.

Peter đã được dân Sơn Mỹ tha thứ. Đúng hơn là được đạo diễn Lê Dân "tha thứ". Còn trong thực tế, nhân dân Sơn Mỹ liệu có tha thứ cho Calley hay không thì còn phải đợi khi ông ta trở lại Sơn Mỹ trong một ngày sớm nhất - như lời hứa của ông cách đây 4 tháng.

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.